Chứng nghiện mua sắm qua mạng của giới trẻ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Thượng Hải vừa xảy ra vụ án gây rúng động dư luận: Cha giết chết con gái độc nhất vì nghiện mua sắm qua mạng.

Theo tờ Tân Dân Vãn báo (Xinmin Evening News) ngày 11/11, Lưu Cương và con gái đều là nhân viên bảo vệ và kiểm soát viên làm việc trong lĩnh vực vận chuyển đường sắt, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, Lưu Quyên, gần 30 tuổi, dần dần nghiện mua sắm trực tuyến. Cứ sau một hoặc hai ngày lại có các hóa đơn thanh toán mới từ thẻ tín dụng, Alipay và các kênh khác được tạo ra. Có lúc rất nhiều gói hàng chuyển phát nhanh gửi đến, thường là gói cũ chưa kịp mở, gói mới đã vào cửa. Mua sắm trực tuyến rất dễ dàng, sang trọng, người mua thậm chí không thể cảm nhận được tổng số tiền tích lũy lại là bao nhiêu.

Tuy nhiên, khi đến lúc trả tiền, Lưu Quyên, người chỉ kiếm được 3 đến 4 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng, mới nhận ra rằng cô không có khả năng thanh toán gốc và lãi tích lũy. Lúc đầu, cô cầu cứu cha giúp đỡ, Lưu Cương đã lấy hết tiền tiết kiệm và vay mượn từ người thân, bạn bè, nhưng Lưu Quyên vẫn không kiềm chế được bản thân, tiếp tục phóng tay mua sắm, nợ nần không ngừng tăng lên.

Để trả nợ, cô không chỉ chạy đôn chạy đáo vay mượn họ hàng, trong đó một người cô đã cho vay 400.000 NDT, lại còn vay từ các app trên mạng để “gật gấu vá vai”, kết quả là lỗ hổng càng ngày càng lớn và những tin nhắn đòi nợ liên tục gửi đến. Người cha Lưu Cương cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi tiền, điều này đã gây nên mâu thuẫn gay gắt giữa hai cha con vốn có mối quan hệ rất tốt đẹp.

Hai ngày trước khi vụ việc đau lòng xảy ra, Lưu Cương tâm sự với một người thân rằng con gái ông đã mắc nợ mới vài trăm nghìn nhân dân tệ và người này đã cho ông vay 20 nghìn tệ. Vào ngày xảy ra vụ án, người thân đó mời Lưu Cương đi ăn tối, nhắc nhở ông rằng Lưu Quyên có thể lại bị lừa sập bẫy vay nặng lãi một lần nữa. Sau khi uống hết hai chai rượu và bia, Lưu Cương đã mất kiểm soát cảm xúc, chán chường tuyên bố sẽ chết cùng con gái. Để giúp cha con Lưu Cương, người họ hàng đã cho ông vay thêm 30.000 nhân dân tệ nữa. Tuy nhiên, số tiền này vẫn không giúp giải quyết được món nợ đã chồng chất.

Sau bữa tối với người họ hàng tốt bụng, Lưu Cương trở về nhà và thấy con gái mình đang sử dụng điện thoại di động lướt mạng; hai cha con đã xảy ra cãi vã về việc trả nợ. Trong lúc tranh chấp, ông đã dùng dao gọt hoa quả đâm chết con gái mình, sau đó gọi điện báo cảnh sát và mở cửa chờ họ tới. Tòa án Trung cấp số 2 Thượng Hải đã mở phiên tòa xét xử, phán quyết Lưu Cương phạm tội cố ý giết người và tuyên phạt ông 15 năm tù giam và tước quyền chính trị 4 năm.

Vụ thảm án “cha giết con nghiện mua sắm online” tuy cá biệt nhưng chứng nghiện mua sắm trên mạng đã trở nên khá phổ biến ở Trung Quốc. Trong cuộc sống hàng ngày, luôn có thể thấy nhiều tin tức về việc tiêu dùng quá mức dẫn đến hậu quả xấu. Ví dụ như do sinh hoạt phí eo hẹp, cô sinh viên Lý A. đã vay trực tuyến để mua điện thoại di động cao cấp, quần áo, giày dép, ... tiêu dùng không phù hợp với nguồn kinh tế hạn hẹp, lâu ngày dẫn đến nợ nần chồng chất; Từ B. một sinh viên đại học, không có khả năng trả nợ số tiền vay qua mạng quá lớn, cuối cùng không chịu nổi áp lực, dẫn đến trầm cảm và nhảy từ nóc một khách sạn xuống tự tử. Một ngày trước “Tết mua sắm 11/11”, một người đàn ông biết vợ mình mua sắm trực tuyến đã tức giận dùng con dao làm bếp băm nát gần hết tất cả quần áo của vợ, khiến bà sợ hãi gọi điện báo cảnh sát...

Nhiệm Huệ Thông, Phó giám đốc Bệnh viện trực thuộc Học viện Y tế Tân Hương nói, với việc áp dụng rộng rãi các nền tảng video ngắn khác nhau và livestream, việc mua sắm trực tuyến đã trở nên thuận tiện. Rất nhiều “Lễ hội” và các hoạt động khác với các khẩu hiệu tiếp thị kiểu như “bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi bạn hết tiền, nhưng bạn có thể mất hàng khi đợt giảm giá kết thúc”, rất dễ khiến mọi người muốn mua và thậm chí không thể ngừng mua sắm trực tuyến.

Vậy những nguy hại của việc nghiện mua sắm trực tuyến là gì? Thứ nhất, tốn nhiều thời gian vuốt điện thoại làm giảm thời gian và hiệu quả học tập, làm việc, ảnh hưởng đến sức khỏe do thức khuya mua sắm trực tuyến; Thứ hai, dùng nhiều thời gian và sức lực để mua, mua và mua, dẫn đến phạm vi giao tiếp bị thu hẹp, sở thích bị giảm sút, để rồi chỉ có thể tiếp tục lấp đầy sự trống trải trong lòng bằng cách mua sắm; Thứ ba, thường xuyên mua sắm và tiêu nhiều tiền, có nguy cơ sa bẫy vay nợ trực tuyến, rơi vào khủng hoảng kinh tế hoặc tín nhiệm, thậm chí bị lấy đi mạng sống; Thứ tư, cách mua hàng và điều kiện kinh tế không tốt có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, tình cảm, công việc và nhiều khía cạnh khác.

Tại sao nhiều người lại rơi vào tình trạng này? Nói chung có mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, đối mặt với áp lực lớn về công việc hoặc học tập, cuộc sống thực tế không như ý, bị hạn chế đi lại và rủi ro về sức khỏe do dịch COVID-19 gây ra, người ta có thể loại bỏ lo lắng hiện tại bằng mua sắm trực tuyến; Thứ hai, giao tiếp xã hội hạn hẹp, hoặc trải qua mối quan hệ hoặc tình cảm tồi tệ, vô thức xua đuổi nỗi cô đơn và tìm kiếm sự ấm áp và hạnh phúc qua mua sắm trực tuyến; Thứ ba, bị mê hoặc bởi những lời nhận xét của người tiêu được các thương gia đóng gói và quảng bá có mục đích; Thứ tư, có thể liên quan đến từng trải khi trước, chẳng hạn như bị kiểm soát chặt chẽ trong tiêu dùng, gây ra cảm giác thiếu thốn, sau khi có tiền liền phóng tay mua sắm để bù đắp cho cảm giác thiếu hụt này trong những năm đầu đời; Thứ năm, một số nhà nghiên cứu cho rằng do nồng độ hormone ở người nghiện mua sắm thay đổi, nhưng ý kiến này chưa có kết luận.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.