Chưa đúng tinh thần cải cách tư pháp

Chưa đúng tinh thần cải cách tư pháp
TP - Vụ án đầy uẩn khúc “Ngô Tiến Long chủ mưu giết người” mới được TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm (lần hai) ngày 14-8-2012, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm trước đó đối với Ngô Tiến Long, để điều tra và xét xử lại.

> Chất chồng uẩn khúc vụ án giết người
> Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'?-Kỳ cuối
> Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4
> Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc

Đối đáp giữa luật sư và công tố viên chưa đi đến tận cùng để giúp làm rõ sự thật vụ án
Đối đáp giữa luật sư và công tố viên chưa đi đến tận cùng để giúp làm rõ sự thật vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để kết án Ngô Tiến Long về tội giết người”.

Nhận định này phù hợp với quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Long, với quan điểm của đại diện Viện KSND Tối cao tại phiên tòa phúc thẩm, và với quan điểm của loạt bài “Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng?” đăng liên tiếp trên Tiền Phong từ ngày 12-4 đến 16-4-2010.

Kỳ 3 loạt bài “Chủ mưu giết người…” của Tiền Phong có đầu đề “Soi lại phiên tòa sơ thẩm”.

Bài báo nêu diễn biến phiên tòa sơ thẩm (lần một) xét xử bị cáo Ngô Tiến Long, do TAND tỉnh Quảng Ninh mở ngày 02-4-2010, với các tít phụ: “Xét hỏi: Thiếu tính phản biện”; “Tranh luận: Không đi đến cùng”; “Bản án: Chưa đủ thuyết phục”. Khá lạ lùng, phiên tòa sơ thẩm lần hai mới đây vẫn diễn biến giống hệt phiên tòa sơ thẩm trước.

Xét hỏi: Thiếu tính phản biện

Một trong những điều được chờ đợi nhất tại phiên tòa lần này: nhân chứng Nguyễn Thái Sơn sẽ đến tòa để HĐXX, công tố viên và các luật sư xét hỏi.

Như bạn đọc đã biết, lời khai của Sơn tại CQĐT chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo và nhân chứng khác, song tại hai phiên tòa trước, Sơn không đến tòa, dù đã được tống đạt giấy triệu tập.

Lần này, Sơn tiếp tục không có mặt theo triệu tập của tòa. Các luật sư bào chữa cho Ngô Tiến Long đề nghị HĐXX áp giải Sơn đến tòa, theo đúng quy định của Bộ luật TTHS, song không được chấp nhận.

Những người theo dõi phiên tòa hiểu rằng, HĐXX sẽ chỉ tin vào… lời khai của Sơn tại CQĐT, bất luận chúng có mâu thuẫn và phi lý thế nào đi nữa!

Còn nhiều chi tiết cho thấy việc xét hỏi tại tòa thiếu tính phản biện, bài viết này không thể nêu đầy đủ, chỉ nêu thêm một dẫn chứng.

Đó là việc nhân chứng Từ Đức Cường đưa ra lời khai mới tại tòa, rằng Long không nhờ Cường tìm người đánh anh Công (bị hại của vụ án), Cường thay đổi lời khai vì không muốn làm oan cho người khác.

Trước tình tiết này, HĐXX không đi sâu làm rõ nếu không phải Long thì ai đã nhờ Cường đánh anh Công, vì sao trước đây Cường lại “đổ oan” cho Long…

Trong bản án đã tuyên, HĐXX cho rằng Cường thay đổi lời khai là do diễn biến tâm lý, hiện Cường đã có án nên không hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tranh luận: Không đi đến cùng

Một vấn đề cũng được những người dự tòa đặc biệt quan tâm, đó là hồ sơ vụ án không có bản gốc list điện thoại của các bị can và nhân chứng Từ Đức Cường, Ngô Tiến Long, Nguyễn Trung Hiếu, Trần Thị Cẩm; thay vào đó, chỉ có “list điện thoại rút gọn” của Cường.

Tại các phiên tòa trước cũng như phiên tòa lần này, các luật sư coi đây là tài liệu quan trọng để làm rõ sự thật vụ án; họ chứng minh “list điện thoại rút gọn” không có giá trị pháp lý, yêu cầu phải cung cấp bản gốc tài liệu này.

Về vấn đề này, vị đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh trình bày khá mơ hồ: CQĐT đã khoanh vùng các đối tượng nghi vấn, đã rút list điện thoại cũng như theo dõi cuộc gọi của các đối tượng, qua đó thấy Từ Đức Cường và Ngô Tiến Long có liên lạc với nhau nhiều lần…

Cách giải thích này không đáp ứng được câu hỏi rất rõ ràng: list điện thoại gốc của Từ Đức Cường và Ngô Tiến Long hiện đang nằm ở đâu mà không có trong hồ sơ vụ án? Các luật sư rất muốn chất vấn công tố viên, song vị chủ tọa phiên tòa vội tuyên bố “đại diện Viện kiểm sát giải thích như vậy là đã rõ”(!?).

Bản án: Chưa đủ thuyết phục

Tương tự phiên sơ thẩm trước, HĐXX phiên sơ thẩm lần này không chấp nhận “trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung” theo đề nghị của các luật sư, và tuyên phạt Ngô Tiến Long tù chung thân về tội “giết người”.

Bản án không thuyết phục hầu hết những người dự tòa, bởi đơn giản, nó chưa làm rõ được những vấn đề do chính HĐXX đặt ra trong quá trình xét hỏi.

Chẳng hạn, chủ tọa hỏi nhân chứng Trần Thị Cẩm (người trình bày trước tòa là đã bị áp giải trái pháp luật, bị mớm cung tại CQĐT) rằng Cẩm có đề nghị được đối chất với điều tra viên không, Cẩm trả lời: “Tôi xin được đối chất với điều tra viên”.

Hoặc khi nhân chứng Từ Đức Cường đưa ra lời khai mới, một hội thẩm trong HĐXX cảnh báo: Với lời khai mới này, bản án đã có hiệu lực với Cường sẽ phải hủy để điều tra và xét xử lại.

Thế nhưng, tại bản án đã tuyên, HĐXX bỏ qua những biện pháp chính họ đặt ra nhằm làm rõ sự thật do xuất hiện tình tiết mới tại tòa, và không giải thích vì sao.

Những người dự tòa lại dồn nén lại biết bao câu hỏi ngổn ngang chưa có câu trả lời, để chờ đến phiên phúc thẩm mà họ hy vọng sẽ diễn ra theo tinh thần cải cách tư pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG