Chương trình thiếu nhi, nhiều mà vẫn thiếu

Nhiều chương trình cho thiếu nhi dịp 1-6, chất lượng còn phải bàn. Ảnh T.Toan
Nhiều chương trình cho thiếu nhi dịp 1-6, chất lượng còn phải bàn. Ảnh T.Toan
TP - Ca nhạc tổng hợp, xiếc, hài, chèo… lại vào mùa phục vụ thiếu nhi dịp 1-6 ở khắp các nhà hát, đoàn nghệ thuật.

> Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: Đang dần xa rời trẻ em

Đến hẹn lại lên

Dịp này đường phố Hà Nội đâu đâu cũng thấy băng rôn quảng cáo chương trình cho trẻ. Riêng Nhà hát Tuổi trẻ tung ra tận ba chương trình.

Cổ tích cười của đạo diễn NSƯT Anh Tú, đoàn kịch I diễn tại rạp Thanh Niên 37 Trần Bình Trọng từ 28 đến 31-5, đủ kiểu từ xiếc thú, múa võ, có cả cậu bé Đăng Quân nhảy dance sport điêu luyện cùng với trò chơi cùng khán giả.

Đoàn kịch II tung chùm hài kịch Thế giới đồ chơi và chúa tể bóng tối (Quân Anh-Chí Huy), Những tên cướp ngu ngơ của Sỹ Tiến, sáng đèn các tối từ 30-5 đến 1-6 tại rạp Công Nhân. Ngôi nhà của bé từ 20-5 tại NH Tuổi trẻ, tuy cũng thuộc dạng truyền thống nhiều năm, nhưng người dàn dựng rơi vào lối mòn, không thực sự để trẻ được tham gia vào câu chuyện.

Nhà hát chèo Hà Nội cũng vào cuộc với ba vở kịch: Ăn khế trả vàng của đạo diễn NSƯT Tuấn Hải mới toanh, cùng với Quả táo thần và Cây tre trăm đốt (NSƯT Thúy Mùi đạo diễn) chỉnh trang lại từ năm ngoái.

Lợi thế rạp Đại Nam của nhà, Nhà hát tung 6 suất/ngày từ 25-5 đến 1-6, trong đó Ăn khế trả vàng hết vé 8 suất chiếu từ cuối tuần trước.

Phù thủy bong bóng Fan Yang trở lại tại Cung văn hóa Hữu nghị từ 27-5 tới 2-6 với nhiều suất diễn cả ngày lẫn tối, do Đông Đô show thực hiện. Fan Yang cùng con trai và vợ trình diễn nghệ thuật bong bóng với sự hỗ trợ của âm thành vòm, hiệu ứng lazer.

Xuân Bắc, Tự Long xuất hiện trong chương trình Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ, từ 26-5 đến 1-6 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ. Xuân Bắc vào vai cậu bé nhút nhát có sứ mệnh chủ nhân chiếc nhẫn và chống lại chúa tể Hula (Tự Long) để bảo vệ hành tinh.

Thiếu nét mới, sự gần gũi

Hầu hết chương trình cho thiếu nhi đều mang tính thời vụ, quen quá hóa nhàm. Ngôi nhà của bé nhiều năm xem vẫn thế, có thay đổi chăng ở cải thiện trang phục cho đỡ lạc mốt.

Một đạo diễn chương trình thiếu nhi chép miệng: biết là quen quá rồi, quanh đi quẩn lại vẫn chừng ấy thứ nhưng cứ đến dịp đành lôi vở cũ ra tân trang. Anh lấy sức ép cơm áo để bào chữa bệnh ỳ, không tìm được kịch bản hay.

Chương trình giải trí cho trẻ tất nhiên nên đan cài những câu chuyện nho nhỏ, bài học nhẹ nhàng và dễ nhớ. Nhưng thông điệp to tát như tiết kiệm điện, hưởng ứng giờ trái đất trong Ngôi nhà của bé được nói theo kiểu rao giảng quá nặng nề, khó đi vào tâm trí trẻ.

“Thế giới tâm hồn trẻ thơ khác nhiều lắm. Đôi khi người làm phải có con mắt trẻ thơ. Người lớn nhìn thấy mấy con thỏ, khỉ, heo thì lè lưỡi kêu chán, nhưng trẻ em lại thích vì thế giới ấy mới mẻ với chúng”, NSƯT Anh Tú chia sẻ.

Nhưng mang những thứ ấy lên sân khấu, vừa giúp trẻ cười lại có ý giáo huấn, đâu phải dễ.

Được xem là những người biết nắm bắt tâm lí trẻ thơ, cặp bài trùng Xuân Bắc-Tự Long liên tục có chương trình khiến khán giả nhí thích thú.

Họ kịp thời “ăn theo” nhân vật hoạt hình hot, hễ nhắc đến là trẻ biết liền: robot trái cây, chúa nhẫn… Nhân vật chỉ là một chuyện, cái duyên giao lưu với trẻ luôn là điểm nhấn trong chương trình của hai nghệ sĩ này.

Giá mà thế giới hoạt hình, truyện tranh trong nước cũng có được những nhân vật điển hình, sẽ gần gũi hơn với trẻ.

Mới bước vào dựng chương trình thiếu nhi từ năm ngoái, Nhà hát Chèo Hà Nội dựa trên những câu chuyện cổ tích, thần thoại nhưng tiếp cận khán giả nhí dưới hình thức chèo.

Giám đốc Trịnh Thúy Mùi chia sẻ: “Đây là dịp tiếp cận với thiếu nhi, ngôn ngữ chèo cũng phải khác mang lại cho nghệ sĩ trải nghiệm mới”.

Yếu tố li kỳ được khai thác tối đa, phần âm nhạc xử lý hợp lứa tuổi nhưng có sử dụng những giai điệu đậm chất chèo, rộn ràng như Cách cú, Tứ quý, Con gà rừng. Vở Quả táo thần năm ngoái xem còn nặng nề, nhưng Ăn khế trả vàng năm nay hứa hẹn thú vị, hấp dẫn hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.