Chuối Lâm Đồng ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định rót vốn hàng tỷ đồng hỗ trợ hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng (HTX Đạ K’Nàng) mở rộng liên kết sản xuất chuối Laba với các nông hộ ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu loại nông sản ngon nức tiếng này.

Ngày 23/6, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết “Dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ chuối Laba và một số loại cây ăn quả” của HTX Đạ K’Nàng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,7 tỷ đồng. Trong số đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng và vốn đối ứng của HTX cùng các hộ dân hơn 2,8 tỷ đồng.

Chuối Lâm Đồng ra thế giới ảnh 1

Một công đoạn sơ chế chuối xuất khẩu

Những hạng mục và phần việc được hỗ trợ trong dự án gồm đầu tư kho lạnh thể tích 82,5m3, máy sấy công nghệ lạnh phục vụ sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; đào tạo tập huấn các hộ tham gia liên kết, nhân viên hợp tác xã và nông dân trong vùng dự án; hỗ trợ giống, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…

Mục tiêu của dự án là phấn đấu 100% sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất đạt chứng nhận Viet GAP (Global GAP); hình thành chuỗi liên kết sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ chuối Laba và cây ăn quả khác một cách bền vững.

Chuối Lâm Đồng ra thế giới ảnh 2

Vườn chuối Laba ở Đạ K’Nàng

Theo bà Võ Thị Thu, Phó Chủ nhiệm HTX Đạ K’Nàng, vào tháng 10/2018, khi HTX mới thành lập, chỉ có 7 hộ dân ở thôn Đạ Mur (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông) tham gia chuỗi liên kết, chuyển đổi 5 ha cây cà phê già cỗi sang trồng chuối. 2 năm sau, số hộ liên kết đã vọt lên con số 40 và diện tích tăng nhanh lên hơn 200ha, năng suất bình quân 80 - 100 tấn/ha, tỷ lệ xuất khẩu chiếm tới 70% sản lượng. Số nông hộ liên kết không chỉ ở xã Đạ K’Nàng mà được mở rộng sang các xã gần đó như Phi Liêng (huyện Đam Rông), Phú Sơn và Tân Hà (huyện Lâm Hà).

Tìm được chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản

Một doanh nghiệp ở Nhật Bản đã cử một số chuyên gia đến tận các khu vườn ở Đạ K’Nàng để thẩm định chất lượng chuối Laba. Chuyên gia Hay Ashi Yohei nhận định khí hậu ở Đạ K’Nàng khác biệt so với các vùng mà ông từng khảo sát và chuối ở đây rất phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Doanh nghiệp này đã chuyển giao toàn bộ quy trình sản xuất và sơ chế chuối cho HTX Đạ K’Nàng để sản xuất ra loại chuối đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu mang tên Laba. Hiện 50 ha chuối của HTX được doanh nghiệp Nhật gắn chip theo dõi và điều khiển chế độ chăm sóc hàng ngày, đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng trong môi trường an toàn dịch bệnh.

Sản phẩm chuối Laba cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu đặc sản với chất lượng, mẫu mã và hương vị riêng biệt, đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên. Ban đầu thị trường tiêu thụ chủ yếu là TPHCM, sau đó mở rộng dần ra các tỉnh miền Trung, miền Đông và Tây Nam bộ; đồng thời xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, một số nước khu vực Trung Đông và đặc biệt là Nhật Bản. Năm 2021, HTX Đạ K’Nàng tiếp tục duy trì sản lượng chuối Laba xuất khẩu sang Nhật với 6.000 tấn. Hiện mỗi tuần, HTX xuất khẩu sang nước này từ 1-2 container, tương ứng từ 9-18 tấn chuối Laba.

MỚI - NÓNG