Chung kết Sao Mai miền Bắc: Chưa mừng đã lo

Việt Anh- thí sinh đầu tiên được vào chung kết bảng nhạc nhẹ Sao Mai toàn quốc 2011 Ảnh: N.M.Hà
Việt Anh- thí sinh đầu tiên được vào chung kết bảng nhạc nhẹ Sao Mai toàn quốc 2011 Ảnh: N.M.Hà
TP - Với quy định mới, sau mỗi đêm chung kết vùng, Ban giám khảo (BGK) xác định 3 thí sinh nổi trội nhất ở mỗi dòng nhạc để đưa vào chung kết toàn quốc (các thí sinh còn lại chọn căn cứ trên điểm số, không phân biệt vùng miền). Tuy nhiên, người được cả BGK lẫn khán giả bỏ phiếu vẫn không có nghĩa là người hát hay nhất.

> Khởi động Sao Mai 2011

Việt Anh- thí sinh đầu tiên được vào chung kết bảng nhạc nhẹ Sao Mai toàn quốc 2011 Ảnh: N.M.Hà
Việt Anh- thí sinh đầu tiên được vào chung kết bảng nhạc nhẹ Sao Mai toàn quốc 2011. Ảnh: N.M.Hà.

Sau đêm chung kết miền Bắc, tác giả Thu cạn bày tỏ bức xúc khi Thiều Bảo Trang hát bài này mà không được cô cho phép. Biết Bảo Trang hát bài này ở vòng loại miền Bắc, nhạc sĩ Giáng Son liên lạc, được thí sinh thanh minh rằng không liên lạc được với Giáng Son để xin phép. Không đồng tình với lý lẽ của thí sinh song Giáng Son vẫn đồng ý cho hát nhưng chỉ đêm 16-7, vì không muốn việc thi cử của Trang bị ảnh hưởng do thay bài vào giờ chót. Và chị rất bất ngờ khi đêm 17-7, Bảo Trang vẫn tiếp tục hát Thu cạn- từng được Nguyên Thảo độc quyền, chưa kịp ra đĩa.

Một trong những thí sinh vừa có giọng vừa có kỹ thuật ở bảng nhạc nhẹ là Phương Thảo. Cô chọn Người đàn bà thứ hai (Xuân Phương) khá hợp về tầm cữ nhưng e rằng tâm sự “con dâu mẹ chồng” của bài chưa hợp lắm với tuổi đời của người thể hiện.

Phương Thảo cũng cần gây ấn tượng hơn trong trang phục và phong cách. Nói thêm là dù ở bảng thính phòng hay nhạc nhẹ, nữ thí sinh Sao Mai đều thiên về chọn váy dạ hội quá nặng nề, đài các, đôi khi không ăn nhập với tinh thần bài hát.

Người may mắn nhất trong bảng nhạc nhẹ giành tấm vé đầu tiên vào vòng trong là Việt Anh. Anh chọn Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô)- bài tủ của giám khảo Tùng Dương- nhưng lại thể hiện bằng phong cách mới- hát mộc với ghi ta gỗ. Việt Anh hát chắc chắn, và dù không bị đụng hàng Tùng Dương nhiều lắm, nhưng tố chất “quái” vẫn lấp ló đâu đó.

Bảng dân gian của Sao Mai nên đổi tên thành thính phòng- dân gian vì đã trở thành sân chơi của các giọng hát thính phòng có màu sắc dân gian. Thí sinh lọt vào bảng này đều ngang ngửa nhau nên chiến thắng của Lương Nguyệt Anh chưa hoàn toàn thuyết phục.

Nguyệt Anh hát sạch sẽ Nghe em hát còn duyên (Nguyễn Tiến) nhưng về độ tinh tế, chưa chắc cô đã qua được Thanh Hoa trong Người ơi hãy về (Tuấn Phương). Thanh Hoa còn nhấn mạnh màu sắc dân gian khi đưa vào được một đoạn ngâm thơ ở đầu bài. Chọn bài Chị Mai xuống chợ (Lê Lan) với Vũ Thị Ngân (Tuyên Quang) xem ra khá phiêu lưu vì chất dân gian Tây Bắc của bài khá giống thính phòng, chứ không nổi rõ như dân gian Bắc Bộ.

Sóng gió dư luận nổi lên sau khi kết quả bảng thính phòng công bố. Nguyễn Khánh Ly (Bắc Giang) là người đầu tiên vào vòng trong nhờ luật chơi mới: Thí sinh được nhiều khán giả bình chọn nhất trong đêm sẽ được cộng thêm 1 điểm. Khánh Ly giành tới hơn 4.200 lượt khán giả bình chọn, chiếm non nửa tổng số bình chọn của toàn bộ 18 thí sinh. Kết quả này thật đáng ngạc nhiên. Cô cũng là thí sinh duy nhất có đội ngũ cổ động viên nổi bật tại khán phòng.

Như vậy, bản thân Khánh Ly hẳn được BGK đánh giá rất cao, nếu không phải là người cao điểm nhất thì tổng điểm BGK dành cho cô cũng chỉ kém người cao nhất chưa tới 1 điểm. Đây là điều đáng để suy nghĩ vì phong cách thính phòng vốn có tiêu chí khá rõ ràng để đánh giá chất lượng giọng hát. Và Khánh Ly chưa phải là giọng hát đáp ứng các yêu cầu của dòng thính phòng.

Theo nhà báo Ngô Bá Lục: “Xét về kỹ thuật hát thính phòng thì Khánh Ly kém nhất trong 6 thí sinh.” Một ca sĩ thính phòng kiêm giảng viên thanh nhạc ở Hà Nội cho rằng Tố Loan hoặc Huyền Hương vào vòng trong thì hợp lý hơn, và bình luận: “Kết quả của bảng thính phòng khiến tôi bị ức chế. Cứ đà này, giải Sao Mai mất hết uy tín”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG