Chủ tịch Hà Nội: Dự án ‘thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh phản ánh tình trạng dự án ‘thông được đầu này thì bị chặn các đầu khác’. “Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này”, ông Thanh nói.

Phân cấp, phân chuyển để giảm ngồi 'đôn đốc nhau’

Sáng 21/2, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Bộ KH&ĐT đã chỉ ra những khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp, phân quyền.

Chủ tịch Hà Nội: Dự án ‘thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác’ ảnh 1
Các điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị.

Trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa, ông Thanh cho rằng cần có nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội về phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo ông, hiện giờ một dự án ‘thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác’, chặn về đất đai, về môi trường….

“Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng ‘phải ngồi đôn đốc nhau’ như thế này”, Chủ tịch Hà Nội nêu ý kiến.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, năm 2023, thành phố đã phân bổ gần 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và phân luôn trách nhiệm chính. Thành phố cũng thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội cũng đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng (5,5% kế hoạch năm 2023).

Ngoài kiến nghị về vốn ODA cho nhà máy nước thải Yên Xá, ông Thanh phản ánh còn có dự án đường Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31/12. “Dự án này Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1/2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng xuống Bộ KH&ĐT thẩm định. Báo cáo Thủ tướng việc này quá chậm. Hà Nội đã thông qua, thẩm định và chịu trách nhiệm về con số đó bây giờ chỉ còn lại thủ tục và quy trình đang quá chậm”, ông Thanh phản ánh.

Liên quan đến Luật Đầu tư công, theo ông Thanh, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng - đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, Hà Nội nhiệm kỳ này chỉ có 250.000 tỷ vốn đầu tư công, số tiền này chỉ có thể bố trí cho 5-7 công trình, mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.

“Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà Hội đồng Nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn”, ông Thanh kiến nghị.

Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức thực hiện chậm

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư công, đó là nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm, hưởng đến tiến độ xây lắp; giá vật liệu tăng…

“Lần họp trước TPHCM đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đã tiến hành xem xét trách nhiệm các đồng chí đứng đầu các tổ chức còn triển khai chậm”, ông Mãi cho biết.

Chủ tịch Hà Nội: Dự án ‘thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác’ ảnh 2

Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Năm 2023, rút kinh nghiệm của năm 2022, ông Mãi cho biết, TPHCM được phân bổ vốn là 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỷ vốn của địa phương. Đến nay thành phố đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương, còn vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, còn 26.000 tỷ đồng.

Như vậy đến nay đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỷ đồng, còn 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỷ đồng, TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện và đến cuối tháng 3/2023, HĐND TPHCM sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương.

Đối với các công trình trọng điểm chủ yếu có vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, việc phối hợp với các đơn vị để di dời điện, nước, viễn thông, ông Mãi cho biết, cuối năm 2022 đã giải quyết những nút thắt này để đến năm 2023 đẩy nhanh tiến độ thực hiện hơn.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.