Sáng 25/9, bên lề hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AL)-Khuyến cáo cho TPHCM”, trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xác nhận đã nhận được đề án xây dựng Bảo tàng TPHCM.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TPHCM đang xem xét đề án này. Trước mắt, người đứng đầu chính quyền TPHCM đánh giá đề xuất thay đổi địa điểm xây dựng từ khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) về khu Công viên Lịch sử -văn hóa dân tộc là phù hợp.
Khu này tạo sự kết nối để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa với các công trình khác như: Khu Tưởng niệm các vua Hùng, Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ... Vị trí khu đất nằm trong không gian tổng thể của Khu I (Thời cổ đại) phù hợp với tính chất và mục tiêu xây dựng của Bảo tàng cũng như Đồ án quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Phong cho biết có đồng ý với đề án hay không, bao giờ xây và quy mô bảo tàng như thế nào thì UBND TPHCM sẽ tiếp tục xem xét và có ý kiến chính thức.
Trước đó, Sở Văn hóa – Thể thao đã có tờ trình gửi Thường trực UBND TPHCM về Đề án xây dựng Bảo tàng TPHCM.
Tờ trình của Sở Văn hóa – Thể thao cho biết việc xây Bảo tàng TPHCM nhằm tạo ra một công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại ngang tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn của đất nước, góp phần khẳng định vị thế của TPHCM.
Việc xây dựng Bảo tàng là thể hiện mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM về xây dựng một công trình văn hóa chuyên ngành có giá trị tiêu biểu, có quy mô, kiến trúc phản ánh được những đường nét kiến trúc nghệ thuật Việt Nam, cư dân Nam Bộ.
Theo tờ trình, Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất xây Bảo tàng TPHCM rộng 8 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9), được thực hiện từ năm 2020-2025.
Bảo tàng có tổng diện tích khoảng 52.000 m2, gồm khối trưng bày chính (5 chủ đề về vùng đất Sài Gòn từ trước thế kỷ XVII cho đến nay) và khối trưng bày chuyên đề (lịch sử - xã hội; văn hóa - nghệ thuật, nhân vật lịch sử - văn hóa...). Đây cũng là nơi trưng bày có thời hạn các chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị ngoại giao, giới thiệu hiện vật mới... Không gian trưng bày ngoài trời sẽ có các hiện vật thể khối lớn; không gian khám phá sáng tạo dành cho học sinh - sinh viên, thiếu nhi...
Đề án xác định Bảo tàng TPHCM là công trình trọng điểm, cần được áp dụng một số cơ chế đặc thù: Cho phép mời tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, có thể mời tư vấn nước ngoài, đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc để lựa chọn nhưng không tổ chức thi quốc tế.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao, Bảo tàng TPHCM hiện hữu (trên đường Lý Tự Trọng, quận 1) sẽ được đề xuất tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên. Công trình đã xuống cấp nên sắp tới sẽ được trùng tu, cải tạo một số hạng mục cấp thiết nhất, trở thành chi nhánh của bảo tàng mới.
Dự án Bảo tàng TPHCM là một trong những công trình trọng điểm của ngành văn hóa được xác định trong Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TPHCM, thuộc danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2015 của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ trương xây dựng bảo tàng đã có từ những năm 2005-2007. Ban đầu TPHCM dự kiến xây công trình ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Tuy nhiên, do khu đất này chỉ có diện tích 1,8 ha, nên không đảm bảo diện tích.