Cầm tấm bằng đi xin việc chẳng nơi nào nhận, Hiếu từng thử rất nhiều việc “không liên quan ngành học” ở Hà Nội như lắp camera, dạy trẻ em đánh cờ vua, huấn luyện viên thể hình... Chẳng nghề nào trụ được, Hiếu quay về quê ở Uông Bí (Quảng Ninh) thử việc ở hiệu cầm đồ nhưng “bản tính tôi nhút nhát, làm sao mà đi đòi nợ thuê được”. Quay lên Hà Nội, Hiếu làm chạy bàn ở nhiều quán khác nhau và bén duyên với nghề bartender đã được năm năm. Hồi làm bartender được một năm, Hiếu gom tiền lương và vay bạn bè một khoản lớn để đi học thêm một nghề mà anh đam mê - xăm nghệ thuật. “Vì nó có chút liên quan đến vẽ vời và giúp tôi thư giãn”.
Thích cái này, yêu cái kia
Hiếu kể, gia đình anh từng phản đối, ngăn cản khi con em mình theo đuổi cả hai nghề đều “không lành mạnh”. Với họ quán bar và những kẻ xăm trổ đều là đối tượng không được xã hội tôn trọng. Những lần về nhà dịp giỗ chạp, mọi người nhìn cánh tay Hiếu trổ hoa xanh đỏ bên dòng chữ tiếng tây đầy cảnh giác. “Tôi lạc lõng, chả chia sẻ được với ai, may ra có mẹ chịu trò chuyện và hơi hơi hiểu khi thấy tôi có thu nhập ổn định”, Hiếu chia sẻ.
Thời làm chạy bàn, tò mò với việc pha chế, Hiếu thường đặt câu hỏi với người trưởng bar về công thức, kỹ thuật khi kết hợp các loại rượu. Bartender này truyền kinh nghiệm, tạo điều kiện cho cậu kỹ sư điện tử thất nghiệp thực hành, ngẫu hứng với những gia giảm hương vị. Sau này làm vị trí pha chế chính, Hiếu cũng truyền nghề cho đồng nghiệp trẻ hơn. Lúc vắng khách mọi người cùng thử công thức mới. Dù không biết uống rượu nhưng vị giác bẩm sinh tinh tế, Hiếu luôn gọi ra tên vị bị thiếu hoặc chưa đủ đậm. Thế mạnh của Hiếu là cocktail. Bí quyết một ly cocktail ngon là khả năng ước lượng khi đong rượu, sự nhanh nhẹn của bàn tay, kỹ thuật lắc shake hoặc quấy. Lắc shake trông sành điệu nhưng cocktail quấy khó hơn và ngon hơn, Hiếu bật mí. Khách hàng có 60% là tây, khá nhiều người trong số họ đến bar chỉ gặp ca của Hiếu mới gọi đồ uống. Say mê đọc sách, hiểu biết về thế giới rượu nhưng anh không bao giờ pha chế theo công thức nguyên bản mà ngẫu hứng với hương vị, nguyên liệu thay thế.
Khoe hình xăm bông hoa nét mờ nét đậm và dòng chữ bằng tiếng La Tinh tạm dịch “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, Hiếu kể anh thích vẽ từ bé, từng định thi Đại học Mỹ thuật nhưng gia đình không cho. Trong một lần đi xăm, Hiếu nhận ra đây là công việc thể hiện khả năng vẽ và phiêu nếu gặp được khách hàng đồng cảm. Hóa ra học xăm lâu và đắt hơn mọi người nghĩ. Mỗi tháng đóng 20 triệu, phải học trong 6 tháng cộng với tiền mua đồ nghề. Hầu hết khách xăm đều biết Hiếu từ quầy bar. Chủ nhà hàng tạo điều kiện cho Hiếu xăm ngoài giờ, hoặc thợ đến nhà khách.
Lương trung bình của người pha chế khoảng 6-7 triệu, cộng một ít tiền boa. Nghề xăm cũng đem lại một khoản tương đương, có lúc nhiều hơn lương làm bar. Hỏi Hiếu “tại sao không tập trung vào xăm?”, anh nói “Tôi thích nghề bar và nghề đó chọn tôi. Còn xăm là tôi yêu. Tôi chọn nó”. Chủ studio xăm danh tiếng có thể kiếm hơn trăm triệu mỗi tháng nhưng Hiếu không muốn xăm hình đại trà “tôi không thích sự lặp lại những hình xăm công nghiệp”. Giống như trong việc làm bartender, anh sợ sự rập khuôn, những hình y hệt nhau. Với hình xăm chữ dài 8-10 cm Hiếu chỉ lấy 300-400 nghìn, hình càng lớn, nhiều màu giá càng cao nhưng anh luôn nhận thù lao bằng non nửa giá thị trường. Không ít khách thưởng thêm tiền triệu cho anh vì hình xăm đẹp
và phiêu.
Mất và được
“Sau năm năm làm bartender và thợ xăm tôi học được rất nhiều nghề phụ”, Hiếu thổ lộ. Cách đây không lâu anh vào Sài Gòn đổi gió, tại quán bar mới mở ở phố Bùi Viện. Tại đó Hiếu vừa làm pha chế chính, vừa thu ngân, khi người phụ trách kỹ thuật điện nước nghỉ, anh kiêm nốt. Tất cả ngần ấy công việc mà chỉ được nhận 10 triệu lương tháng. Cũng làm pha chế trong khu phố đi bộ nhưng là Tây thì lương họ cao gấp đôi người Việt. “Do phải kiêm nhiều việc, đi làm 12h/7 nên tôi mệt mỏi hay cáu gắt”. Chủ quán sống ở Hà Nội, quản lý lại là Tây, Hiếu bị kẹt giữa hai lối làm việc, sau 5 tháng nhiều áp lực, stress, anh nghỉ việc và trở ra miền Bắc.
Quán bar là nơi giúp một người vốn kém giao tiếp như Hiếu học được kỹ năng trò chuyện, chia sẻ. “Bạn có thể gặp rất nhiều loại người, từ công chức, nghệ sĩ, doanh nhân, du khách Tây, sinh viên... và cả những phụ nữ đến chỉ để tìm người bao”. Mọi bartender trên đời đều không ngạc nhiên khi nhìn thấy khách hàng của họ dùng chất kích thích hoặc mời chào “người lạ” tình một đêm. Bù lại có những người khách lịch thiệp, thú vị, họ trò chuyện hay hơn khi đêm về.
Xăm là lúc Hiếu được thư giãn và tái tạo năng lượng sau một đêm đứng quầy rượu. “Tôi rất vui khi thiết kế một hình xăm ý nghĩa và lâng lâng sướng khi khách thưởng thức được tiểu
phẩm đó”.
Đầu tháng 10 này Hiếu có một quyết định bất ngờ “sẽ vào Sài Gòn nhưng không làm bar”. Anh sẽ cùng một người bạn làm tổ chức sự kiện, khi ổn định sẽ mở một tiệm xăm. Trong tiệm xăm khá kén khách đó anh sẽ có một quầy bar nhỏ. “Tôi cần lượng khách vừa đủ nhưng biết cảm thụ hình xăm đẹp và cocktail”.
Lý do chính Hiếu muốn từ bỏ nghề bartender chuyên nghiệp vì tự thấy “30 tuổi nên về hưu. Nghề này thú vị nhưng cướp đi của ta nhiều sức khỏe. Đêm nào cũng thức, ban ngày ngủ không bù đắp được”.
Trong lần Hiếu được mời trò chuyện tại dự án “Thư viện sách sống” (những người làm nghề bị xã hội định kiến chia sẻ trải nghiệm) nhiều bạn trẻ nói muốn học nghề bartender và xăm xin anh khuyên “Nghề này có sợ bị sa ngã không?”. “Hãy thử nếu thật sự thích và có chút năng khiếu. Nếu bạn dễ bị sa ngã (nghiện ngập) thì nghề này không chọn bạn ngay từ đầu rồi. Kỹ năng giao tiếp với nhiều loại người sẽ giúp bạn trưởng thành. Đó chính là “vốn liếng” đáng giá để bạn làm nhiều công việc liên quan đến cộng đồng sau này”.
Bartender kiêm thợ xăm Trần Đức Hiếu