Chủ tịch Bartomeu biến Barca thành “gánh xiếc” như thế nào?

Messi là nạn nhân của chiến dịch Barcagate
Messi là nạn nhân của chiến dịch Barcagate
TP - Sáu quan chức cấp cao Barcelona đồng loạt từ chức gây nên cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử đội bóng xứ Catalan. Đây là hậu quả của một loạt bê bối có dính líu tới chủ tịch Josep Bartomeu.

Josep Maria Bartomeu đã kế nhiệm Sandro Rosell làm chủ tịch câu lạc bộ (CLB) Barcelona vào năm 2014, sau khi ông này buộc phải từ chức do những cáo buộc gian lận tài chính trong thương vụ mua Neymar từ Santos trước đó một năm. Thật trùng hợp khi những bê bối hiện tại của Bartomeu cũng liên quan đến tiền đạo người Brazil, người đã gia nhập Paris Saint-Germain vào năm 2017.

Cấm cửa Neymar và sa thải HLV Valverde

Lãnh đạo CLB Barcelona được cho là cố gắng mang Neymar trở lại Barcelona vào mùa hè năm ngoái, nhưng không có thỏa thuận nào được đưa ra khiến cho đội trưởng Lionel Messi và nhiều cầu thủ thất vọng. Mối quan hệ giữa Bartomeu và một số lãnh đạo, cùng các cầu thủ “nổi sóng ngầm” kể từ đó, khi nhiều người nhận ra rằng vị chủ tịch Barcelona chưa bao giờ có ý định đưa Neymar trở lại Nou Camp.

Mâu thuẫn ngày càng “tăng nhiệt”, sau khi ông Bartomeu sa thải HLV Ernesto Valverde hồi đầu năm do thành tích đi xuống, mà không có bất kỳ một cuộc họp nào để bàn về các ứng viên thay thế. HLV kế nhiệm Quique Setien sau đó thừa nhận ông rất ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ Bartomeu với nội dung mời ông ngồi vào chiếc ghế nóng đang trống tại Nou Camp, chỉ vài ngày trước khi Barcelona công bố có tân thuyền trưởng.

Khoảng thời gian sau đó, giới truyền thông liên tục đưa tin về chính sách độc đoán của Bartomeu trong thị trường chuyển nhượng. Vị chủ tịch Barca được cho là không tích cực chạy đua tăng cường lực lượng, trong bối cảnh những trụ cột như Luis Suarez, Ousmane Dembele…đều dính chấn thương.

Binh biến “Barcagate”

Barcelona rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự sau khi 6 thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo, gồm 2 phó chủ tịch Emili Rousand và Enrique Tombas cùng 4 giám đốc Silvio Elias, Maria Teixidor, Josep Pont và Jordi Clasamiglia, bất ngờ tuyên bố từ chức tối 9/4. Đơn từ chức của 6 quan chức Barca có đề cập “Barcagate” - vụ việc được xem như nguồn cơn khủng hoảng ở CLB.

Hồi tháng 2, truyền thông Tây Ban Nha đồng loạt đưa tin ban lãnh đạo Barcelona, đứng đầu là chủ tịch Bartomeu, trả tiền cho công ty truyền thông I3 Ventures để bôi nhọ các cầu thủ trụ cột như Lionel Messi, Gerard Pique; các cựu danh thủ như Xavi, Pep Guardiola. Những người đang có ý định tranh cử vào ghế chủ tịch của Barca như Victor Font Joan Laporta, Agusti Benedito hay Jaume Roures cũng trở thành mục tiêu của chiến dịch bôi nhọ.

Barcelona sau đó thừa nhận việc thuê I3 Ventures từ năm 2017 và trả 6 hóa đơn khác nhau với tổng cộng chi phí gần 1 triệu euro. Tuy nhiên, chủ tịch Bartomeu phủ nhận hoàn toàn việc dính líu đến “Barcagate”, đồng thời tuyên bố sẽ tìm ra kẻ chủ mưu làm rò rỉ những thông tin nội bộ của đội bóng.

Trong vụ “Barcagate”, Messi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với những tin đồn xung quanh vụ chuyển nhượng Antoine Griezmann, “bật” giám đốc thể thao Eric Abidal, gần nhất là “cầm đầu” nhóm cầu thủ Barcelona chống đối việc cắt giảm tiền lương. Ngôi sao người Argentina đã không kiềm chế được cơn tức giận và phải viết lên trang cá nhân bày tỏ nỗi niềm.

Tham quyền cố vị

Kênh ESPN miêu tả cuộc khủng hoảng ở Barcelona như một cuộc chiến vương quyền, mà ở đó các lãnh đạo thượng tầng không từ mọi thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, Chủ tịch Bartomeu không hề có ý định từ chức và đang thể hiện rõ tham vọng cải tổ ban lãnh đạo Barcelona. Sáu lãnh đạo cấp cao vừa từ chức chỉ là một phần trong cuộc thanh trừng nội bộ ở Nou Camp. Theo thống kê, tổng cộng 12 quan chức Barcelona từ chức hoặc bị sa thải kể từ khi Bartomeu lên nắm quyền vào năm 2015.

Ông Bartomeu sẽ hết nhiệm kỳ Chủ tịch Barcelona vào tháng 6/2021. Theo quy định, ông không thể tiếp tục ứng cử sau khi đã làm đủ hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, Bartomeu hoàn toàn có thể trở thành ngoại lệ, trong trường hợp Barcelona không tìm được người đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chuẩn.

Hôm qua, chủ tịch Bartomeu thông qua giới truyền thông chỉ đích danh phó chủ tịch Emili Rousaud vu cáo ông cùng các cộng sự. Phản ứng lại, Emili Rousaud tuyên bố “hãy nói chuyện mặt đối mặt với nhau, đừng sử dụng truyền thông để che đậy những hành động không minh bạch”.

Cuộc đấu đá nội bộ ở thượng tầng Barcelona, dù có kết quả như thế nào, thì những ảnh hưởng đối với đội bóng là điều thấy rõ. Trước tiên là hình ảnh và uy tín của đội bóng, trong tương lai có thể là ở khía cạnh chuyên môn.      

MỚI - NÓNG