> Hơn 100 m3 gỗ từng bị giấu nhẹm
Song, kết luận của cả 2 đoàn này đều không thể hiện 100m3 gỗ từng bị phát hiện trước đó.
Chỉ phát hiện 45m3 gỗ
Để đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra tại địa bàn xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, ngày 20-7-2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Công an tỉnh lập chuyên án để điều tra vi phạm của các tổ chức, cá nhân.
Ngày 23-8-2011, Công an huyện Hương Sơn chủ trì với các phòng PC46, PC49 Công an tỉnh thành lập chuyên án mang bí số KR-08.11.
Gần một tháng sau, ngày 19-9-2011, Trưởng Công an huyện Hương Sơn, thượng tá Dương Văn Trường, Trưởng ban chuyên án, đã có báo cáo kết luận điều tra thu được 45m3 gỗ.
"Qua các tài liệu điều tra thu thập được không chứng minh được toàn bộ số gỗ do một hoặc nhóm đối tượng nào khai thác và thời gian cụ thể? nên chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự", báo cáo nêu.
Cũng theo báo cáo này, ngày 6-9-2011, tổ công tác phối hợp với Hạt kiểm lâm Hương Sơn, Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (chủ rừng), Đồn biên phòng 565 khảo sát tại tiểu khu 21, 22, nhưng chưa phát hiện dấu hiệu khai thác trái phép.
Thế nhưng, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì ngày 5-3-2012, Hạt trưởng Kiểm lâm Hương Sơn và Giám đốc Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn khẳng định, từ tháng 6-2011 đã phát hiện gần 100m3 gỗ tại 4 tiểu khu 21, 22, 12, 2 và đã báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh(?!).
Câu hỏi đặt ra, tổ công tác có nắm được số gỗ này tại 2 tiểu khu 21, 22, có đi điều tra thực tế không? "Cả trăm mét khối gỗ được chặt hạ chủ yếu trước tháng 6-2011. Có 5 nhà tạm do lâm tặc dựng ngay bên bờ đường. Vậy kiểm lâm, biên phòng, quản lý rừng ở đâu", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nói.
Ngày 1-11-2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá mức độ thiệt hại của rừng do bị khai thác trái phép trong hai năm 2010-2011 tại xã Sơn Hồng.
Quyết định có 24 thành viên tham gia, do ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh làm trưởng đoàn.
Song, cũng như chuyên án PR-08.11, sau 2 tuần làm việc, ngày 17-11, đoàn kiểm tra đưa ra một bản báo cáo kết luận chưa đầy 3 trang giấy A4. "Phát hiện 45m3 gỗ tại xóm 15, xã Sơn Hồng".
Quản lý lỏng lẻo?
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tại 2 xã Sơn Hồng và Sơn Lĩnh có hơn chục xưởng cưa không có giấy phép, gỗ tập kết ngổn ngang, hầu như người dân nào trong nhà cũng có cưa xăng.
"Vợ chồng tôi lên đây sinh sống theo chủ trương giãn dân của xã. Nhưng xã lại không giao đất, giao rừng để sản xuất nên phải vào rừng khai thác gỗ", anh Võ Đình Đ. (ở thôn 15, xã Sơn Hồng) nói.
Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, ông Đoàn Anh Thân cho rằng, sở dĩ để xảy ra việc hàng trăm mét khối gỗ bị triệt hạ là do Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, kiểm lâm địa bàn và Đồn biên phòng 565 quản lý quá lỏng lẻo.
"Năm 2010 Cty Hương Sơn thuê người dân vào khai thác gỗ. Do phía Cty không quản lý, theo dõi sát sao việc khai thác nên người dân lấy gỗ cất giấu" - ông Thân nói.
Trung tá Nguyễn Thế Hậu, Đồn trưởng Đồn biên phòng 565 khẳng định, mỗi người dân ra vào khu vực biên giới phải có báo cáo đầy đủ.
Tuy nhiên, khi nói về cuộc sống của người dân nơi đây, trung tá Hậu thừa nhận: "Hầu hết người dân sống dựa vào rừng. Họ vào rừng lấy gỗ, săn bắt động vật". Còn Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Hương Sơn Lê Ngọc Danh cho biết, trước Tết, tại xóm 14 xã Sơn Hồng xuất hiện một đàn trâu khoảng 30 con.
"Chắc chắn số trâu này các đối tượng dự tính đưa vào để tuồn gỗ ra vào dịp Tết" - ông Danh nói.
Theo thống kê, đến nay số gỗ truy thu được tại xã Sơn Hồng đã lên đến gần 300m3. Hiện lực lượng biên phòng, kiểm lâm, chủ rừng đang tiếp tục truy thu số gỗ trái phép được giấu tại các Tiểu khu 2, 12, 21, 22. |