Chữa say nắng trong mùa hè

Chữa say nắng trong mùa hè
Say nắng là một trong những hiện tượng thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn trong mùa hè. Cần làm gì để hạn chế bị say nắng giữa tiết trời nắng nóng gay gắt như hiện nay?

> Trẻ em, người già đổ bệnh

Chữa say nắng trong mùa hè ảnh 1

 Nguyên nhân thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, dẫn đến nhiều rối loạn ở các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.

Bình thường, khi cơ thể bị nóng quá mức, "trung tâm điều hòa nhiệt" ở não có các biện pháp giải nhiệt, chủ yếu bằng cách tiết mồ hôi. Ở trẻ em, trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh nên sự giải nhiệt không tốt, khiến trẻ rất dễ bị "say nắng" khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị say nắng qua các dấu hiệu sau:

- Mệt mỏi, mắt lờ đờ.

- Cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến 41 độ C.

- Nhịp thở yếu, nhanh.

- Mạch yếu, khó bắt, hoặc không còn.

Trường hợp "say nắng" nặng, trẻ sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.

Khi trẻ bị say nắng, cần nhanh chóng tìm phương tiện đưa trẻ đi cấp cứu tại một cơ sở y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi, phải bình tĩnh thực hiện ngay một số biện pháp sau:

- Đặt trẻ nằm trong một phòng thoáng mát, cởi hết quần áo.

- Dùng khăn thấm nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ.

- Dùng một khăn khác, cũng thấm nước mát, lau nhẹ nhàng mình mẩy, chân tay trẻ.

- Cho trẻ uống nước đầy đủ (nước trái cây, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội). Cho uống từ từ, ít một để tránh nôn.

Với các thao tác này, nhiều trẻ qua được cơn nguy kịch trước khi xe cấp cứu tới. Những biện pháp kể trên vẫn cần được tiếp tục thực hiện trong xe trên đường đến bệnh viện vì chúng rất hữu ích cho việc cứu chữa sau này.

Một vấn đề nữa khiến các bà mẹ đau đầu vào mùa hè là chứng rôm sảy của trẻ. Rôm sảy là do mồ hôi sinh ra: Mồ hôi đóng lại quanh các lỗ chân lông, khiến chúng bị viêm tấy, trở thành những nốt nhỏ màu hồng. Đó là rôm. Những nốt lớn hơn có chứa chất nước trong được gọi là sảy. Chúng làm cho trẻ luôn bứt rứt, ngứa ngáy, rất khó chịu, không ăn, không ngủ được. Các nốt rôm sảy cũng rất dễ bị nhiễm trùng thêm và trở thành những mụn mủ.

Biện pháp phòng trị rôm sảy tốt nhất là chống nóng cho trẻ bằng các cách sau:

- Tạo một môi trường thoáng mát cho trẻ (phòng ốc thoáng khí; quần áo rộng rãi, tốt nhất là từ sợi bông).

- Cho trẻ được tắm rửa sạch sẽ ít nhất mỗi ngày một lần. Khi trẻ có mồ hôi, cần dùng khăn sạch lau khô ngay.

- Cho trẻ uống nước đầy đủ.

- Không để trẻ ra nắng lâu.

Theo BS Bùi Xuân Vĩnh
Sức khỏe & Đời sống

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG