Chuyện dài về 'kinh đô áo dài'

Nam sinh tại Huế mặc áo dài ngũ thân tại lễ vinh danh “Học sinh danh dự toàn trường”
Nam sinh tại Huế mặc áo dài ngũ thân tại lễ vinh danh “Học sinh danh dự toàn trường”
Năm 2020, Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT) Thừa Thiên-Huế đi đầu vận động nam, nữ công chức vận áo dài đến công sở mỗi thứ hai đầu tháng dù có những ý kiến trái chiều. Dẫu vậy, Đề án xây dựng Huế là "kinh đô áo dài" vẫn đang được xúc tiến.

Chủ tịch tỉnh, cán bộ văn hóa vận áo dài

Ngày 10/7/2020, những ai quan tâm đến áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài nam ngũ thân được một dịp đáng nhớ. Hôm đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ trong trang phục áo dài ngũ thân, đầu đội khăn đóng truyền thống thực hiện nghi thức tiếp xã giao bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, có một vị Chủ tịch tỉnh tại Huế mặc “quốc phục” tiếp khách nước ngoài trong công sở. Từ việc này, có lần Chủ tịch Phan Ngọc Thọ chia sẻ, ông sẽ khích lệ toàn dân (cả nam lẫn nữ) Huế mặc trang phục áo dài nghênh đón quý khách trong nước và quốc tế, tạo ra một hình ảnh đậm chất Huế. “Tôi xin hứa từ nay về sau, trong các nghi lễ đón tiếp ngoại giao, tôi sẽ là người đầu tiên mặc trang phục truyền thống. Chúng ta phải vượt qua định kiến”, ông Thọ nói.

Tuy nhiên, việc Chủ tịch tỉnh vận áo dài, đội khăn đóng truyền thống tiếp đại sứ nước ngoài chưa phải là câu chuyện “nóng” về vận động “quốc phục” tại Huế trong năm 2020. Chuyện phục hưng “quốc phục” lại bắt đầu từ Sở VHTT.

Sáng sớm hôm đó, tin nhắn Zalo từ Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải gửi đến: “Sáng nay 9/7, bên cơ quan tôi tổ chức chào cờ kết hợp vận động toàn bộ nam, nữ cơ quan mặc áo dài truyền thống đi làm ngày thứ Hai trong tuần đầu tiên của tháng. Nếu được, anh em báo chí cùng tham dự”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng các ý kiến đóng góp của cộng đồng để có sự điều chỉnh phù hợp hơn trong trang phục áo dài của công chức, viên chức, đặc biệt là áo dài ngũ thân dành cho nam công sở trong thời gian tới.

Ngay sau đó, những hình ảnh về nam, nữ cán bộ, công chức Sở VHTT Thừa Thiên-Huế trang trọng trong “quốc phục” áo dài ngũ thân đến làm việc tại công sở xuất hiện dày đặc trên báo chí và hệ thống mạng xã hội. Một làn sóng bình phẩm, tranh luận trái chiều, khen chê, góp ý “nên hay không nên” vận động nam công chức vận áo dài đến công sở, như tại Sở VHTT Thừa Thiên-Huế, bất ngờ khởi lên và kéo dài nhiều tháng sau đó.

Nhiều ý kiến tán dương hoạt động này của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng cũng không ít người chê bai. Lý lẽ của những người không đồng tình vì rằng, các công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như những “liền anh đi hát quan họ", "như họp họ tộc", "mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc”, “công sở chứ đâu phải chỗ hát chèo, hát bội, cải lương”, “trang phục công sở nhà nước đã có quy định rõ ràng, Huế không thể làm như vậy được, ăn mặc như vậy ảnh hưởng đến công việc”…

Lan tỏa “quốc phục” giữa tranh luận, khen chê

Giữa lúc những tranh luận về áo dài ngũ thân vẫn nóng, sáng lễ Hiến chương Nhà giáo 20/11/2020, tôi bất ngờ nhận được loạt hình ảnh của một người bạn là thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Huế). Đó là những tấm ảnh “đặc biệt” về nhiều thầy, cô giáo của trường này. Sáng hôm đó, toàn bộ nam nữ giáo viên của trường lần đầu tiên cùng mặc áo dài truyền thống đến trường dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Hiệu trưởng Dương Tuấn Anh hào hứng: “Sau lễ này, nhà trường sẽ cố gắng duy trì mặc áo dài trong toàn nam, nữ giáo viên các dịp lễ, Tết và một số buổi chào cờ đầu tuần; dù đây chưa phải là quy định bắt buộc hay vận động chính thức của ngành giáo dục tỉnh, thành phố”.

Một sáng đầu tuần cuối năm 2020, ngang qua Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) trên đường Tố Hữu, tôi có chút “giật mình” vì toàn bộ nam nữ giáo viên tham gia chào cờ đầu tuần đều chỉnh tề, trang trọng trong bộ “quốc phục” áo dài truyền thống. Trước đó không lâu, trong lễ khai giảng đầu năm học mới, toàn thể giáo viên Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Huế cũng thực hiện “quốc phục” trên tinh thần hưởng ứng chủ trương phục hưng vị thế “Kinh đô áo dài” của Huế do tỉnh này phát động. Rồi toàn bộ 367 nam nữ “Học sinh danh dự toàn trường” được vinh danh tại Quốc tử giám - Huế cũng đồng loạt “quốc phục” tại hôm dự lễ. Mới đây, lần đầu tiên Huế tổ chức “Ngày hội áo dài” với thời gian kéo dài đến 2 ngày đêm. Tinh thần “quốc phục” đối với nam giới thời gian gần đây cũng lan tỏa mạnh mẽ vào các họ tộc lớn tại Thừa Thiên-Huế, tiêu biểu như trong cộng đồng họ Phạm tỉnh này.

Huế-kinh đô áo dài, chuyện còn dài

Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, mới đây khi hay tin Huế vận động “quốc phục”, có 6 ngài Đại sứ trước khi ra nước ngoài nhận nhiệm vụ đã gọi điện đến Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên-Huế nhờ tư vấn may áo dài ngũ thân để mang theo.

Chuyện dài về 'kinh đô áo dài' ảnh 1 Áo dài Hoàng cung nhà Nguyễn
Chuyện dài về 'kinh đô áo dài' ảnh 2 Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ vận “quốc phục” tiếp Đại sứ nước ngoài 
Chuyện dài về 'kinh đô áo dài' ảnh 3 Lễ hội áo dài tổ chức trong tháng 12/2020 tại Huế

Về vấn đề làm thế nào để Huế thật sự trở thành “Kinh đô áo dài Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên-Huế) kiến nghị đẩy mạnh quảng bá, tiếp tục nâng cao “Lễ hội áo dài” tại Huế, bởi Huế là nơi đã khởi đầu hoạt động trình diễn áo dài, đó là đặc trưng của Festival Huế. Theo ông Hoa, đã đến lúc phải đưa cả trang phục áo dài nam vào trong các trình diễn của “Lễ hội áo dài”.

Nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho rằng, cần thử nghiệm phổ biến áo dài một cách thường xuyên trong cán bộ, công chức một số ngành đặc thù như văn hóa, du lịch, dịch vụ di tích… Huế cần phải lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận sở hữu trí tuệ “Áo dài Huế”, đồng thời xây dựng bộ hồ sơ để UNESCO công nhận di sản “Áo dài Huế” (cả áo dài nam và áo dài nữ và các loại áo dài đặc trưng khác) trở thành di sản văn hóa của thế giới.

 Còn theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, xây dựng và phục hồi thương hiệu “Huế - kinh đô áo dài” ngoài yếu tố văn hóa còn vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Một khi được khôi phục, các ngành nghề may mặc truyền thống sẽ hình thành nên cả một chuỗi công nghiệp, dịch vụ liên quan đến áo dài, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Đó chính là sử dụng di sản để phát triển một cách phù hợp, vừa tôn vinh và phát triển Huế bằng các tiềm năng mà Huế sẵn có. Vậy nên, câu chuyện áo dài Huế sẽ còn rất dài... 

“Phải đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến áo dài. Có lẽ Huế là nơi rất có điều kiện để hình thành phố may áo dài, phố kinh doanh áo dài. Có thể mở rộng các hoạt động sản xuất áo dài may sẵn, áo dài may đo cho du khách khi họ đến Huế… Nếu làm được như vậy, rõ ràng áo dài ở Huế sẽ rất phong phú và người ta đều nhận thức được đây là nôi của áo dài”, 
Ông Nguyễn Xuân Hoa đề xuất

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.