Nhằm tăng cường nhận thức về bệnh Glôcôm, tăng cường hoạt động tư vấn kiến thức cộng đồng về cách phòng tránh và điều trị bệnh này, Hiệp hội Glôcôm thế giới (World Glaucoma Association) đã tổ chức “Tuần lễ Glôcôm thế giới” trong khoảng thời gian từ ngày 10-16/03. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về bệnh Glôcôm, tăng cường hoạt động tư vấn và kiến thức cộng đồng về cách phòng tránh và điều trị bệnh này với thông điệp "chung tay hưởng ứng - phòng ngừa Glôcôm" nhắm mục đích cảnh báo mọi người nên khám chuyên khoa mắt và thần kinh thị giác thường xuyên để phát hiện bệnh Glôcôm càng sớm càng tốt để để được điều trị thành công và kịp thời giúp bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn và giảm nguy cơ mù lòa về sau.
Glôcôm là bệnh lý tổn thương tiến triển của đầu dây thần kinh thị giác gây mất thị lực, đồng thời những tổn thương này không có khả năng phục hồi và có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh nhân, việc điều trị sớm ở giai đoạn đầu có thể ngăn chặn được tổn thương. Điều đó có nghĩa là chẩn đoán càng sớm thì càng có nhiều cơ hội cứu được thị lực và người đó càng ít có khả năng bị mù.
Hội Nhãn khoa Việt Nam (VOS) hưởng ứng tuần lễ này với nhiều hoạt động như diễn đàn trực tuyến, buổi tư vấn mắt miễn phí, và các chiến dịch truyền thông sẽ được tổ chức để lan tỏa thông điệp về quan trọng của việc khám chuyên khoa Mắt định kỳ.
“Tuần lễ Glôcôm thế giới” diễn ra với nhiều chiến dịch, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Glôcôm và lợi ích của việc khám chuyên khoa Mắt định kỳ |
Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm
Bên trong mắt chúng ta chứa một loại dung dịch trong suốt giống nước gọi là thủy dịch được tiết ra và thoát lưu liên tục. Thủy dịch giúp nuôi dưỡng mắt, duy trì hình dạng của cầu mắt cũng như tạo ra một áp lực tác động lên thành nhãn cầu được gọi là nhãn áp. Nhãn áp của người bình thường dao động từ 11 đến 21 mmHg và nếu nhãn áp cao hơn mức tiêu chuẩn này được gọi là “tăng nhãn áp”.
Nhãn áp được xác định là mối đe dọa tiềm ẩn hàng đầu gây tổn hại tiến triển của đầu dây thần kinh thị giác, gây mất thị lực. Những tổn thương này nếu không được điều trị kịp thời sẽ không có khả năng hồi phục và gây mù lòa vĩnh viễn cho bệnh nhân Glôcôm.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều tiến triển thầm lặng và bệnh nhân thường không biết tình trạng mất dần thị lực cho đến khi thị lực suy giảm đáng kể. Lúc này, bệnh Glôcôm đã ở giai đoạn nặng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp, nguy cơ mù lòa cao và việc điều trị sẽ chỉ giới hạn ở việc bảo tồn phần thị lực còn lại của bệnh nhân. Vì vậy việc phát hiện sớm bệnh Glôcôm, đặc biệt trong cộng đồng có ý nghĩa quyết định đến chức năng thị giác của bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Glôcôm
Có nhiều loại bệnh Glôcôm nhưng hai loại phổ biến nhất là:
Glôcôm góc-mở:
• Loại Glôcôm này chiếm phần lớn tỷ lệ glôcôm tại hầu hết các quốc gia, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trung niên.
• Bệnh Glôcôm tiến triển thầm lặng và thường không thể nhận biết qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nhiều người không biết thị lực của mình đang kém đi vì thị lực trung tâm và thị lực gần vẫn còn tốt “ tầm nhìn đường hầm” , trong khi thị lực ban đêm và thị lực ngoại biên đang giảm dần.
• Tình trạng này thường đáp ứng tốt với điều trị nhưng trong một số trường hợp thì cần phẫu thuật để dẫn lưu sự tắc nghẽn trong ống dẫn thủy dịch.
Glôcôm góc-đóng
• Đây là loại Glôcôm phổ biến nhất ở Việt Nam, thường xảy ra với người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ do sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của áp suất trong mắt. Nếu không được điều trị ngay, thì trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn.
• Glôcôm góc đóng có những glôcôm cấp tính thường có các triệu chứng rõ ràng như là đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng và buồn nôn. Những triệu chứng này thường rất dễ nhầm lẫn với những cơn rối loạn tiền đình khiến bệnh nhân thường bỏ qua thăm khám mắt.
• Các thành viên trong gia đình của những người bị bệnh glôcôm sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì bệnh này thường liên quan đến yếu tố di truyền.
Ở mỗi lần khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thị lực, đo nhãn áp (áp lực nội nhãn), khám đáy mắt kiểm tra tình trạng đầu thần kinh thị giác,… nếu nghi ngờ thì có thể có các khám nghiệm chuyên sâu (đo thị trường, chụp cắt lớp đĩa thị giác và võng mạc trung tâm…) để phát hiện bệnh Glôcôm và các bệnh lý khác (nếu có).
Đồng thời khi phát hiện bệnh Glôcôm sẽ được các bác sĩ nhãn khoa điều trị kịp thời để bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn và giảm nguy cơ mù lòa về sau.
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào có thể phòng bệnh Glôcôm.
Vì vậy người dân 40 tuổi trở lên cần khám mắt định kỳ kết hợp theo dõi thường xuyên nhằm phòng ngừa, sớm phát hiện và điều trị thành công căn bệnh này. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Glôcôm lưu ý cần khám mắt 6 tháng một lần để tầm soát căn bệnh nguy hiểm này.
“Tuần lễ Glôcôm thế giới” không chỉ là một sự kiện quốc tế, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau hành động, chung tay hưởng ứng và lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc phòng tránh và điều trị kịp thời bệnh Glôcôm. Hãy tham gia cùng Hội Nhãn Khoa Việt Nam và lan tỏa thông điệp này để bảo vệ thị lực của bản thân và cộng đồng. "Chung tay hưởng ứng - phòng ngừa Glôcôm" không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể để xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và có tầm nhìn tốt.