Chú rể Thái Bình đem xe rùa chở sính lễ khiến nhà gái ngỡ ngàng

0:00 / 0:00
0:00
Một số người cho rằng, chú rể Thái Bình làm ngành nghề liên quan đến xây dựng nên mới đi hỏi vợ bằng xe rùa.

Sáng 7/10, cô dâu Nguyễn Hải Yến (23 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) cùng người thân hồi hộp ngóng chờ đoàn nhà trai sang thực hiện các nghi lễ ăn hỏi.

Nhà Yến cách nhà trai chỉ hơn 500m nên cô nghĩ chắc đoàn nhà trai sẽ đi bộ, các tráp lễ vì thế cũng được bê trên tay sang nhà gái.

Tuy nhiên, đến giờ đẹp, Yến cùng các vị đại diện trong họ, bố mẹ và người thân thấy từ xa một đoàn xe rùa được các chàng trai mặc áo dài di chuyển hàng dọc đẩy sang. Trên xe là những sính lễ trầu cau, hoa quả, bánh, thuốc lá…

Nhìn cảnh ấy, cô dâu cùng nhà gái vô cùng bất ngờ. Ai nấy đều ngỡ ngàng không nghĩ nhà trai lại đưa sính lễ đến theo cách độc đáo như vậy.

Chia sẻ về ý tưởng này, chú rể Ngô Văn Quang (30 tuổi) cho biết: "Do nhà tôi và nhà bạn gái chỉ cách nhau 500m. Nếu đi ô tô thì không hợp lý mà đi bộ bê tráp thì cũng không ổn.

Các tráp lễ ở quê tôi rất nặng, nếu một người bê đi bộ chỉ một đoạn sẽ mỏi, không thể đi tiếp được. Vì vậy, tôi nghĩ ra cách thuê xe rùa để chở các sính lễ".

Chú rể Thái Bình đem xe rùa chở sính lễ khiến nhà gái ngỡ ngàng ảnh 1

Đoàn xe rùa chở sính lễ trong đám cưới (Ảnh: N. Q).

Quang giữ kín chuyện này với nhà gái và xin ý kiến của mẹ mình. Mẹ anh lo lắng cách dẫn lễ như vậy có hơi khác thường, sợ hàng xóm bàn luận, dị nghị. Tuy nhiên, sau khi nghe anh thuyết phục, người mẹ đã đồng ý.

Để triển khai ý tưởng, Quang tìm thuê 7 chiếc xe rùa mới. "Khi nghe tôi trình bày muốn thuê xe rùa về để chở sính lễ nhiều người bán hàng đã từ chối.

Rất may sau đó tôi được một bác chủ hàng trong huyện đồng ý cho mượn vì thích ý tưởng của tôi. Bác ấy không lấy tiền nhưng sau đó tôi vẫn cảm ơn bác một chút để thể hiện tấm lòng của mình".

Thuê được xe rùa, Quang đem về nhà tháo rời từng bộ phận, thay đổi màu sơn từ xanh sang đỏ cho hợp với đám ăn hỏi. Anh cũng cẩn thận lắp thêm biển số với những dãy số đẹp để tạo điểm nhấn cho chiếc xe.

Chú rể Thái Bình đem xe rùa chở sính lễ khiến nhà gái ngỡ ngàng ảnh 2

Chú rể bên dàn xe chở sính lễ độc, lạ (Ảnh: N. Q).

Ngày 7/10, Quang nhờ 7 người bạn phụ trách 7 xe rùa. Họ dễ dàng vận chuyển các sính lễ có trọng lượng lớn qua nhà gái mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

"Tôi giữ kín mọi chuyện với nhà gái nên khi sang đến nơi mọi người rất bất ngờ. Nhìn những chiếc xe trang trí đẹp mắt, ai cũng thích thú, hưởng ứng", Quang chia sẻ.

Hình ảnh về đoàn dẫn lễ độc, lạ của chú rể Ngô Văn Quang sau đó được quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.

Nhiều cư dân mạng đã dành lời khen ngợi cho sự sáng tạo của chú rể. Hình ảnh giản dị nhưng vẫn để lại ấn tượng với nhiều người.

Anh Đỗ Văn Huy (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cũng cưới vợ gần nhà 500m, đi ô tô không được mà đi bộ bê tráp thì mệt. Chú rể đúng là quá sáng tạo khi nghĩ ra cách này".

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng việc dùng xe rùa trong đám hỏi chưa phù hợp với nghi lễ truyền thống mang tính trang trọng của người Việt Nam.

Chú rể Thái Bình đem xe rùa chở sính lễ khiến nhà gái ngỡ ngàng ảnh 3

Cặp đôi rạng rỡ trong ngày hạnh phúc (Ảnh: N. Q).

Một số người lại đoán chắc hẳn chú rể làm chủ thầu xây dựng hay kinh doanh vật liệu xây dựng nên mới đi hỏi vợ bằng xe rùa. Tuy nhiên, anh Quang cho biết, anh là một thợ chụp ảnh còn vợ đi xuất khẩu lao động mới về nước.

Cả hai trải qua quãng thời gian yêu xa nhiều năm. Khi Hải Yến hết hạn hợp đồng về nước, gia đình hai bên đã nhanh chóng bàn bạc, tổ chức lễ thành hôn.

Cũng theo chú rể, anh rất bất ngờ khi đám hỏi nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội. Bên cạnh những lời khen, Quang cũng không quá bận tâm đến những ý kiến trái chiều bởi anh cho rằng, mỗi người đều có cách suy nghĩ khác nhau.

Phương án anh lựa chọn là phù hợp với điều kiện của hai gia đình và sau cùng đôi bên ai cũng vui vẻ, ủng hộ.


Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/chu-re-thai-binh-dem-xe-rua-cho-sinh-le-khien-nha-gai-ngo-ngang-20231010094945871.htm

Theo Hồng Anh/Dân trí
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.