Chút dấu tích của danh họa Nguyễn Sáng

Chút dấu tích của danh họa Nguyễn Sáng
TP - Ít người biết ở Thái Bình có một căn nhà nhỏ vẫn thờ danh họa Nguyễn Sáng bằng bức ảnh duy nhất của ông. Bức ảnh này do tướng Trần Độ chụp.

Trần Dậu - học viên khóa I - Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, hội viên Hội MTVN đầu tiên Khu vực Đồng bằng sông Hồng,  là người thân thiết với họa sĩ Nguyễn Sáng, tôn ông làm thày.

Họa sĩ Nguyễn Sáng độc hành về Thái Bình ngày bom Mỹ vừa ném xuống cầu phao. Dạo ấy Dậu đang vẽ "Cầu phao trong chiến tranh", nhà điêu khắc Hà Trí Dũng đánh giá là "bức tranh đẹp cả về màu sắc bút pháp. Xem tranh thấy sự bề bộn gợi được không khí thời chiến".

Đi qua cái ngõ hoa xoan tím cả mặt đất, gặp ngay lối rẽ vào đầu sân vận động Thái Bình là căn nhà Trần Dậu. Dậu lệt xệt chạy ra, ghé tai nói với bạn hữu:

"Khẽ chứ, anh em mình ngồi nói chuyện ngoài này cho mát" rồi mắt Dậu hấp háy, tay chỉ vào lô đất đắp vuông trên nền nhà đúng bằng hai cái chiếu to, cao 50 phân vuông vắn, bào nhẵn nom như miếng thạch đang trùm hụp cái màn cà tàng nước cháo lòng bỏ thõng xuống.

Đấy là cái "giường hạnh phúc" mà vợ chồng Trần Dậu gánh  đất đắp hàng tháng mới xong vì hồi đó nhà Dậu nghèo, lấy tiền đâu mà đóng giường gỗ.

Dậu bảo: "Thày Sáng đang ngủ". Danh họa Nguyễn Sáng ư? Có người hỏi, Dậu bảo: "Phải đấy, thày về Thái Bình được mấy hôm rồi, em đưa đi Tiền Hải, Đình Quảng Nạp, Đồng Châu, Thuận Vi... Lúc rỗi thày ngồi vẽ tranh "Con mèo" và tranh "Chọi trâu".

Nguyễn Sáng trở dậy, ông đi ra, ngồi xuống cái ghế băng đặt sẵn dưới gốc cây xoan đào. Nhìn khuôn mặt ông thật khắc khổ, tiếng ông hơi nặng, rặt tiếng miền trong.

Dậu chạy vào trong nhà, rồi vội vã quay ra, nách cắp một chai rượu, hai tay mấy cái chén nhỏ. Cô Chung (vợ Dậu) từ phố về đặt mấy gói bánh hấp nóng gói lá chuối, miệng cười rất tươi đưa cho chồng: "Anh mời thày ăn sáng". Lúc ấy họa sĩ đã từ bể nước đi lại, vai còn vắt cái khăn mặt ướt.

Bạn bè của Dậu được ông cho cụng ly, thấy ông ngồi bệt xuống sân đất, không ngồi trên ghế nữa. (Các cụ giản dị, mộc mạc thế đó nhưng không lôi thôi lếch thếch như ai tưởng). Tôi đã nghe về họa sĩ Nguyễn Sáng qua nhiều người kể, họ bảo ông "vô cùng cô đơn", ông sống độc hành vượt lên mọi khó khăn...

Bị “ông vấn đề” hành

Có thời họ lại bảo họa sĩ "có vấn đề". Rồi nghe sau hòa bình 1954,  ông không được bình bầu xét tặng huân huy chương kháng chiến. Cái ông "vấn đề" hành hạ họa sĩ suốt cuộc đời. Khổ thật! Rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lại ập đến.

Thắng lợi cuộc chiến cận kề. Đất nước sắp được thống nhất Nguyễn Sáng rất lo, làu bàu: "Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê. Họ hàng bà con hỏi - Chú đi làm Việt Minh Việt Cộng bao nhiêu năm, thế mà trên ngực không có lấy cái mề đay! Mày bảo trả lời sao? Tao buồn lắm".

Tâm trạng dằn vặt, ông không ngủ được, thức cả tuần liền đêm không hề chợp mắt. Bệnh mất ngủ kéo dài. Thời ấy thuốc Sedusen khó kiếm. Gặp tướng Trần Độ (Chín Vinh), ông than thở cái bệnh "quái đản" đã hành hạ mình.

Chín Vinh nhìn họa sĩ không chớp mắt rồi lắc đầu đứng dậy mở tủ đưa cho Nguyễn Sáng vỉ thuốc. Hôm sau gặp lại, họa sĩ Nguyễn Sáng vui vẻ hẳn lên, vì đêm qua ông đã ngủ được một giấc sâu.

Ông sống trong căn hộ độc thân độ 12 m2 ở số 65 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, đồ ăn thức đựng đơn giản, thô mộc quá mức, chỉ có tranh và tranh. Trước tranh, ông ngồi bất động hàng giờ, hàng ngày, không một tiếng nói, không một tiếng va đập xô chậu giặt giũ, chỉ có im lặng và im lặng.

Vợ chồng Dậu hay lui tới gian phòng nhỏ hẹp đó để ăn cơm với thày Sáng. Vợ Dậu kể: "Thày làm món ăn giỏi, nhất là món bắp cải sống bóp với thịt gà xé phay, có đủ gia vị để uống rượu".

 Lần ấy vợ Dậu đi nhóm bếp nấu cơm, vừa đưa tay mở nắp thùng gạo đã gặp mùi mốc ẩm xông lên. Trong thùng một cái xoong cơm nguội, khoét một góc đang mốc xanh mốc hoắng.

Vợ Dậu thở dài quay ra nhìn thày. Biết vậy, thày Sáng bảo: "Mấy bữa này chúng nó kêu đi uống rượu hoài nên không đả động gì đến, chắc thiu thối hết cả rồi em…". Thày độc thân nên đồ đạc chẳng có gì.

Tản mạn Sa Pa

Núi cao vẫn cứ say mây

Ra về vẫn nhớ nơi đây

ngọt ngào

Chia tay không một lời chào

Mây không hẹn núi,

núi nào say mây.

Hồi vợ Dậu đi làm công nhân Quốc phòng, sau khi lấy chồng thì về Thái Bình công tác, bao nhiêu xoong chảo, bát đĩa nồi niêu đều để lại cho thày Sáng dùng. Mỗi lần thày lục tìm thêm một đôi đũa, một cái bát… như thế thày vui hơn lên, như tìm thấy cảm giác mới đầy sức sống bởi nó xóa đi nỗi đơn côi trong căn phòng.

Thày Sáng có cái khay gỗ rất đẹp, chỉ đủ sắp cơm cho hai người ăn, thế mà trưa tối đều chỉ có mình thày với cái bóng lui khui trong gian nhà chật và tối. Cái khay có bốn chân, dài sáu mươi, rộng bốn mươi phân, nó đánh bạn với thày mấy chục năm trong nỗi cô đơn, sau này thày đã cho Dậu.

Khi thày còn ở Nguyễn Thái Học, vợ chồng Trần Dậu lên, mỗi lần ngồi uống rượu đều thấy thày thắp bốn ngọn nến để bốn góc, sáng lung linh. Thày bảo hôm không có khách chỉ thắp một ngọn đã đủ sáng,  một ngọn nến, một con người gắn bó với nhau thế đã quen rồi. Hôm nào không thắp  nến lại thấy nhớ và buồn thiu.

Cái dây phơi trước nhà vắt một cái khăn mặt nhỏ đã cũ ngay lối ra vào thật trễ nải. Cạnh đó chiếc bàn chải đã hơi mòn, một chiếc ghế đã cũ dựa vào vách, nhìn vào căn nhà thấy cái gì thiêu thiếu trống vắng bởi thiếu vắng bàn tay phụ nữ.

Mỗi lần vợ chồng Dậu đến căn nhà đó vợ Dậu đều ra sức lau chùi, dọn dẹp cửa nhà tươm tất. Có lúc cô còn vá cho thày miếng áo, có lúc mắc lại cho thày bộ dây màn,  hoặc gấp chiếc chăn đầu giường cho vuông vắn, cái chạn bát xếp lại cho gọn, không để xô bồ tềnh toàng hờ hững.

Có lần vợ Dậu mua về một hộp diêm (5 bao) để những lúc tắt điện thày thắp ngọn nến hoặc châm vào chiếc đèn dầu nhỏ xíu bụi bặm để góc nhà, ánh sáng và tiếng gió thổi ngoài hành lang thày ngồi lắng nghe cho đỡ buồn tẻ. Vợ Dậu cố tạo ra sự thân thiện ấm cúng cho thày.

Bữa ăn của thày Sáng thường trên mặt khay gỗ là những đồ nhắm, đồ nhắm đựng trong cái đĩa rất nhỏ vì chỉ có một người ăn, một quả trứng dằm đôi có khi ăn hai bữa với một chiếc thìa nằm cạnh.

Cái khung tranh lòng máng bằng gỗ thày Sáng tặng Dậu, khung dài một mét, rộng tám mươi phân giờ được trang trọng căng bức tranh sơn dầu mà họa sĩ Trần Dậu vẽ về mẹ mình. Chiếc khay và chiếc khung vợ Dậu giờ coi như báu vật trong gia đình.

Tình yêu và thơ của danh họa

Thày Sáng yêu cô Thủy (người mẫu) người Hà Nội rồi lấy cô, sau ngày cưới cô ở được với thày chừng một năm rồi mất. Vợ Dậu kể thày đã dẫn cô Thủy về Thái Bình thăm vợ chồng Dậu mấy ngày, sau đó cùng Dậu đi Sa Pa, Phố Bảng, Đồng Văn vẽ về biên giới.

Các họa sĩ, nhà thơ Văn Cao, Lưu Công Nhân, đôi ba lần về nhà Dậu. Các danh họa lớn đất Việt đều ghé lưng nằm ở  cái nền đất "giường hạnh phúc" của vợ chồng Dậu. Vợ Dậu ngồi làm mẫu cho Lưu Công Nhân vẽ "Tranh thiếu nữ", thi thoảng Dậu lại đưa cho họa sĩ "một choác" rượu nếp hoa vàng.

Bác Văn Cao đi thường có bác gái đi theo. Còn thày Sáng trừ một lần về với cô Thủy, các lần khác thường đi một mình lủi thủi với túi xách đồ nghề bút vẽ cuốc bộ từ bến xe về nhà Dậu.

Người nghệ sĩ lãng tử Trần Dậu lần ấy lại xách rượu đi "hầu" thày Nguyễn Sáng ở Sa Pa, Điện Biên đón gió Ô Quy Hồ và ngắm hoa đỗ quyên trên núi. Vẽ được bức tranh "Phố núi" sau này triển lãm ở Hà Nội. Cuộc du sơn này thày Sáng vẽ được nhiều hay ít không rõ nhưng ông luôn suy ngẫm và giảng giải cho Dậu:

"Muốn vẽ được phải sống hay, sống đẹp, sống phải có tư tưởng, nói giản dị thế đấy, nhưng giản dị đâu phải là khô khan, sáo rỗng, bởi con tim người họa sĩ phải thực sự yêu thương con người và cuộc sống mới có".

Ông đọc cho Dậu nghe bài thơ ông viết vào tháng 7/1963 "Tản mạn Sa Pa": "Núi cao vẫn cứ say mây/Ra về vẫn nhớ nơi đây ngọt ngào/Chia tay không một lời chào/ Mây không hẹn núi, núi nào say mây" - Ông vẽ tranh vào thơ.

Chắc chắn cái hay cái đẹp trong thơ ông có thể tràn vào tranh "phố núi" của Dậu. Sau ngày cô Thủy mất, Dậu có nỗi buồn sâu sắc trong cái buồn cô đơn của thày Nguyễn Sáng.

Dậu bảo nhiều lần gặp chỉ thấy thày kêu buồn, và ngồi khóc một mình. Rồi Dậu cũng theo thày đi xa: Nhớ buổi Dậu đi/Sông Trà mờ sương khói/ Dùng dằng con nước không yên/ Dậu đi cuối năm mưa suốt/ Sông sâu ngơ ngác dáng thuyền...

Lúc còn sống, đều đặn hàng tuần, ông tướng Trần Độ đưa sổ cho bác sĩ bảo vệ sức khỏe của mình đi lĩnh thuốc Sedusen và không quên đến tận nhà đưa cho Nguyễn Sáng.

Rồi họa sĩ chuyển vào Sài Gòn, tướng Trần Độ chuyển về làm Bí thư Đảng Đoàn và làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Một lần từ Hà Nội vào Sài Gòn, ông tướng xếp lịch đến thăm họa sĩ Nguyễn Sáng. Nghe tin Trần Độ vào, Nguyễn Sáng uống rượu thật say rồi lăn ra ngủ. Khi tỉnh rượu, anh em họa sĩ trách: "Biết anh Độ vào, sao lại uống say thế?". Ông bảo: "Gặp tướng Độ, phải say mới sướng”.

Lần sau Trần Độ lại đến thăm họa sĩ, Nguyễn Sáng lúc khóc lúc cười, lúc kêu khổ, lúc lại kêu sướng. Rồi nửa tỉnh nửa say nói:

- Anh Độ ạ! Lúc này tôi cần có người phụ nữ để chăm sóc, là ai cũng được! Nhưng giá là mẹ tôi thì tốt.

Nói vậy rồi Nguyễn Sáng kêu lên: "Ôi tôi cô đơn quá". Nguyễn Sáng là người có khát vọng vươn tới tự do, vươn tới cái đẹp, suốt đời đắm mình trong nghệ thuật. Nhiều khi đau đớn dữ dằn trong "cơn đau đẻ" cho tác phẩm mới của mình. Thế mà cuối đời ông đã kêu lên "Ôi! Tôi cô đơn quá".

Tôi đến nhà họa sĩ Trần Dậu thăm cô Ngọc, người vợ hiền của anh trong cái ngách nhỏ đường Trần Hưng Đạo (TP Thái Bình) vào chiều 20-11-2009. Nhà họa sĩ Trần Dậu chỉ cách mặt lộ chừng hai mươi mét, nó nằm sâu hút trong sự tĩnh lặng, đôi lúc tôi có nghe thấy duy nhất tiếng một con "cu" gáy.

Thế mà ngoài kia là ồn ào, náo nhiệt đường phố cùng tiếng mà cả, mua bán, tiếng loa đài từ các quán trà, quán cà phê. T

rong cái thế giới ồn ào chợ búa đó, có ai biết trong ngách này có một danh họ Nguyễn Sáng đang được thờ ở nhà Trần Dậu. Ông đã sống cuộc đời cô đơn buồn tủi, vắt kiệt sức mình cho nghệ thuật, phảng phất chút hiền triết, khổ hạnh và bao dung. Tôi đứng trước bàn thờ Trần Dậu và Nguyễn Sáng ngẫm về sự cô đơn tĩnh lặng.

Vợ Dậu ngậm ngùi nói: “Vì thày Sáng sống cô đơn, không biết trong kia thế nào? Em đưa bức ảnh duy nhất của thày Sáng do tướng Trần Độ chụp thờ cùng với chồng em, để hàng ngày em hương khói cho linh hồn thày trò Nguyễn Sáng".

Tôi nhìn vợ Dậu không chớp mắt rồi thầm kêu lên "Ôi tấm lòng cao cả của một người phụ nữ". Rồi nhìn sâu vào đôi mắt Nguyễn Sáng trong ảnh trên bàn thờ. Đôi mắt ấy như thấm sâu nỗi cô đơn người nghệ sĩ Nguyễn Sáng, đã truyền sang tôi lúc nào không biết.

Lòng tôi thấy chua xót thầm đọc lại câu của một thi  nhân: "Mực đọng trong nghiên sầu" thì những bức tranh của Nguyễn Sáng đang ở đâu đó cũng nhuộm một màu cô tịch cô liêu. 

MỚI - NÓNG