Chua chát chanh dây

Vợ chồng ông Hiều cụt vốn chăm sóc vườn chanh dây
Vợ chồng ông Hiều cụt vốn chăm sóc vườn chanh dây
TP - Cách đây chưa lâu, chanh dây được giới thiệu là loại cây đầy triển vọng làm giàu cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. Giờ đây, nó trở thành một thứ cây trồng tội nợ, khiến các chủ vườn phải nhận một bài học cay đắng vì phát triển thiếu quy hoạch.
Vợ chồng ông Hiều cụt vốn chăm sóc vườn chanh dây
Vợ chồng ông Hiều cụt vốn chăm sóc vườn chanh dây . Ảnh: B.Đ

Tưởng đổi đời, ngờ đâu sạt nghiệp

Không một đồng vốn dắt lưng nhưng trước mối lợi lớn từ cây chanh dây mà người khác thu được, ông Lê Chí Hiều (thôn Phú Xuân, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) cũng quyết một phen… đổi đời. Chạy vạy khắp nơi, vay hơn trăm triệu đồng ông trồng chanh dây. 8 tháng sau, vợ ông, bà Võ Thị Siêu, nước mắt ngắn dài: “Chắc chết các chú ơi! Tiền đâu mà trả cho người ta bây giờ?”.

Bà Siêu kể, hồi bà mới trồng giá chanh dây lên đến 8.500 đồng/kg. Đến khi bà bắt đầu thu hoạch thì chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg và không ai dám đảm bảo đấy đã là giá thấp nhất. Bán 1 tấn chanh dây, bà chỉ mới đủ tiền trả nợ một đợt phân bón cho vườn cây. Nếu trước đây bà dễ dàng vay mượn vì có vườn chanh dây đem thế chấp thì giờ cũng chính nó khiến bà không thể vay được bất kỳ ở đâu.

So với vợ chồng ông Hiều, hoàn cảnh của ông Lê Xuân Tuyển (thôn 12, xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông) còn bi đát hơn nhiều. Quyết làm giàu, ông Tuyển thuê đất, vay tiền đầu tư vào 4 ha chanh dây. Hơn 8 tháng kể từ lúc đặt cây giống xuống đất đến giờ ông đã bỏ xuống đất gần tỷ bạc.

Mỗi tháng, ông Tuyển mất ít nhất 50 triệu đồng tiền thuốc cho vườn chanh dây. Bỏ 100 triệu đồng thuê một bác sỹ chuyên khoa để cứu vườn cây nhưng cũng vô vọng. Trái chanh cứ ra bằng ngón chân cái là bắt đầu teo lại rồi rụng, tiêu thụ rất khó khăn. “Giữ thì khốn mà bỏ cũng có nghĩa là trắng tay”- ông Tuyển than thở.

Chanh dây rớt giá, không chỉ nông dân khốn đốn mà hàng loạt đại lý thu mua cũng kêu trời. Đại lý Loan Xuyên ở thị xã Gia Nghĩa sau 4 tháng mở kho đã sập tiệm. Chủ đại lý cho biết, họ không thể tiêu thụ hàng, trong khi đó chanh dây đã qua sơ chế rất dễ bị hư hỏng.

Nhắm mắt trồng bừa

Rủi ro của việc nông dân đổ xô trồng chanh dây đã được cảnh báo nhiều. Thế nhưng diện tích chanh dây vẫn tăng một cách chóng mặt. Cách đây hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chỉ có khoảng 800 ha chanh dây. Nay diện tích tăng lên 2.000 ha. Ngoài ra, tỉnh láng giềng Đăk Lăk cũng mọc lên ít nhất 300 ha chanh dây.

Cả tỉnh Đăk Nông chỉ có 8 cơ sở sơ chế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 50 tấn chanh dây tươi/ngày cho hai Cty cung ứng giống là Chia Meei (Đài Loan) và Trường Hoàng (Lâm Đồng). Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Mến, chủ Đại lý Hoàng Nam (xã Đăk Nia), vào thời điểm thu rộ, chỉ riêng chỗ bà đã nhập khoảng 40 tấn/ngày.

“Cung vượt cầu, rớt giá là quy luật” - ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, nói. Theo ông Luyện, cây chanh dây chỉ mới được Bộ NN&PTNT cho sản xuất thử nghiệm. Tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo, song nông dân vẫn làm theo cách của họ. Không thông qua các nhà cung ứng, nông dân không chỉ thiệt hại vì không được bảo hiểm giá mà còn lao đao với dịch bệnh do nguồn giống trôi nổi.

Theo ông Luyện, với giá trên 2.500 đồng/kg, người trồng chanh dây lãi từ 70-80 triệu đồng/ha/năm, song đó là đối với giống Đài Nông F1 năng suất cao, ít sâu bệnh. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng 600ha chanh dây ở Đăk Nông được trồng giống này. Diện tích còn lại chủ yếu là giống do người dân tự chiết ghép hoặc mua trôi nổi ở Lâm Đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG