Chương trình sữa học đường: Trục lợi là tội ác

Thí điểm chương trình uống sữa học đường tại Nghệ An Ảnh: Bảo An
Thí điểm chương trình uống sữa học đường tại Nghệ An Ảnh: Bảo An
TP - Sữa học đường (SHĐ) quốc gia là chương trình nhân văn nhằm tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh, phát triển trí não. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về chương trình quy mô lớn này. (Riêng Hà Nội từ nay đến 2020 dự toán khoảng 4.000 tỷ đồng).

Ám ảnh sữa dởm

SHĐ là hoạt động được Liên Hợp Quốc kêu gọi trên toàn thế giới trong 1 thế kỷ qua, hiện có hơn 40 quốc gia thực hiện. Ở Việt Nam, SHĐ là một trong 6 nội dung được Thủ tướng phê duyệt (trong Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030). Tuy nhiên, vì ngân sách chưa thể bố trí, trong những năm qua, việc triển khai đưa sữa vào học đường diễn ra nhỏ lẻ, tự phát.

Việc đưa sữa vào trường học nhỏ lẻ, tự phát đó có nhiều kẽ hở, biến tướng tiêu cực. Đơn cử, năm 2014, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh tình trạng “sữa dởm” vào trường học tại Tiền Giang; SHĐ bị làm “xiếc” tại Hải Phòng. Những sản phẩm được coi là “SHĐ” này thực chất là thực phẩm bổ sung, không được gọi là sữa do không đủ độ đạm (34% độ đạm/sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế). Để đưa được sữa vào trường, nhiều hãng sữa đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, trích hoa hồng lên đến 50%.

Sau hơn 5 năm ấp ủ (từ năm 2011), chương trình SHĐ quốc gia chính thức được Chính phủ khởi động bằng việc ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) vào tháng 7/2016. Sau quyết định này, nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai chương trình SHĐ trên quy mô lớn. Nghệ An, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… là những tỉnh đã triển khai, nay tiếp tục nhân rộng. Hiện tại, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những động thái triển khai diện rộng. Thậm chí, những địa phương khó khăn hơn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk… cũng đã có quyết định triển khai.

Tuy nhiên, tín hiệu vui cho các chủ nhân tương lai chưa trọn vẹn khi vấn đề quan trọng nhất - chất lượng sữa vẫn chưa được thực hiện thống nhất. Theo quyết định của Chính phủ, sữa được sử dụng cho chương trình SHĐ là sữa tươi. Đây được coi là mũi tên trúng nhiều đích khi sữa đảm bảo tươi tốt hơn cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, vừa thúc đẩy được ngành nông nghiệp, sản xuất nông sản, cụ thể là sản phẩm sữa tươi trong nước.

Thực tế, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng hiểu và áp dụng nội dung này khác nhau ở các địa phương. Nhiều tỉnh thành quyết định sử dụng sữa tươi cho chương trình nhưng không ít địa phương áp dụng có sự sai khác. Chẳng hạn, trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng như hồ sơ mời thầu đã phát hành công khai của cho chương trình SHĐ tại Bà Rịa- Vũng Tàu cho giai đoạn 2017-2021 yêu cầu sản phẩm cung cấp cho chương trình là “sữa tiệt trùng”. Trong khi, loại sữa dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” (mà báo Tiền Phong phản ánh và Bộ Y tế đã thừa nhận gây hiểu nhầm với sữa tươi này) là sản phẩm làm từ sữa bột pha, không phải sữa tươi. Khi nhận được phản ánh về nội dung này từ Tiền Phong, UBND tỉnh này đã đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo đổi từ “sữa tiệt trùng” sang “sữa tươi tiệt trùng” trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi.

Cần sớm có quy chuẩn

Hiện tại, Bộ Y tế chỉ mới đưa ra quy định tạm thời về SHĐ là sữa tươi (Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ). Quyết định cũng này chưa có quy định cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa mà giao cho Viện Dinh dưỡng và Cục An toàn thực phẩm nghiên cứu, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/2017. Tuy nhiên, tính đến hôm nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành một tiêu chuẩn chính thức hay quy chuẩn SHĐ quốc gia. Điều này sẽ rất khó cho các địa phương có thể chờ đợi để quyết định lựa chọn sữa khi năm học mới 2018 - 2019 đã bắt đầu và nhiều tỉnh thành đã bắt đầu triển khai.

GS.TS Nguyễn Thị Lâm- Nghiên cứu viên cao cấp Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Sữa trong Đề án SHĐ ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, SHĐ là sữa chuyên biệt và được tăng cường vi chất so với các loại sữa thông thường bán trên thị trường. “Ban chỉ đạo định kỳ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra và đảm bảo về hạn sử dụng cũng như chất lượng sữa” - bà Lâm nhấn mạnh và lưu ý các trường, ngoài chất lượng sữa, cần quan tâm đến khâu vận chuyển và kho lưu trữ. Nếu có biểu hiện hộp bị bóp méo trong quá trình vận chuyển thì không cho học sinh sử dụng.

MỚI - NÓNG