Những địa điểm khám bệnh ngoài trời nằm ở ngoài nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thành phố, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.
Mặc dù y tế đã được cải thiện đáng kể ở Ấn Độ nhưng cách chữa trị bằng rạch tay chân vẫn còn khá phổ biến ở nước này.
Ông Ghyas, 79 tuổi - người có thâm niên nhiều năm về phương pháp điều trị bệnh cổ truyền, tuyên bố kỹ thuật truyền thống này có thể chữa được hầu hết các bệnh viêm khớp, tim và thậm chí là bệnh ung thư máu giai đoạn đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài truyền hình CNN, ông cũng nói rằng mình không lấy tiền chữa trị của bệnh nhân vì hầu hết người bệnh đều nghèo.
Thay vào đó, để kiếm tiền, ông Ghyas phụ thuộc vào một con trai là nhân viên bán hàng trong khi môt con trai khác nối nghiệp cha.
Trích máu là một phong tục cổ xưa, lần đầu tiên được đề cập đến trong các tài liệu y học cổ tiếng Hy Lạp và tiếng Phạn hàng ngàn năm trước. Phương pháp này nhằm kiểm soát máu, đẩy máu bệnh ra khỏi cơ thể và được mô phỏng theo chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ.
Nhà vật lý Hy Lạp cổ đại Hippocrates tin rằng kinh nguyệt có chức năng “thanh lọc người phụ nữ khỏi những điều xấu”.
Tiền đề cơ bản của phương pháp này cho rằng máu bệnh là nguồn gốc của tất cả các bệnh: Nếu bạn loại bỏ máu bệnh khỏi cơ thể, bạn tạo máu mới và sẽ dần dần hồi phục sức khỏe.
Tại các phòng khám ngoài trời ở Delhi, bệnh nhân phải đứng dưới ánh nắng mặt trời trong nửa giờ để làm máu lưu thông dễ dàng hơn.
Sau đó, bệnh nhân đứng thẳng, được buộc chặt dây thừng từ thắt lưng trở xuống và được rạch máu bằng dao cạo.
Năm ngoái, một nghiên cứu trên 60 người béo phì đã phát hiện ra rằng, trích máu đẩy lùi bệnh tăng huyết áp và giảm lượng cholesterol trong máu, bên cạnh đó còn giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Kết quả này được đăng trên tap chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ khiến tất cả các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.
Phan Yến
Theo Dailymail