"Chúng tôi đã vượt qua số 0"

"Chúng tôi đã vượt qua số 0"
TP - Dự án phim Lý Công Uẩn chưa thành nên phim truyện Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập) bỗng thành tâm điểm của điện ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
"Chúng tôi đã vượt qua số 0" ảnh 1
Đào Duy Phúc trước lăng Trần Thủ Độ. Ảnh: PV

Hội đồng duyệt giá vừa thông qua hơn 40 tỷ đồng cho phim này, đạo diễn ví “chúng tôi đã được tiếp nhiên liệu. Tất cả đã ở vạch xuất phát”.

Tổng kinh phí dự kiến hơn 50 tỷ đồng, dành cho Thái sư Trần Thủ Độ. Nếu anh được ghi danh đạo diễn trẻ nhất thực hiện bộ phim kinh phí lớn nhất của điện ảnh Việt Nam, anh nghĩ sao?

Dù với kinh phí nhỏ nhất, tôi vẫn sẽ làm bằng danh dự của mình.

Nghe nói sẽ mời một nữ diễn viên của Hàn Quốc. Sao phải là Hàn Quốc?

“Tam sao thất bản”!  Các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc khi biết dự án phim lịch sử này, đều ngỏ ý giới thiệu các diễn viên của họ. Đó là thiện ý rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có ai trong đoàn phim nói rằng, cần có người nước ngoài trong phim.

Giới nghệ sĩ trẻ cũng hào hứng với phim lịch sử?

Lịch sử 1.000 năm Thăng Long là niềm tự hào của toàn thể người dân Việt Nam. Vì vậy, dàn diễn viên trong phim sẽ rất đa dạng, ở hầu khắp các vùng miền.

Anh chọn gương mặt mới và đúng tuổi để đảm nhận các vai theo đúng dữ kiện lịch sử hay người nổi tiếng dễ hút khán giả hơn?

Phải khẳng định rằng, không thể có dàn diễn viên đúng 16 tuổi (tuổi của các nhân vật chính theo lịch sử) vừa có ngoại hình tốt, vừa có kỹ năng tốt (giỏi bơi lặn, giỏi võ thuật), lại vừa diễn xuất tốt cả ba giai đoạn (16 tuổi, trung niên, già).

Vì vậy, tôi chủ trương chọn diễn viên có ngoại hình phù hợp, có thể hóa trang cả trẻ, cả già, diễn xuất được các giai đoạn của nhân vật. Bản thân câu chuyện phim đã là yếu tố hút khán giả.

Khó nhất khi làm phim này là gì, theo anh?

Một võ sư nổi tiếng người Trung Quốc (nhiều lần hợp tác cùng Thành Long trong các phim hành động), đã nhận lời làm phim Thái sư Trần Thủ Độ theo tinh thần: giúp là chính!

Là quan niệm của khán giả. Đừng lẫn lộn giữa phim truyện về đề tài lịch sử với phim khoa giáo.

Người ta nói làm phim lịch sử, cổ trang ở Việt Nam, các đạo diễn, nhà sản xuất phải bắt đầu từ con số 0, anh không dùng khó khăn này để nói về chất lượng phim chứ?

Cho đến giờ này, chúng tôi đã vượt qua con số 0 rồi.

Phim trường thuê ở Hoành Điếm (Trung Quốc) sẽ thực hiện cảnh quay nào?

Bí mật! Để khi xem có cảm giác... toàn là Việt Nam.

Thế còn trường quay Cổ Loa và các cụm bối cảnh ngoại ở Đồng Mô, có đủ sức làm khán giả choáng ngợp?

Với sự hiện diện hàng ngày những phim bom tấn của nước ngoài trên rạp và trên truyền hình, với mặt bằng điện ảnh VN so với thế giới hiện nay, đừng hy vọng tạo sự choáng ngợp mà hãy chuẩn bị cho phần cảm xúc, rung động...

MỚI - NÓNG