Chủ nhà Hà Nội bỏ tiền thuê vứt chậu trồng rau sau một năm

Nếu không có kinh nghiệm, bạn không nên trồng rau ở những nơi nhỏ hẹp như ban công. Ảnh minh họa: HL.
Nếu không có kinh nghiệm, bạn không nên trồng rau ở những nơi nhỏ hẹp như ban công. Ảnh minh họa: HL.
Khi ban công ngày càng trở nên nhem nhuốc, chị Hòa quyết định từ bỏ giấc mộng làm vườn rau ở chung cư. Chị Hòa phải thuê người khuân gần chục khay đất từ tầng 11 xuống và sửa chữa tường bị ngấm do nước tưới cây.

Khi có con trai tới độ tuổi ăn dặm, chị Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quan tâm nhiều hơn tới nguồn rau sạch cho con. Xem trên mạng thấy nhiều người ở thành phố trồng đủ rau ăn quanh năm, chị cũng muốn tự mình làm khoảng vườn nhỏ. Gia đình ở căn chung cư tầng 11, ban công rộng 4 m2 nên hy vọng có đủ rau để nấu cho con.

Giữa năm 2016, chị mua 3 khay nhựa, đất sạch, phân bón để bắt đầu trồng rau. Ban đầu, chị thử trồng mồng tơi, rau ngót Nhật... cây lên xanh tốt. Có thêm động lực, chị đi mua thêm 4 khay loại tốt nhất và vài bao đất. Cũng vừa dịp gần sang đông, chị thử nghiệm trồng thêm rau cải, rau dền.

Tuy nhiên, dù ban công căn hộ đầu hồi có nắng sớm nhưng các cây rau không phát triển như ý muốn. Rau dền chưa mọc được gang tay đã già và cứng. Còn rau cải èo uột, trên lá ngoằn nghèo sâu vẽ bùa. Chị Hòa cũng pha nước trừ sâu tự chế bằng rượu, tỏi, ớt... nhưng thấy không hiệu quả.

Sau khi phải nhổ bỏ các cây sâu bệnh, chị chỉ lựa những cây dễ trồng như ngót Nhật, mồng tơi. Nhưng dần dần, chị thấy cũng chán vì không thể ăn mãi một vài loại. Có những khay đất bỏ trống, chị cắm phần củ hành, sả, tỏi... để trồng, lá lên xanh um nhưng cũng không sử dụng nhiều.

Thu hoạch được lượng rau quá ít, chị Hòa còn đau đầu với việc tưới nước. Ban công nhỏ nên các khay kê gần sát với tường. Khi tưới, nước hay bị bắn vào tường khiến các mảng vữa bở, phồng lên. Bởi vậy, chị phải tưới hết sức cẩn thận, từng chút một.

Một năm trôi qua, khu vườn vẫn èo uột dù mỗi ngày đều được tưới nước gạo. Nhiều lúc cảm thấy chán nản, chị nghĩ: "Giá cây héo hết để nhổ bỏ luôn". Nhưng rồi dù cây không xanh tốt nhưng cũng chưa lụi hẳn nên chị thấy không nỡ.

Khi ban công ngày càng trở nên nhem nhuốc, chị Hòa quyết định từ bỏ giấc mộng làm vườn rau ở chung cư. Chị thuê thợ tới sửa phần ban công bị bong tróc hết khoảng 400.000 đồng. Sau đó, chị bỏ thêm 120.000 đồng, nhờ họ khuân giúp số khay rau xuống dưới bãi tập kết rác.

Nhìn ban công quang đãng, chị Hòa cảm thấy thoải mái hơn hẳn. Chị dự định sẽ dành toàn bộ không gian này để làm chỗ ngồi chơi, thư giãn. Ở đó sẽ có một bộ bàn ghế nhỏ, thêm một chậu cây xanh hoặc vài giỏ hoa trang trí, không tốn nhiều công chăm sóc.

Cũng như chị Hòa, nhiều gia đình ở thành phố vội vàng làm vườn mà không cân nhắc kỹ điều kiện của nhà mình. KTS Ngọc Anh chia sẻ, với diện tích ban công quá nhỏ (4 m2), chỉ có những người giàu kinh nghiệm, ham tìm hiểu mới nên làm vườn rau.

Để trồng rau ăn, bạn không chỉ phải tìm chỗ kê khay mà còn phải lo nơi phơi đất, để nguyên vật liệu... Ngoài ra, việc tưới nước không cẩn thận cũng gây ẩm thấp sàn, tường. Khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ tự ủ từ rau củ quả, mùi hôi sẽ bốc vào trong nhà... 

Với chung cư, ban công là khoảng không hiếm hoi giúp lấy sáng, thông gió cho căn nhà. Nhiều căn hộ chỉ có duy nhất một ban công để đón nhận nắng gió tự nhiên. Bởi vậy, bạn nên để không gian này thông thoáng. Nếu thích trồng cây, bạn bố trí các loại cây cảnh, hoa lá vừa đẹp vừa tốn ít công chăm sóc.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG