Vào bây giờ, tất cả những gì mà người hâm mộ bóng đá trẻ tuổi biết về Rene Higuita là đoạn clip ngắn, ghi lại pha tung người lên không, dùng hai gót chân cản phá quả tạt lỗi của Jamie Redknapp trong trận giao hữu giữa Colombia và Anh tại Wembley năm 1995. Đó là khoảnh khắc mang tính biểu tượng, của sự ngẫu hứng và điên rồ trong bóng đá, khiến cái tên Higuita cùng biệt danh “Vua bò cạp” khắc sâu vào cuốn biên niên sử môn thể thao vua.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Higuita là thủ môn tiên phong trong việc biến mình thành hậu vệ quét, luôn sẵn sàng rời vòng cấm để lao lên phía trước. Ngày ấy các thủ môn vẫn được ôm lấy bóng sau đường chuyền về của đồng đội, nhưng Higuita không thích làm thế. Anh thoải mái nhận bóng bằng chân và dẫn bóng, băng qua các cầu thủ đối phương.
Chính thói quen của Higuita, được thể hiện trước toàn thể thế giới ở World Cup 1990, đã dẫn đến quyết định làm thay đổi bóng đá mãi mãi. Các quan chức FIFA điều chỉnh lại luật, cấm thủ môn dùng tay sau đường chuyền về. Lập luận của họ là, “một khi Higuita dễ dàng dùng chân, sao những người khác lại không?”.
Higuita bị Roger Mila cướp bóng ngay trong chân, dẫn đến bàn thua khiến Colombia bị loại khỏi World Cup 1990. |
Dĩ nhiên lối chơi mạo hiểm kiểu Higuita luôn ẩn chứa mối tai họa. Ngay tại World Cup 1990, ông đóng vai trò quan trọng đưa Colombia vào vòng 1/8, nhưng cũng là tội đồ khiến họ dừng bước. Trận gặp Cameroon, Higuita lao lên và mất bóng, dẫn đến bàn thắng duy nhất của Roger Milla.
Nhưng Higuita vẫn không chừa. Người ta gọi ông là “Gã điên”, bởi mỗi khi ra sân, không ai biết ông sẽ tạo ra điều kỳ quái gì. Trong đầu ông luôn có rất nhiều ý tưởng.
Ví dụ, pha bóng ngẫu hứng tại Wembley của Higuita bắt nguồn từ những đứa trẻ. “Trẻ em mang lại rất nhiều cảm hứng cho tôi”, thủ môn huyền thoại người Colombia nói với tờ El Mundo, “Tôi thấy chúng làm đủ trò trên đường phố hoặc công viên, nhất là những pha dứt điểm kiểu xe đạp chổng ngược. Tôi nói với chúng, uốn người kiểu đó cũng hay, nhưng sẽ thế nào nếu chúng làm ngược lại? Hôm ấy tại Wembley, tôi đã có cơ hội thực hiện giấc mơ chờ đợi suốt 5 năm”.
Pha bay người cản phá kiểu bò cạp trứ danh của Higuita trong trận gặp Anh tại Wembley. |
Sau này, ông còn thực hiện nhiều lần khác ở các trận đấu khác. |
Và, cũng ít người biết khi thực hiện cú đá bọ cạp nổi tiếng, Higuita chỉ vừa mới trở lại khoác áo ĐT Colombia. Vậy trước đó anh ở đâu? Chà, cũng không có gì to tát. Anh… ở tù.
Thực tế là không có gì to tát thật. Bởi những năm tháng đó, bóng đá, buôn ma túy và bắt cóc gắn liền với nhau, như nước gà, khoai tây và vi cúc, những nguyên liệu không thể thiếu trong món súp Ajiaco nổi tiếng Colombia. Ngay cả hiện tại, những điều này vẫn tiếp diễn, như vụ bố của Luis Diaz, ngôi sao đang chơi cho Liverpool, bị bắt cóc mới đây.
Trở lại thập niên 1990, bắt cóc là một ngành kinh doanh đúng nghĩa bởi đem lại lợi nhuận cao. Trong một nỗ lực ngăn chặn, chính phủ Colombia làm giảm lợi ích tiền bạc của các vụ bắt cóc bằng điều luật cấm trả tiền chuộc hoặc phí dàn xếp. Họ thậm chí còn đóng băng tài khoản ngân hàng của gia đình nạn nhân để việc bắt cóc trở nên vô ích.
Những năm 1990, Higuita là người nổi tiếng bậc nhất Colombia. |
Nhưng các vụ bắt cóc vẫn diễn ra. Vào tháng 5/1993, cô bé 11 tuổi Marcela Molina bị bắt cóc ở Medellin, thành phố lớn thứ hai Colombia. Tình cờ, Higuita lại lớn lên ở đây và với danh tiếng trong bóng đá, được cả thành phố tôn sùng. Medellin còn dựng một bức tượng để vinh danh ông, khi ấy mới 27 tuổi và đang chơi cho đội bóng của thành phố, Atletico Nacional.
Bố cô bé, ông Luis Carlos Molina, đã liên hệ với Higuita nhờ giúp đỡ. Bằng danh tiếng cũng như mạng lưới quan hệ rộng khắp, trong đó có cả mối thân tình với giới tội phạm, ông sớm biết được tổ chức đứng sau vụ này và dàn xếp về cuộc trao đổi.
Vào ngày cuối tháng 5, hai người đàn ông đi xe đến nhà Higuita, đưa ông tới trung tâm thành phố cùng chiếc vali chứa 300.000 USD của nhà Molina. Họ ra khỏi xe và một người biến mất cùng vali tiền, một người ở lại cùng Higuita nhằm đảm bảo cô bé Marcela sẽ được giao trả. Trong lúc chờ đợi, đám trẻ phát hiện ra Higuita và ùa tới xin ký tặng. Ông không từ chối một ai, mải miết ký cho đến khi gã kia chỉ về phía sau, “cô bé đến rồi”.
Higuita luôn nói rằng hành động của ông xuất phát từ tấm lòng rộng lượng và hào hiệp. |
Higuita ngoái theo nhưng quả quyết đó không phải Marcela. Và khi ông quay lại, bằng cách kỳ diệu nào đó, Marcela đã ở ngay trước mặt. Những ngày sau, để tỏ lòng biết ơn, nhà Molina đã tặng Higuita một hộp đồ chơi. Mở nó ra, bên trong là 50.000 USD. Higuita lập tức trả lại, song Luis Carlos Molina nhất quyết không đồng ý, khẩn nài ông nhận nó.
Cũng cần lưu ý, Molina không đơn giản là một doanh nhân, mà đứng sau hệ thống rửa tiền tinh vi. Chưa hết, Higuita cũng như nhiều cầu thủ bóng đá khác tại Colombia, lớn lên trong nghèo khó trước khi đổi đời nhờ bản hợp đồng kếch xù từ CLB Atletico Nacional, được tạo ra với mục đích giúp các tổ chức tội phạm ma túy rửa tiền. Molina là một trong các ông chủ, cùng với tay trùm khét tiếng Pablo Escobar. Đó là loại người mà Higuita không thể nói không, từ việc phải dàn xếp vụ bắt cóc đến nhận tiền cảm ơn. Như nhà báo James Reston Jr viết trên Esquire, “các cầu thủ trở thành nô lệ cho chủ CLB”.
Higuita nghĩ rằng mọi thứ kết thúc ở đây. Nhưng không. 5 ngày sau, ông bị bắt. Thủ môn nổi tiếng nhất đất nước Colombia bị Văn phòng tổng chưởng lý Colombia cáo buộc ba tội danh: làm giàu bất hợp pháp, hòa giải không có thẩm quyền và không tố giác vụ bắt cóc.
Higuita được yêu mến cả trong lẫn ngoài sân cỏ, bởi sự gần gũi và những pha bóng khó tin. |
“Tôi bị kết tội chỉ vì cứu một đứa bé”, Higuita đau khổ nói. Lập luận “hành động vì lương tâm” và “không biết đến các điều luật mới” đều bị bác bỏ. Ông bị tống vào tù. Đồng thời, bị tra tấn để nói về Pablo Escobar, trùm tội phạm mà ông có mối quan hệ bạn bè.
Ở Colombia thời kỳ ấy, ranh giới đúng sai rất mong manh. Ví dụ, trước khi Pablo Escobar bị công khai là tay trùm ma túy khét tiếng, ông ta từng là chính trị gia, người bảo trợ bóng đá Colombia và đóng vai Robin Hoods của người nghèo với vô số công trình công cộng.
Higuita nói rằng “không ai có thể thay đổi quá khứ và khởi đầu tình bạn”. “Tôi có rất nhiều bạn, có những người sau đó trở thành chiến sỹ du kích nhưng cũng có người buôn ma túy. Chưa kể khi tôi nổi tiếng, ai cũng muốn là bạn của tôi”, sau này ông trần tình trên Tạp chí Bocas.
Cuộc sống phức tạp cùng các mối quan hệ chồng chéo của Higuita tương tự Diego Maradona. Cả hai đều được coi là người hùng dân tộc, bạn của dân nghèo. Không ngạc nhiên khi Higuita và Maradona trở nên thân thiết với nhau, và cùng tham gia vào trận giao hữu năm 1991 tại La Catedral, nhà tù do chính Pablo Escobar để… tự giam mình theo yêu cầu của chính phủ Colombia.
Cho đến cuối năm 1993, khi Pablo Escobar vẫn ngang nhiên vận hành hệ thống tội phạm, một chiến dịch truy quét lớn được tiến hành cùng kế hoạch chuyển y đến nhà tù thường. Ông trùm bỏ trốn và bị tiêu diệt vào tháng 12/1993.
Higuita tái hiện pha cản phá vua bò cạp trong trận đấu chia tay ngày 24/1/2010. |
Cái chết của Pablo Escobar cùng hành động tuyệt thực giúp Higuita được thả, sau 7 tháng tù giam, đồng thời được tuyên trắng án. Ra tù, ông trở về căn nhà gỗ nằm nép mình giữa những chung cư cao tầng. Ông sẽ lên chiếc xe Jeep vào mỗi buổi chiều, tới sân vận động chạy vòng quanh và tập tạ một mình. “Gã điên” chạy đua với thời gian để lấy lại thể lực, kiếm suất tới World Cup 1994.
Đáng tiếc, Higuita không có mặt ở đó, cũng như World Cup 1998 và World Cup 2002. Lý do được đưa ra là “không đủ thể lực”. Tuy nhiên theo nhà báo James Reston Jr viết trên Esquire, nguyên nhân sâu xa đến từ quá khứ nhiều tranh cãi của Higuita.
Nhưng cũng chính các tranh cãi khiến Higuita bất tử, như Maradona ở Argentina. Ông là nạn nhân của một giai đoạn hỗn loạn, đồng thời là biểu tượng của sự phóng khoáng, khát khao tự do của đất nước Colombia. Theo các cắt nghĩa của nhà văn từng đoạt giải Nobel, tác giả của Trăm năm cô đơn và Tình yêu thời thổ tả, Garcia Marquez, thì “một nửa đất nước Colombia là những người như Higuita, luôn muốn nhiều hơn những gì mình có và cố gắng đạt được nó kể cả bằng cách bất bình thường”.