Chưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm

Chưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm
TP- Đại diện cơ quan quản lý ở Hà Nội tại hội thảo mới đây tỏ ra chưa yên tâm về áp dụng công nghệ hút bùn của CHLB Đức cho việc ổn định và phục hồi môi trường ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo báo cáo tổng quan cải tạo và phục hồi Hồ Hoàn Kiếm của Tiến sĩ Lê Hùng Anh, Giám đốc Cty TNHH Môi trường & Năng lượng Mới Đức Minh, diện tích Hồ Hoàn Kiếm bị thu hẹp nhiều so với diện tích cũ. Hồ chưa được nạo vét  lần nào nên lớp bùn ngày càng dày, nước hồ như ao tù.

“Tình trạng này không chỉ đe dọa đến sự tồn vong của rùa quý sống trong hồ mà còn đe dọa đến sự tồn tại của hồ” - Giáo sư Hà Đình Đức, Chủ nhiệm Dự án Phục hồi  & Ổn định Hồ Hoàn Kiếm, nói.

“Tuy nhiên, khi tiến hành, nhất thiết phải giữ được vi tảo có màu xanh đặc trưng của hồ và không làm ảnh hưởng đến đời sống của Rùa Hồ Gươm”.

Nếu chỉ nạo vét, cửu vạn cũng làm được

Phát biểu tại hội thảo kéo dài hai ngày 10 - 11/6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh về tiến độ thực hiện Dự án Phục hồi & Ổn định Hồ Hoàn Kiếm, Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội, cho hay, việc nạo vét Hồ Gươm phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho loài rùa quý, song ông vẫn chưa thấy giải pháp bảo vệ rùa quý trong dự án nếu sự cố xảy ra.

Dự án là kết quả của Biên bản về Hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam với Bộ Liên bang về Giáo dục & Nghiên cứu CHLB Đức. 

Ông Hoàng Hồng Phương - Phó Trưởng ban Quản lý Khu vực hồ Hoàn Kiếm, cũng bày tỏ, chưa thể nói được điều gì khi nhóm dự án mới đơn thuần trình diễn về mặt công nghệ, còn những nghiên cứu khoa học, đánh giá tác động môi trường lại chưa thuyết phục.

Vẫn theo ông Phương, chỉ khi nào nghiên cứu đảm bảo việc sử dụng công nghệ nạo vét lòng Hồ Hoàn Kiếm không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nhất là ảnh hưởng tới rùa quý, thì hãy tính đến việc sử dụng. Còn không, tại sao lại phải bỏ cả triệu euro ra để vận hành dự án mà không biết công đoạn nạo vét bùn sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường sinh thái trong hồ.

“Nếu chỉ đơn giản nạo vét hồ thì thuê quách cửu vạn làm việc đó, giá rẻ mà lại đảm bảo” - ông Phương nói.

Bùn Hồ Gươm khó dùng cho nông nghiệp

Dự kiến, sẽ phải vét 120.000 m3 bùn từ Hồ Gươm. Vấn đề là bùn này, sau khi vét, sẽ được đưa đi đâu, làm gì.

Theo trình bày của bà Trần Thị Nguyệt, Đại học Kĩ thuật Dresden (Đức) các chuyên gia có tính tới việc tận dụng bùn nạo vét để sản xuất biogas, làm phân sinh học. Nhưng theo kết quả thử nghiệm, chất lượng bùn, hàm lượng chất hữu cơ trong Hồ Hoàn Kiếm hơi thấp nên không có khả năng làm phân bón.

Chưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm ảnh 1Cách đây khoảng 40 - 50 năm, lòng Hồ Gươm còn khá sâu, nhiều hoạt động thể thao như đua thuyền, chạy ca nô với tốc độ cao, lướt ván vẫn diễn ra trên mặt hồ. Nhưng đến nay, độ sâu nhất trong mùa mưa chỉ đạt 1,60 m, về mùa khô mực nước chỉ đạt 1,10 m đến 1,20 m, đặc biệt mùa khô năm 1993, mực nước trong hồ chỉ còn 0,60 m đến 0,70 m, năm 2004 chỉ còn 0,90 mChưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm ảnh 2 - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức

Hàm lượng nitơ cao nhất cũng chỉ bảy phần trăm, còn hàm lượng phosphor hòa tan trong bùn dưới mức có thể phát hiện được.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng kim loại nặng trong bùn Hồ Gươm cao hơn so với tiêu chuẩn hàm lượng kim loại nặng cho đất. Chính vì thế, không thể chuyển bùn ở Hồ Gươm vào đất nông nghiệp.

Các chuyên gia đang xem xét đến khả năng dùng thực vật để xử lý kim loại nặng trong bùn, sau đó có thể sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.

Có làm cũng chỉ một khoảnh nhỏ

Trái với quan điểm của ông Hoàng Hồng Phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức cho rằng, việc nạo vét bùn ở Hồ Gươm mà dự án định tiến hành không giống với bất cứ hoạt động nạo vét bùn nào trước đó ở Hà Nội.

“Các chuyên gia hàng đầu của Đức và Việt Nam nghiên cứu khá công phu môi trường nước và khảo sát địa chất bằng những dụng cụ và phương pháp hiện đại suốt cả năm 2008” - Phó Giáo sư Hà Đình Đức nói.

“Nhóm nghiên cứu gắn cả dụng cụ đo nhiệt độ các tầng nước trong lòng hồ, theo dõi biến động môi trường nước trong ngày (cứ bốn giờ lại bơi thuyền, kể cả ban đêm, ra đo năm điểm), đo độ dày của các tầng bùn cát trong lòng hồ bằng phương pháp điện trở, tiến hành khoan sâu 20 m trên bờ và dưới nước để biết được các tầng địa chất khu vực Hồ Gươm”.

Ngay cả khi được chấp nhận về mặt công nghệ, giai đoạn đầu, cũng chỉ tiến hành hút trong một phạm vi hẹp nhất định của Hồ Gươm. Sau đó, sẽ theo dõi phản ứng của Cụ Rùa và hệ sinh thái. “Chứ không thể làm toàn bộ Hồ Gươm vì không đủ kinh phí” - Phó Giáo sư Đức cho hay.

Khi có quyết định cuối cùng về nạo vét Hồ Gươm, sẽ có sự bàn bạc trao đổi giữa UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học & Công nghệ; nhà tài trợ Đức sẽ tìm thêm nguồn kinh phí và phía Việt Nam cũng sẽ phải đóng góp mới có thể thực hiện được.

Chưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm ảnh 3
Công nghệ hút bùn được thực hiện tại Ao cá Bác Hồ ngày 11/6. Ảnh: Kiều Oanh

Chuyên gia tin tưởng công nghệ

Công nghệ hút bùn tùy thuộc vào mỗi hồ, chuyên gia của CHLB Đức, Tiến sĩ Leonhard Fechter, cho biết.

Ngoài kích thước hồ, lượng bùn hút ra, độ dày lớp bùn, kinh phí, lượng nước chứa trong bùn, thời gian để tái ổn định cho hồ, yếu tố không thể thiếu là đánh giá độ nhạy cảm hệ thống sinh thái xung quanh.

“Hệ thống công nghệ hút bùn của CHLB Đức đảm bảo những yếu tố đó” - ông Fechter nói.

Thiết bị hút bùn ngầm dưới nước, nằm dưới bề mặt của bùn, nên quá trình hút bùn không phải hút hết nước hồ ra. Trong quá trình hút, các máy đều có sự an toàn cho việc tiếp xúc với các loại cá trong hồ, cũng như các lớp bùn đáy khác.

“Hơn nữa, hệ thống máy gây ít tiếng ồn, không gây xáo trộn bùn, nên không ảnh hưởng đến chất lượng nước và hệ sinh thái xung quanh” - ông Weruer Peter, trưởng dự án, tin tưởng.

Mô tả thêm về hiệu quả của hệ thống hút bùn, ông Peter cho biết, hỗn hợp bùn nước sau khi lên bờ được ép tách riêng. Bùn lỏng đó được ép thành bánh, có thể vận chuyển dễ dàng ra khỏi thành phố mà không gây ô nhiễm trên đường di chuyển. Còn nước trong quá trình tách bùn, có thể đổ trả lại hồ mà không gây sốc cho quá trình cân bằng nước của hồ.

Không dừng ở đó, nhân hội thảo tuần trước, các đại biểu còn được trực tiếp xem trình diễn công nghệ hút bùn lần thứ hai tại Ao cá Bác Hồ. Phó Giáo sư Hà Đình Đức cho biết, Ao cá Bác Hồ từng qua sáu kỳ cải  tạo vào các năm 1978, 1983, 1988, 1993, 1998, và 2003.

Mỗi lần cải tạo đều phải thực hiện bảy công đoạn gồm đánh bắt và vận chuyển cá sang Đình Bảng, tát cạn nước trong ao, vét sạch bùn đáy ao, xử lý đáy và ngâm nước, tát cạn rồi cho nước mới vào, vận chuyển cá từ Đình Bảng về thả lại, và huấn luyện cho cá trở lại cầu ao trước cửa Nhà sàn.

Năm 2008, Ao cá Bác Hồ lần đầu tiên được cải tạo bằng công nghệ tiên tiến gọn nhẹ và tiết kiệm của Đức.

Tại đợt trình diễn tuần trước trên Ao cá Bác Hồ, người ta không phải di chuyển cá, không phải tát ao, đảm bảo mọi hoạt động bình thường của các sinh vật có trong hồ bao gồm đàn cá vốn sống từ lâu ở đây và một con rùa mai mềm to nặng khoảng 40 kg vừa được thả vào ao này tháng 11/2008.

Công nghệ hút bùn và ép tách bùn gồm ba bước: Hút bùn, tách nước từ bùn, xử lý nước tách từ bùn.

Để sử dụng công nghệ cho mỗi hồ, cần làm rõ các thông số kích thước hồ, lượng bùn hút ra, độ dày lớp bùn, thành phần hữu cơ và vô cơ trong bùn, lượng nước có trong bùn, bùn có chứa chất gây ô nhiễm không, thời gian để tái ổn định hồ, đặc thù bề mặt đáy của hồ, kinh phí thực hiện, độ nhạy cảm của hệ sinh thái quanh hồ.

MỚI - NÓNG