Chuyện buồn khi con thành... ‘của nợ’

Chuyện buồn khi con thành... ‘của nợ’
Bây giờ, chuyện nữ công nhân độc thân sinh con rồi mang vứt... thùng rác hay một chỗ nào đó tương tự đã thành tin xuất hiện nhiều trên các trang báo. Điều gì đã biến những điều rùng rợn này thành chuyện thường ngày?

Chuyện buồn khi con thành... ‘của nợ’

'Lạc' vào 'chợ tình' đồng tính
> Đòi bồi thường 200 triệu đồng sau 'sống thử'

Bây giờ, chuyện nữ công nhân độc thân sinh con rồi mang vứt... thùng rác hay một chỗ nào đó tương tự đã thành tin xuất hiện nhiều trên các trang báo. Điều gì đã biến những điều rùng rợn này thành chuyện thường ngày?

Những đứa trẻ... không “chấm dứt thai” được tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương
Những đứa trẻ... không “chấm dứt thai” được tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương. Ảnh: L.Tuyết
 

Chuyện như thế ở các khu công nghiệp thường ngày đến mức có cảm giác như bạn đọc bắt đầu thờ ơ với dạng thông tin này.

Kỳ 1: Chuyện buồn... "chấm dứt thai"

Khi đã “lỡ” mang bầu, phương án được đa số nữ công nhân độc thân lựa chọn là chấm dứt thai. “Chấm dứt thai” là cách gọi khá mỹ miều theo ngôn ngữ của bác sĩ, còn đối với công nhân, điều ấy đồng nghĩa với việc phá, bỏ, nạo, hút thai… "Chấm dứt thai” phổ biến và bình thường tới mức khi nhìn thấy một nữ công nhân đến phòng khám sản khoa, y tá liền hỏi: “Giữ hay bỏ em. Bỏ thì theo chị sang bên này”. Cũng có người quyết giữ lại “hậu quả tình yêu” của mình, để rồi đích đến của “hậu quả” ấy là những thùng rác, bụi cây, bãi cỏ…

Xin bắt đầu bằng cách trở lại câu chuyện mới nhất của cô bé Lan - 16 tuổi, quê Nghệ An, làm công nhân ở KCN Sóng Thần, Bình Dương - tự sinh con rồi vứt vào thùng rác vừa qua. Khi tôi tìm đến khu nhà trọ của bé Lan ở phường Bình Hoà, Thuận An, Bình Dương, dù sự việc xảy ra đã gần một tháng rồi, nhưng bà Nhung - chủ nhà trọ - mặt vẫn còn thảng thốt: “Tôi có thấy con bé bầu bí gì đâu mà đùng một cái hay tin nó sinh con, rồi còn làm chuyện động trời là đem vứt vào thùng rác”.

Giấu bầu, vượt cạn một mình

Theo lời bà Nhung, phòng bé Lan (tên thường gọi là Linh, cũng có lúc gọi Vinh) ở trên tầng 2, lên xuống cầu thang gỗ, người bình thường đi còn cẩn thận, đằng này trong suốt thời gian Lan mang bầu vẫn chạy lên, chạy xuống xồng xộc. Đi làm, đi chơi, ăn uống bình thường, vẻ mặt chẳng bao giờ tỏ ra mệt mỏi. Chỉ có một chị ở cạnh phòng Lan, từng sinh con, cách đây mấy tháng bảo “nhìn em giống người đang có bầu quá”, nhưng bé Lan “lồng lộn” lên, khẳng định là không và còn nói chị ấy nói bậy. Ngay cả những người bạn cùng phòng của bé Lan cũng không biết bé mang bầu.

Bà Nhung nói: “Chuyện như trong phim vậy đó. Buổi sáng trước khi sinh, con bé vẫn đi làm, đến trưa thì nó nhăn nhó chạy về phòng trọ. Tôi hỏi tại sao về sớm thì con bé bảo bị đau bụng. Ai có biết con bé đau bụng đẻ, rồi tự sinh một mình...”.

Và chuyện nữ công nhân tự sinh con rồi vứt như bé Lan không còn là chuyện “xưa nay hiếm” ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Dù đã một năm qua, nhưng cộng đồng công nhân ở đây vẫn còn kể chuyện một nữ công nhân của Cty FreeTrend lẳng lặng vào nhà vệ sinh của công ty sinh con là một bé gái, rồi vứt luôn vào sọt rác, như một “biểu tượng” của sự dã man. Đó là một ngày cuối năm 2011, từ 18 đến 20 giờ, bác bảo vệ công ty đã nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh trong khu nhà vệ sinh, nhưng vì sợ nên không dám kiểm tra.

Đến 22 giờ cùng ngày, lúc tiếng khóc to và “đau đớn” hơn, bác bảo vệ mới dũng cảm mở cửa tìm kiếm thì phát hiện một trẻ sơ sinh trong tư thế ngồi, mình tím tái, dây rốn khô và bị xé nát. Sau đó, đứa trẻ được đưa đến Bệnh viện Thủ Đức để sơ cấp cứu và sống sót.

Hay chuyện một nữ công nhân may Cty P.P có tên Bùi Thị L (19 tuổi, quê Quảng Trị) cũng đã một mình “vượt cạn” rồi nhẫn tâm vứt con ra gần mương nước, cạnh khu gò mả ở phường Phước Long B, quận 9, TPHCM. Đứa trẻ được một người đi cắt lá lốt trong vườn phát hiện khi người còn đầy máu, nhớt, bánh nhau và miệng vẫn còn ngậm dây rốn...

Đi tìm lời đáp cho việc giấu bầu, vứt con, phá thai trong công nhân, đến đâu tôi cũng nghe những câu trả lời kiểu “không chồng mà chửa ấy là một điều cấm kỵ”; và “đời sống của những nữ công nhân còn quá nhiều khó khăn, đến miếng ăn, cái mặc của chính bản thân còn thiếu thốn thì nói gì đến chuyện nuôi con”.

Rồi “không chồng mà có con thì xem như cuộc đời chấm hết còn gì. Nữ công nhân đầy ra đó mà toàn là con gái mới lớn, trai kén vợ, chọn bồ ai thèm ngó ngàng đến người đã có con. Nếu đã chọn nuôi con thì phải làm “gái một con suốt đời”...

Vậy nên, như một quy ước bất thành văn rất luẩn quẩn: “Nữ công nhân có bầu là phải bỏ, không bỏ thai thì sau đó bỏ con. Nhưng muốn bỏ con mà không ai biết thì trước hết phải không cho người khác biết mình có bầu, phải giấu cho khéo đến kỳ sinh nở, chuyển dạ cũng chẳng ai biết là mình sắp đẻ thì đó mới là giấu thành công” - chị Ngọc, công nhân giày da KCN VISIP, Thuận An, Bình Dương - đúc kết.

Theo chị Ngọc thì cách thủ công nhất và được nhiều nữ công nhân áp dụng để giấu bầu là quấn băng thun hoặc vải cotton quanh bụng để nịt lại cái bụng bầu đang dần lớn lên. Sau đó chọn những bộ quần áo rộng, mặc thêm áo khoác để che mắt thiên hạ.

“Ngoài ra phải biết ăn uống, sinh hoạt bình thường, có thèm ăn thì cũng chịu. Mà nhiều khi cái áp lực sợ lộ việc mình đang mang bầu quá lớn nên nó át luôn cả việc nghén, thèm ăn, mệt mỏi” - chị Ngọc nói.

Xem con như… rác

Ở huyện Dĩ An, Bình Dương có một trung tâm “con rơi” đang nuôi dưỡng 300 trẻ, trong đó hơn 80% số trẻ ở đây là con... công nhân. Tuy nhiên, số trẻ là con công nhân được Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nhặt về (hơn 200 em) chỉ là một số nhỏ, chưa phản ánh hết thực tế, đó là chưa kể đến các trẻ bị bỏ ở bệnh viện, các mái ấm, nhà mở, ngay cả gốc cây, thùng rác bên đường... được người dân nhặt được trong thời gian qua. Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nằm gần các KCN Đồng An, KCN VISIP, KCN Việt Hương, KCN Sóng Thần I, II, KCN Tân Đông Hiệp... Đây là nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, nên Quê Hương là chỗ lý tưởng để công nhân “gửi con” và không bao giờ đến nhận lại.

Chỉ trong tháng 11-2012, Trung tâm Quê Hương đã nhặt 4 trẻ sơ sinh, trong đó có trẻ chỉ mới vài ngày tuổi. Bà Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc kiêm người sáng lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương - kể: Phần lớn trẻ ở đây được nhặt về từ các thùng rác, bụi cây... quanh các KCN, nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ lâu quá, trung tâm phát hiện trễ nên bị kiến cắn, chuột gặm tay chân; 70% số trẻ bị bỏ khi trời gần sáng, không được giữ ấm nên nhiễm lạnh, dễ dẫn đến viêm phổi.

Anh Lê Văn Tính- năm nay mới 33 tuổi, nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm làm ở Trung tâm Quê Hương và tự coi việc nhặt con rơi là một nghề như bao nghề khác. Trong thời gian đó, anh Tính đã tự tay nhặt được 20 đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ vứt bỏ.

Anh bảo nhặt nhiều quá đâm ra quen, chai lỳ xúc cảm. “Những ngày đầu, nhìn thấy đứa trẻ bị tím tái vì lạnh, nhiều khi người còn dính cả máu, dây rốn chưa cắt mình thương quá, nước mắt cứ ứa ra. Có khi giận bố mẹ chúng quá, mình ôm trẻ rồi khóc tu tu như trẻ con. Tuy nhiên mấy năm sau này, mình không còn khóc được nữa...”.

Đang chuyện với tôi thì anh gọi “Hảo Hảo”, một đứa trẻ chừng 7 tuổi đang cắp sách đi học quay lại “dạ” rồi chạy đến chỗ chúng tôi ngồi.

Tôi thắc mắc: “Tên người sao nghe tên mì gói vậy anh?”. Anh Tính phì cười: “Thì là mì chứ còn gì nữa. Một sáng cách đây 7 năm, tui mở cửa trung tâm ra thì thấy một cái thùng mì Hảo Hảo đặt trước cửa, bên trong có tiếng động, mở ra thấy một đứa bé đỏ hỏn, nằm khóc oe oe. Vậy là tui đặt tên luôn cho nó là Hảo Hảo để... làm kỷ niệm. Ở đây nhiều trẻ được đặt tên theo nơi nhặt được, hoặc một kỷ niệm liên quan để sau này trẻ có hỏi thì mình còn nhớ để trả lời”.

Chuyện buồn đến vậy, nhưng ngẫm lại thấy những đứa trẻ ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương xem ra vẫn còn rất may mắn khi được sinh ra đời, được nuôi lớn dù bị bố mẹ chối bỏ. Bởi cuộc đời còn khối chuyện đau lòng hơn như trường hợp chị Võ Thị Ngọc Hương. 11 năm làm hộ lý ở Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em Bình Dương là 11 năm chị Hương đi nhặt những bào thai bị chối bỏ đem chôn cất.

Chị kể, giữa chừng nước mắt lại rớm ra: “Có đứa nắm lấy tay cô, giọng tha thiết rồi khóc lóc nhờ cô chôn cất giúp cái thai. Nhưng cũng có đứa nghĩ dại lắm con ạ. Để chấm dứt thai, bác sĩ phải cho uống thuốc, nằm nghỉ để chờ thai ra, thế là mấy đứa vào nhà vệ sinh giật nước cho trôi đi hoặc nhét vào thùng rác nhà vệ sinh... Mấy đứa dại và nhẫn tâm quá, dù chỉ là bào thai nhưng đó đã là một sinh linh đã từng uống máu và dưỡng chất trong cơ thể mình mà lớn lên, sao lại nỡ coi con mình như cỏ rác vậy được...”.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG