Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói về 'món nợ' với công nhân lao động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là món nợ. Cần phải xác định đây là món nợ với người lao động, công nhân của thành phố", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói về vấn đề thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô tại Công ty cổ phần Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói về 'món nợ' với công nhân lao động ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến công nhân đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, hỗ trợ về chính sách vay vốn...

Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay thành phố đang triển khai 58 dự án phát triển nhà ở xã hội (60.000 căn hộ). Thành phố cũng lập chủ trương đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 270ha; hiện đã trình sang Sở KH&ĐT thẩm định được 4/5 dự án. Khi các dự án này triển khai, sẽ có thêm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động.

Ông Phong cũng trao đổi về điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội; được ưu đãi vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Theo ông Phong, thành phố sẽ sớm ban hành cơ chế chính sách để giải quyết triệt để về thủ tục đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu, thủ tục thuê, thuê mua... nhà ở xã hội.

Không vì một trường hợp gian dối rồi bắt cả triệu người phải theo

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề nhà ở với công nhân lao động rất quan trọng, có an cư mới lạc nghiệp. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và thành phố rất quan tâm.

"Chúng ta phải hết sức thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại. Rõ ràng Hà Nội triển khai việc này còn chậm", ông Thanh nêu.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói về 'món nợ' với công nhân lao động ảnh 2

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trò chuyện với công nhân lao động Thủ đô. Ảnh: Viết Thành.

Theo ông Thanh, để tình trạng này xảy ra, ngoài một số nguyên nhân khách quan, còn là "lỗi của chúng ta, lỗi của lãnh đạo thành phố, UBND thành phố, các sở ngành, các quận huyện", bởi kế hoạch, chương trình có rồi nhưng triển khai rất chậm.

"Nhu cầu của người lao động mua, thuê mua cách xa với cung ứng của thành phố, xa lắm. Tôi đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành khác phải đau đáu vấn đề này, với tinh thần xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân, người lao động", ông Thanh nói, đồng thời cho rằng, trong năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công cho được các khu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội theo kế hoạch.

"Đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là món nợ, cần phải xác định đây là món nợ với người lao động, công nhân của thành phố", ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng dành thời gian nói về thủ tục mua nhà ở xã hội. Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng, với thủ tục mua nhà, thuê nhà nên "mạnh dạn có niềm tin lẫn nhau", không thể "vì một trường hợp gian dối rồi bắt cả triệu người phải theo quy trình chặt chẽ, mất rất nhiều thời gian, không xác nhận được".

"Để xác nhận được người này chưa từng mua nhà, chưa sở hữu nhà trên toàn Việt Nam này, khi mà chưa có số hoá thì mất bao công sức, tiền bạc, thời gian. Phải kiểm tra sau, phải tin công nhân, người lao động", ông Thanh nói, đồng thời cho biết, nếu Hà Nội cần cơ chế đặc thù thì nên nghiên cứu đề xuất. Còn với những trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm để không ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người khác...

Báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, thành phố hiện có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Quý 1/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng. LĐLĐ thành phố đánh giá, mức thu nhập này chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... đặc biệt là với công nhân lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất.

Thành phố Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất và một khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Thành phố chỉ có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Theo LĐLĐ thành phố, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, là yêu cầu bức xúc hiện nay. Công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.