Chuỗi sự kiện ý nghĩa này hướng đến kỷ niệm 50 năm quân và dân Thủ đô anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Tâm điểm của chuỗi hoạt động là cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Họ là các phi công chiến đấu bay đêm của hai Trung đoàn Không quân 921 và 927 của Sư đoàn Không quân 371. Công chúng có dịp gặp lại Đại tá Hoàng Biểu - một trong số ít các phi công bay đêm trên tiêm kích MiG của Sư đoàn Không quân 371 tham gia không chiến với máy bay Mỹ trong chiến tranh. Các nhân chứng lịch sử kể lại quá trình hoạt động, chiến đấu của lực lượng bay đêm trong năm 1972 như những “đặc công trên bầu trời đêm Hà Nội”.
Các nhân chứng lịch sử kể chuyện đánh B-52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: NGUYỄN MINH |
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B-52, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 dịp này phối hợp chuẩn bị tư liệu quý cho triển lãm Từ mặt đất đến bầu trời. “Triển lãm góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ, đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1)”, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói.
Hơn 100 tài liệu được chia làm hai chủ đề: B-52: Hà Nội không bất ngờ và Từ mặt đất đến bầu trời. Hình ảnh và câu chuyện của 108 phi công chiến đấu Việt Nam được chọn đưa vào triển lãm thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là giới trẻ. Hai cuốn sách được giới thiệu dịp này là 108 phi công chiến đấu Việt Nam và Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long cung cấp thêm những tư liệu quý báu về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mở cửa Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Căn hầm được xây dựng vào năm 1964 là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như đưa ra các chỉ đạo trực tiếp đến khắp các chiến trường trên cả nước. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hầm T1 cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ lớn: chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam, tổ chức báo động phòng không nhân dân. Tham quan Hầm T1 từ ngày 14/12, công chúng lần đầu thấy công nghệ 3D mapping tái hiện hoạt cảnh Hầm T1 trong đêm bão lửa. Công nghệ được sử dụng để diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B-52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch.