> Yêu cầu tìm nguyên nhân cháy xe
Cây xăng Mai Dịch, Hà Nội, bị phát hiện pha methanol vượt quá quy định hồi cuối tháng 12-2011. |
Chiều 18-1, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, ông Trần Minh Dũng trả lời Tiền Phong, vẫn chưa rõ có thể công bố trước Tết kết quả xét nghiệm 3.000 mẫu xăng đã lấy trên toàn quốc hay không.
Trước đó, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các chi cục quản lý chất lượng hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, mỗi chi cục lấy khoảng 50 mẫu xăng để kiểm tra. Ước tính tổng số mẫu xăng được kiểm tra là 3.000 mẫu.
“Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân”, ông Dũng nói.
Khẳng định nguy cơ cháy nổ cao
Dù kết quả xét nghiệm xăng toàn quốc thế nào và phản ứng trước những ý kiến mới đây đặt vấn đề nguyên nhân cháy nổ xe máy sang hướng khác, một số nhà khoa học khẳng định nguy cơ cháy nổ xe máy là có thật nếu pha một số loại dung môi.
Danh mục các dung môi ấy khá dài và không đến nỗi khó kiếm trên thị trường: methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa, các dung môi pha sơn.
Xăng pha tạp chất có phải là nguyên nhân gây cháy nổ hay không, cần phải tìm hiểu, điều tra tổng thể mới rõ. Tuy nhiên, pha tạp chất vào xăng chắc chắn có lãi và làm tăng nguy cơ cháy nổ” - TS Nguyễn Anh Đức. |
Theo TS Nguyễn Anh Đức, Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam, methanol là chất ăn mòn mạnh và dễ hút ẩm nên pha quá hàm lượng cho phép có thể gây ăn mòn kim loại (đặc biệt nhôm) trong quá trình tồn trữ, vận chuyển và sử dụng. Ngoài ra methanol nhẹ, dễ bay hơi và dễ cháy nên xăng pha nhiều methanol sẽ tăng nguy cơ cháy nổ.
Trong khi đó, acetone là dung môi mạnh, có thể gây giãn nở các bộ phận làm bằng cao su, gây ăn mòn các chi tiết bằng cao su, plastic trong động cơ xe. Lâu ngày có thể làm rò rỉ xăng, khi kết hợp với nguồn nhiệt, điện sẽ gây cháy.
Còn ethyl acetate, dùng trong công nghệ sơn, in cũng có thể được pha vào xăng. Dung môi này có khả năng hòa tan cao su, clo hóa các chất nhựa, gây ăn mòn các chi tiết được làm từ plastic, cao su trong động cơ qua đó tăng nguy cơ gây rò rỉ xăng.
Các dung môi khác như condensat, naphtha, ete, dầu hỏa đều có đặc tính dễ bay hơi, dễ cháy. Các chất này khi được pha vào xăng cũng làm tăng nguy cơ gây cháy nổ.
Pha dung môi vào xăng:
Lời to
TS Đức khẳng định các dung môi có trên thị trường khi trộn vào xăng hoàn toàn có thể giúp các đối tượng thu lãi. Với methanol chẳng hạn, sản phẩm công nghiệp được bán khoảng 10.000 đồng/lít. Trong khi đó giá xăng hiện tại là 20.800 đồng/lít. Nếu pha 10% methanol vào xăng thì sẽ có lãi khoảng 900 đồng/lít. Một cây xăng mỗi ngày bán ra 5 mét khối thì sẽ có thêm 4,5 triệu đồng. Một tháng có thể lãi thêm 135 triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng, pha methanol trên 10% có thể gây ra hiện tượng tách lớp xăng và, vì thế, không pha được. TS Đức cho hay, đối tượng gian lận có thể sử dụng chất chống tách pha, giúp khó phát hiện xăng pha tạp chất.
Giá của acetone dù cao hơn methanol nhưng vẫn thấp hơn giá xăng khoảng 30%. Tức là khả năng cho acetone vào xăng vẫn có.
Condensat, naphtha và ete dầu hỏa có thể pha vào xăng với tỷ lệ cao miễn là xăng thành phẩm đạt các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định.
Ngoài ra, methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate đều RON (chỉ số octan nghiên cứu) lớn hơn 100 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng RON của xăng, tương ứng với giá bán có thể tăng.