Chuẩn ngoại ngữ quốc tế kiểu... Việt Nam

Giờ học tiếng Anh của sinh viên tại một trường ĐH ở TP.HCM
Giờ học tiếng Anh của sinh viên tại một trường ĐH ở TP.HCM
Khi ban hành chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên tốt nghiệp, các trường ĐH đều dựa vào chuẩn quốc tế TOEIC, TOEFL, IELTS, B1… Thế nhưng, toàn bộ quy trình tổ chức thi, công nhận đều do trường tự làm.
Giờ học tiếng Anh của sinh viên tại một trường ĐH ở TP.HCM
Giờ học tiếng Anh của sinh viên tại một trường ĐH ở TP.HCM.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong số rất ít trường bắt buộc sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khi tốt nghiệp. Chuẩn này được trường thực hiện với sinh viên nhập học năm 2009, và tùy theo ngành chuẩn này ở mức từ 450 đến 550 điểm TOEIC.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường chỉ tổ chức giảng dạy cho sinh viên các học phần tiếng Anh từ 8 đến 12 tín chỉ. Khi xét tốt nghiệp, sinh viên phải nộp cho trường chứng chỉ quốc tế TOEIC với mức điểm trên (hoặc các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế khác tương đương). “Trường không tự đứng ra tổ chức thi mà yêu cầu sinh viên nộp các chứng chỉ có giá trị quốc tế nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như chất lượng chuẩn quốc tế”, thạc sĩ Đương lý giải thêm.

Quốc tế… tự làm

Trong khi đó, ở rất nhiều trường cũng xác định đầu ra tiếng Anh theo chuẩn quốc tế nhưng lại tự tổ chức thi và công nhận đạt trình độ tương đương.

Từ năm 2008, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bắt đầu áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh sinh viên hệ chính quy tương đương trình độ B1 trong khung tham chiếu ngôn ngữ chung của châu Âu. Để đạt trình độ này, ngay khi nhập học sinh viên sẽ trải qua vòng kiểm tra tiếng Anh đầu vào để theo học lớp Anh văn điều kiện (Anh văn 1 và Anh văn 2). Trước khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ tham gia kỳ thi do trung tâm ngoại ngữ trường này tổ chức nhưng không phải cấp chứng chỉ mà chỉ công nhận trình độ tương đương B1. Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng tổ chức thi và cấp giấy xác nhận đạt trình độ tiếng Anh tương đương để sinh viên có thể tốt nghiệp. Tại trường này, từ khóa nhập học 2009 sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt 405 đến 450 điểm TOEIC tùy theo ngành.

Bắt đầu từ khóa nhập học năm 2012 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM yêu cầu sinh viên khi tốt nghiệp phải có chứng chỉ TOEIC 450 điểm do trường tổ chức thi và phát hành. Trong khi các khóa trước đó, sinh viên chỉ cần đạt trình độ tương đương TOEIC 350 khi tốt nghiệp. Sau khi hoàn tất 3 học phần tiếng Anh đại cương và 1 học phần tiếng Anh chuyên ngành, sinh viên trải qua bài thi tổng hợp đánh giá sẽ được công nhận đạt trình độ tương đương.

Không ai kiểm chứng được chất lượng

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, trước khi triển khai chuẩn này trường đã rất lo lắng khi bắt buộc sinh viên phải có chứng chỉ quốc tế trong khi hầu hết các trường chọn cách công nhận tương đương thông qua việc học và thi tại trường. Tuy nhiên, với những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên vào năm 2013 tình hình tương đối khả quan, với trên 70% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đợt 1 năm 2013 và đợt sau đạt trên 90%. Bày tỏ quan điểm cá nhân, thạc sĩ Đương nhìn nhận: “So với kỳ thi quốc tế do các đơn vị quốc tế tổ chức, thì việc trường đứng ra tổ chức thi, chấm bài và công nhận sẽ rất thiếu khách quan. Quan trọng là chuẩn của trường không thể so sánh được với chuẩn quốc tế”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), cũng cho rằng: “Đầu ra tiếng Anh theo chuẩn quốc tế mà các trường đang thực hiện rất “loạn”. Khi các trường tự đứng ra tổ chức thi và công nhận chuẩn tiếng Anh quốc tế thì không ai kiểm chứng được. Vì vậy, kết quả này rất thiếu độ tin cậy, và rất khó để có thể nói rằng đó là chất lượng quốc tế”. Tiến sĩ Phương Anh cho rằng nếu đã gọi là trình độ quốc tế thì phải thực sự quốc tế trong toàn bộ quy trình thi và công nhận. Và cách tốt nhất hiện nay là sinh viên cần được trải qua kỳ thi tiếng Anh do các đơn vị quốc tế đứng ra tổ chức như rất nhiều nước đang làm.

Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Một bài thi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế phải có chuẩn phòng thi, bài thi, cán bộ coi thi và bài thi phải gửi sang nước ngoài để chấm. So với một bài thi do các trường tự tổ chức, chất lượng khác xa rất nhiều”. Từ thực tế trường mình, cán bộ đào tạo một trường cũng thừa nhận: “Trường không cấp chứng chỉ tiếng Anh mà chỉ xác nhận trình độ tương đương. Thực ra, giấy xác nhận này chỉ giúp sinh viên đủ điều kiện để tốt nghiệp, còn khi xin việc giấy này hầu như không được doanh nghiệp thừa nhận. Mặc dù doanh nghiệp cần năng lực thực tiễn của sinh viên, nhưng chứng chỉ là chìa khóa quyết định việc sinh viên có bước được vào vòng phỏng vấn tuyển dụng hay không”.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG