Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản công nhận ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay Luật Giáo dục ĐH hiện hành chỉ quy định chủ tịch hội đồng trường ĐH công lập là cán bộ cơ hữu của trường; không quy định cụ thể các chức danh khác như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phó các đơn vị trong trường phải là cán bộ cơ hữu của trường...
“Trong phạm vi quan sát của tôi, hầu hết những người quan tâm đến việc thực hiện luật này đều hiểu hiệu trưởng đương nhiên là cán bộ cơ hữu của trường ĐH. Luật cũng đã quy định rõ: hiệu trưởng trường ĐH là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH; là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục ĐH công lập... là đã thể hiện tinh thần trên”, bà Phụng nói.
Hãy trải thảm đỏ…
Theo TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, việc Chủ tịch UBND một tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng của một trường ĐH khá nhỏ, còn ít uy tín là một sự hy sinh và nỗ lực lớn. Điều này cũng đã có tiền lệ khi trước đây, thứ trưởng Bộ Công thương làm hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hay thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khi các trường này vướng phải những vấn đề nội bộ nan giải và là các trường có quy mô rất lớn.
“Nhưng trường ĐH Hạ Long lại không phải như vậy. Là một trường ghép từ một vài trường cao đẳng đi lên nên tất yếu sẽ chưa có một lực lượng mạnh. Có thể tỉnh Quảng Ninh mong muốn có một trường đại học mạnh nên Chủ tịch UBND tỉnh mới phải thân chinh như vậy. Tuy nhiên, có lẽ UBND cũng chưa nghiên cứu kỹ tinh thần Luật Giáo dục ĐH 2018 đã sử dụng quy chế Hội đồng trường để quản trị”, TS. Đàm Quang Minh thông tin.
Từ quan sát của mình, TS. Minh cho rằng hiệu trưởng là chức danh quản lý chuyên môn, không thể lấy chuyên môn của lãnh đạo UBND tỉnh để bù vào. Hơn nữa, hiệu trưởng đương nhiên sẽ nắm các vị trí quan trọng trong trường như chủ tịch hội đồng tuyển sinh, hội đồng khoa học và đào tạo...
Nếu chỉ dựa vào phó hiệu trưởng thường trực (như lý giải của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh) thì các nhiệm vụ không thay thế trên có đạt được hiệu quả không? Mặt khác, mô hình quản trị ĐH Việt Nam đang dần theo thế giới qua Hội đồng trường, nếu tỉnh Quảng Ninh muốn trực tiếp quản trị thì nên qua cơ chế Hội đồng trường. Tỉnh muốn có người giỏi để điều hành thì nên trải thảm đỏ cho các tài năng về làm việc, điều hành.
“Quan trọng nhất của trường ĐH là môi trường học thuật cao, không phải môi trường chính trị. Vì vậy hãy để nó đúng là môi trường học thuật. Hiện nay tính chính trị, tính hành chính trong các trường ĐH là quá thừa, thiếu tính học thuật, đặc biệt các trường địa phương”, TS. Đàm Quang Minh nói.
TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng theo quy định hiện nay, khi Luật Giáo dục ĐH tăng quyền tự chủ cho các trường thì hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng. Ông Nguyễn Văn Thắng là Chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng, nhưng bản thân lại được công nhận làm hiệu trưởng thì hội đồng trường miễn nhiệm ông hiệu trưởng kiểu gì?
Chiều 21/5, trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh câu chuyện công nhận hiệu trưởng trường ĐH Hạ Long, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết trường ĐH Hạ Long là trường công lập trực thuộc UBND tỉnh nên theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành UBND tỉnh có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng. Bộ GD&ĐT đang chờ báo cáo của Trường ĐH Hạ Long và UBND tỉnh Quảng Ninh để hiểu được thực tế của địa phương, từ đó mới có cơ sở để trả lời báo chí về vấn đề này.