Cũng theo ông Lộc, sau khi chương trình được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) đảm bảo công khai, minh bạch.
Tiếp đó, Hội đồng thẩm định quốc gia tổ chức thẩm định sách giáo khoa, trong đó bao gồm sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chỉ đạo và các bộ sách giáo khoa khác do tập thể và cá nhân, tổ chức biên soạn. Sau khi thẩm định xong, Bộ GD&ĐT sẽ làm hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách, đồng thời, Bộ cũng ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT còn hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án cơ sở vật chất sau khi Thủ tướng ban hành. Theo ông Lộc, với một khối lượng công việc nhiều như thế, sau khi ban hành thông tư về chương trình khung, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng về lộ trình áp dụng chương trình sao cho phù hợp nhất; làm sao phải đảm bảo chương trình có chất lượng và khả thi.
Về câu hỏi, liệu Bộ GD&ĐT có “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi Bộ trực tiếp soạn thảo chương trình khung vừa làm SGK, vừa thẩm định, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới khẳng định: “Không có chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi”. Theo vị Tổng chủ biên này thì việc Bộ phải biên soạn SGK là để phòng ngừa, tránh rủi ro khi triển khai chương trình mới. Bởi, chẳng may các đơn vị bên ngoài không viết được trọn bộ SGK mà chỉ vài cuốn riêng lẻ thì học sinh vẫn có để dùng.