Chuyển 12ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng: Nên chọn địa điểm khác?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan đến việc chuyển 12 ha rừng đặc dụng của Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa để làm Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chủ đầu tư dự án sẽ tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư địa phương vào tháng 11 năm nay và cam kết nộp tiền trồng rừng thay thế gần 12 ha sẽ khai thác để làm dự án nghỉ dưỡng này.

Ngày 29/9, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Ninh Thuận đã thông tin đến các cơ quan báo chí về dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy sẽ được xây dựng tại VQG Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Chuyển 12ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng: Nên chọn địa điểm khác? ảnh 1

Phong cảnh thiên nhiên trong VQG Núi Chúa. Ảnh: VQG Núi Chúa

Cụ thể, Sở TN-MT Ninh Thuận cho biết, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Syrena Việt Nam (gọi tắt là Công ty Syrena Việt Nam) sẽ chuyển đổi 11,5 ha đất rừng của VQG Núi Chúa. Phân theo quy hoạch 3 loại rừng, toàn bộ diện tích rừng nêu trên thuộc quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 của tỉnh Ninh Thuận. Theo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT sẽ là cơ quan thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này. Hiện Công ty Syrena Việt Nam đã gửi cho Bộ TN-MT đăng tải lên cổng thông tin điện tử của bộ để tham vấn cộng đồng theo quy định. Thời gian tham vấn cộng đồng đã hết vào ngày 26/9/2023 và Bộ TN-MT sẽ gửi kết quả tham vấn cho chủ đầu tư.

Theo Sở TN-MT Ninh Thuận, ngoài việc bộ tham vấn trên cổng thông tin điện tử của bộ, dự án còn được tham vấn dưới hình thức tổ chức họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do hoạt động của dự án gây ra. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải tham vấn bằng văn bản đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án, như UBND xã, cơ quan nhà nước được giao quản lý những khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường.

Dự kiến đầu tháng 11 năm nay, chủ đầu tư dự án sẽ phối hợp với UBND xã Vĩnh Hải tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra. Sau đó, chủ đầu tư dự án sẽ gửi văn bản đến cơ quan chức năng xã Vĩnh Hải, Ban quản lý VQG Núi Chúa để tham vấn. Trên cơ sở kết quả tham vấn, chủ đầu tư sẽ tổng hợp, giải trình kết quả tham vấn và hoàn thiện ĐTM của dự án để trình Bộ TN-MT thẩm định.

VQG Núi Chúa có đủ 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc

Đánh giá tác động môi trường được Bộ TN-MT tham vấn cộng đồng nêu rõ, khu đất thực hiện dự án Khu du lịch cao cấp Vĩnh Hy nằm trong phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm vườn quốc gia khoảng 8km. Do vậy, quá trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này. Được biết, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích trên 106.600ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.

NỘP TIỀN TRỒNG RỪNG THAY THẾ?!

Liên quan việc chuyển mục đích sử dụng 12 ha rừng đặc dụng của VQG Núi Chúa, Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, tổng diện tích đất của dự án này là 64,6 ha. Để triển khai dự án, Công ty Syrena Việt Nam phải chuyển mục đích sử dụng 11,5 ha rừng đặc dụng tại khoảnh 2, 3, 5 tiểu khu 150, thuộc phân khu dịch vụ - hành chính, lâm phần quản lý của Ban quản lý VQG Núi Chúa. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 11,5 ha rừng này sang mục đích khác thuộc Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Thủ tướng vẫn chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng VQG Núi Chúa sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Chuyển 12ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng: Nên chọn địa điểm khác? ảnh 2

VQG Núi Chúa mang đặc trưng hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á

Theo Sở NN&PTNT Ninh Thuận, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; pháp luật đầu tư; quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh NinhThuận đã chỉ đạo Ban quản lý VQG Núi Chúa cùng các đơn vị liên quan tham vấn ý kiến của Uỷ ban UNESCO Việt Nam và MAB Việt Nam - cơ quan đầu mối quốc gia của UNESCO tại Việt Nam. Bởi, dự án này thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đã được UNESCO công nhận vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, hiện nay Sở NN&PTNT Ninh Thuận chưa cung cấp thông tin kết quả tham vấn ý kiến của 2 cơ quan quốc tế nói trên.

Trước vấn đề trồng rừng thay thế tại VQG Núi Chúa, Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết: Khoản 1, Điều 21 Luật Lâm nghiệp quy định “Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng 3 lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên”. Ngày 22/6/2022, Công ty Syrena Việt Nam đã có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận.

Sẽ xây 100 biệt thự nghỉ dưỡng tại VQG Núi Chúa

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy do Công ty CP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 chủ đầu tư dự án sẽ xây dựng 54 căn biệt thự nghỉ dưỡng với diện tích từ 150 - 450m2/căn, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xây thêm 46 biệt thự có diện tích từ 250 - 1.500m2/căn. Dự án này được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 và điều chỉnh vào các năm 2017, 2022.

Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Nên cân nhắc chọn địa điểm khác

Chuyển 12ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng: Nên chọn địa điểm khác? ảnh 3

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: NVCC

Từng vào Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa nghiên cứu rất nhiều lần, GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh đánh giá nơi này có những đặc trưng khác biệt mà không vườn quốc gia nào của Việt Nam có được. “VQG Núi Chúa là một trong 34 VQG của Việt Nam. Tôi dã đến đây nhiều lần và thấy nơi này có hệ sinh thái tự nhiên độc đáo, có tính đa dạng sinh rất học cao, được bảo vệ rất tốt và đặc biệt có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu ở tất cả các hệ sinh thái rừng”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đánh giá.

Chuyển 12ha rừng đặc dụng làm khu nghỉ dưỡng: Nên chọn địa điểm khác? ảnh 4

Một góc khác về phong cảnh của thiên nhiên tại VQG Núi Chúa

Theo vị chuyên gia này, VQG Núi Chúa có được những điều đặc biệt như vậy là vì nơi đây có khí hậu khác hẳn miền Bắc, lại nằm sát biển. Hệ sinh thái ở đây là núi đá, núi đất xen kẽ các vùng nước ngọt, vùng biển đã tạo ra nhiều loài thích nghi lâu đời, như: Các loài khỉ, chim, bò sát lưỡng cư, ở dưới biển thì có cá, san hô rất đẹp. “Tất cả những yếu tố đó hội tụ ở một nơi nên Nhà nước mới tôn vinh đây là VQG và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận VQG Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là một điều rất tự hào không chỉ cho riêng nhân dân Nam Trung bộ mà còn cho cả đất nước Việt Nam”, ông Huỳnh nói.

Cũng theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, ở VQG Núi Chúa có cộng đồng người Kinh và đồng bào sinh sống lâu đời và từ lâu nay họ sống dựa vào nguồn sinh kế rừng. “Ở VQG Núi Chúa có rất nhiều cây thuốc quý do tính chất khí hậu đặc biệt khác với vùng miền Trung và miền Bắc đã tạo thành. Bao đời nay cộng đồng dân cư ở đây dựa trên hệ sinh thái rừng để sinh sống, dù không giàu có”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho hay.

NÊN CHỌN ĐỊA ĐIỂM KHÁC LÀM BIỆT THỰ

Liên quan đến việc Công ty CP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam sẽ xây dựng 100 biệt thự tại VQG Núi Chúa, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng: “Thiên nhiên, đa dạng hệ sinh thái ở VQG Núi Chúa chính là nguồn sự sống của quá khứ, hiện tại và tương lại, nên tôi đề nghị tỉnh Ninh Thuận hãy chọn một địa điểm khác để làm biệt thự, dừng xâm hại đến vườn quốc gia. Dù họ bao biện việc số diện tích bị lấy rất ít, không ảnh hưởng vườn quốc gia, nhưng cứ mỗi năm “xẻo” đi một ít như thế thì chúng ta không thực hiện được chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của cả đất nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng”.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu cho dân tôi không phản đối, vì không riêng gì địa phương này mà nơi nào cũng mong muốn như thế. Nhưng không nhất thiết phải lấy rừng, xâm hại vườn quốc gia để đổi lấy lợi ích kinh tế trước mắt, bỏ đi lợi ích lâu dài về sau”.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, để bảo vệ vườn quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiện, Nhà nước đã ban hành rất nhiều luật, trong đó có Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học… cũng như các chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, đều ghi các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt. “Tháng 10/2021, tại hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow - Vương quốc Anh, chúng ta cũng cam kết, phấn đấu đến năm 2050, tỷ lệ phát thải ròng bằng 0. Điều này có nghĩa là vấn đề bảo vệ, bảo tồn rừng vô cùng quan trọng vì nó là yếu tố chính đóng góp cho tích lũy carbon”, ông Huỳnh nói.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, hiện Việt Nam có gần 15 triệu ha rừng, trong đó có khoảng 10.000 ha rừng tự nhiên, nhưng rừng nguyên thủy rất ít. “Khi rừng bị mất thì thảm thực vật, đa dạng sinh học cũng mất theo. Lúc đó thiên tai, lũ lụt xảy ra là điều không thể tránh khỏi và con người là chủ thể chịu ảnh hưởng đầu tiên”, ông Huỳnh lo lắng.

Một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của rừng tự nhiên ở VQG Núi Chúa và thảm thực vật trong đó, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đề nghị tỉnh Ninh Thuận nên cân nhắc cấp dự án và cố gắng chọn một địa điểm khác để doanh nghiệp làm biệt thự. “Việc bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ thảm thực vật ở sông suối, trong các hệ sinh thái của rừng cũng là bảo vệ tính mạng của người dân, của cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo, đối tượng bị tổn thương nhất”, ông Huỳnh nói.

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.