LTS: Xăm và hình xăm luôn gây tranh cãi trái chiều. Trước đây, người xăm hình cơ thể thường bị xem là chơi bời, “hổ báo”, bị dè chừng, kỳ thị; thì nay khá phổ biến, nhất là ở người trẻ, người nổi tiếng, văn nghệ sỹ, cầu thủ bóng đá. Xăm mình nên hay không và chúng ta cần nhìn nhận thế nào? Loạt bài của Tiền Phong thử tìm hiểu, lý giải vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa. Chúng tôi kỳ vọng bạn đọc, các nhà chuyên môn có thêm một góc nhìn, ý kiến phản hồi, tranh luận về câu chuyện xăm mình.
Bài 1: Chuyện của người xăm hình
Không ít bạn trẻ lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường thuộc thế hệ Z (sinh khoảng 1995-2012) đến với xăm hình, mong muốn ghi lại những dấu ấn vui, buồn, trưởng thành của bản thân; khi có những kỷ niệm người thân trong gia đình, hoặc đơn giản chỉ là thấy thích thú xăm hình nghệ thuật và muốn “đổi mới” bản thân.
Lưu dấu kỷ niệm, thể hiện cái tôi
Phương Linh (Sinh năm 2000), sinh viên năm thứ 4 ngành Kế toán của một học viện tại Hà Nội ngắn gọn giới thiệu ý nghĩa của sáu hình xăm ở vai, bắp tay, cổ tay và bụng "đều mang động lực tích cực để có thể tự tin hơn trong cuộc sống" và "một hình em và mẹ mang ý nghĩa gia đình". Hình xăm đầu tiên của Linh chỉ đơn giản là chữ "Smile" (nụ cười) và chiếc lá với mong muốn bản thân luôn được vui vẻ. Sau đó Linh xăm hình ngọn lửa nhỏ mong muốn giữ được đam mê, rồi hình hai con bướm mang ý nghĩa tái sinh và tự do...
Linh bắt đầu để ý các hình xăm khi học lớp 10. Từ những câu chuyện về hình xăm nghệ thuật của cô bạn cùng đội nhảy, Linh tìm hiểu, theo dõi một số người trên mạng xã hội Facebook chia sẻ về nghệ thuật xăm và ý nghĩa của hình xăm. “Tôi có ý định xăm sau khi lên đại học vì đã đủ 18 tuổi. Và hình xăm đầu tiên của tôi vào học kỳ hai năm nhất”, Linh kể.
Phương Linh có 6 hình xăm, trong đó có hình cô chụp cùng mẹ hồi bé Ảnh: NVCC |
Ban đầu, Linh được bạn thân cùng lớp đại học giới thiệu địa chỉ quen. Vì thích sẵn rồi nên được bạn giới thiệu chỗ xăm, cô chỉ mất 5 phút quyết định. Phương Linh kể: "Cửa hàng khá bé và được bài trí kiểu rồng phượng, găng - tơ nên có hơi sờ sợ, tôi cũng băn khoăn về mực, kim xăm liệu có đảm bảo không...? Anh thợ xăm nhìn cũng dữ dằn, xăm kín chân tay toàn hình rồng phượng, nhưng nghĩ bạn mình từng là khách hàng ở đây và lỡ đến rồi nên xăm luôn". Vì không đặt lịch trước, cô phải đợi một khách nữ "nhìn khá dịu dàng" thực hiện hình xăm kín.
Sau lần đầu xăm không đau lắm, hình đẹp, Linh còn quay lại cửa hàng để xăm hình thứ ba. Đến hình thứ tư, cô đến cửa hàng gần hơn, hình thứ năm, thứ sáu thì bạn xăm cho. Hình xăm nhanh nhất chỉ mất 15 phút, còn lâu nhất hơn 2 tiếng. "Tôi ấn tượng nhất hình thứ năm vì xăm hình hai mẹ con tôi, to hơn so với những lần trước và có đoạn phải đi ba kim cùng một lúc để tô, rất đau", cô chia sẻ. Linh cũng cho biết, cô không giấu gia đình sau mỗi lần có hình xăm. Lần đầu gia đình phản đối "xăm người ta đánh giá mình không học hành đàng hoàng, ăn chơi lêu lổng". Nhưng những hình sau, cô giải thích ý nghĩa từng hình thì không thấy bố mẹ nói gì, chỉ nhắc nhở kiêng cữ đàng hoàng tránh nhiễm trùng.
Thanh Đức (Sinh năm 2000), sinh viên năm cuối ngành Kế toán - Kiểm toán, cũng sở hữu một hình xăm thuộc dạng kín ở bắp tay. Cậu kể, lúc nhỏ, cảm thấy sợ khi nghe những câu chuyện xăm trổ và lời nhắc nhở "tránh xa mấy người giang hồ xăm trổ ra". Nhưng khi Đức tìm hiểu, mới rõ có không ít người xuất phát từ sở thích, lưu giữ kỷ niệm hoặc tính chất công việc...
Nhiều hình xăm với những kích cỡ, chủ đề khác nhau được các bạn trẻ lựa chọn Ảnh: Fanpage HNBXG |
Từ cảm nhận "xăm hình là một nghệ thuật và bản thân nên có một hình xăm", Đức đã lựa chọn hình mã code mà khi quét sẽ ra dãy số ngày tháng năm sinh của cậu. "Tôi có ý định xăm từ lâu rồi, nhưng mãi đến năm ngoái mới thực hiện việc này. Và tôi muốn hình đầu tiên là cái gì đó dành riêng cho mình", Đức chia sẻ.
Theo Đức, trước đây chỉ kiểu xăm gẩy bằng kim, còn bây giờ toàn xăm bằng máy. Ngày biết Đức đi xăm, bố mẹ la mắng, cậu lựa lời giải thích rằng "xăm không có gì xấu, cũng đơn thuần như đi làm tóc hay xỏ khuyên". Đến giờ, Đức không thấy hối tiếc khi có một hình xăm trên người.
Xăm ở tuổi học trò
Khác với suy nghĩ của các đàn anh, đàn chị “18+”, không ít bạn trẻ đến với việc xăm hình khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Trong diễn đàn mạng xã hội công khai mà Phương Linh đang làm thành viên, có nhiều bạn trẻ xăm hình từ sớm và không đợi đến tuổi 18. Trần Vy (SN 2003) cựu học sinh THPT Đống Đa Hà Nội đang theo đuổi ngành Mỹ thuật công nghiệp, có hình xăm đầu tiên vào giữa năm học lớp 10. Đó là hình con lợn mini 3x3cm, nhưng có ý nghĩa đặc biệt gắn với nét vẽ đầu tiên được bố cô dạy, cùng điểm thêm bông hồng mà cô thích.
Muốn được là mình
Theo Phương Linh, việc xăm hình không xấu, nhưng xăm khi đang là học sinh thì cô không đồng tình. Việc xăm hình chỉ nên khi đủ 18 tuổi, đủ chín chắn hơn và khả năng chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Tùy hoàn cảnh, cuộc sống và góc độ công việc để lựa chọn hình xăm, vị trí xăm phù hợp. “Mọi người thiếu thiện cảm với hình xăm vì cuộc sống trước đây, trên phim ảnh, hình xăm thường gắn với người xấu, giới giang hồ có những hình xăm bặm trợn. Con gái hay con trai xăm hình cũng được là chính mình, song con gái thường bị xét nét nhiều hơn trong góc nhìn từ những người khác" - Phương Linh nói.
Vy kể: "Bố mất sớm. Sau năm đầu tiên suy sụp, tôi mong muốn làm gì đó giống bố, nhưng lúc đó mới học cấp hai, còn quá nhỏ và kinh tế cũng không có nên thấy chưa phải thời gian xăm được hình".
Cô đến địa điểm xăm từ một bài quảng cáo trên mạng xã hội, chủ tiệm xăm đã rất bất ngờ vì khách hàng trông nhỏ quá, nhưng vẫn đồng ý làm vì ý nghĩa hình muốn xăm. "Có lẽ vì tôi cũng chắc chắn về quyết định của mình nên anh ấy đã không từ chối", cô nói. Đến nay, ở tuổi 18 Trần Vy có sáu hình xăm, trong đó có năm hình tự thiết kế trên giấy rồi đưa đến thợ. Các hình xăm đều có ý nghĩa gắn với gia đình, bản thân. Những hình xăm lần sau to hơn lần trước và bắt đầu ở những vị trí dễ nhìn thấy hơn như bắp tay, đùi.
"Hình đầu tiên tôi xăm ở trên ngực, nghĩ mặc áo ở nhà sẽ không ai biết, nhưng mẹ như có năng lực đặc biệt nên đã biết được", cô kể và cho biết, mẹ cũng có hình xăm nên khá thoải mái, chỉ khuyên tuổi còn nhỏ còn khá sớm để xăm.
Thanh Đức xăm mã code ngày sinh lên cánh tay Ảnh: NVCC |
Vy chia sẻ, ở lớp các bạn học và thầy cô "đều hiểu tôi là đứa có cá tính mạnh và yêu thích nghệ thuật nên chẳng có ai kỳ thị". Vy vẫn nhớ, lần tâm sự về sở thích và mong muốn trở thành nghệ sĩ xăm hình thì được cô giáo dạy Văn cảm thông: "Xăm không đánh giá được con người, nếu có sở thích thì em cứ theo đuổi đam mê". Vy học khá giỏi, hai năm lớp 11, 12 đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp và kỳ thi năng khiếu vào đại học có kết quả tốt.