Chữ hiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi có quen anh M, vốn là một cán bộ làm việc trong trại cai nghiện. Cuộc đời anh gắn với công việc giúp đỡ những con người sa ngã trở lại với cuộc sống bình thường và thời gian anh ở trong bức tường trại cai nghiện nhiều hơn ở ngoài. Cách đây mấy năm, nhận quyết định hưu, anh ra nước ngoài định cư cùng gia đình...

Năm ngoái, dù biết tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nhưng nghe tin cô ruột qua đời, anh từ nước ngoài về chịu tang, rồi mắc kẹt lại do chưa có chuyến bay khứ hồi. Thật không may, anh chưa tiêm vắc xin thì mắc phải COVID-19 và qua đời trong bệnh viện dã chiến. Nghe câu chuyện, ai cũng thương và thêm kính trọng anh. Vì chữ hiếu với người cô, anh đã vượt nửa vòng trái đất trở về để tiễn đưa cô, rồi bản thân cũng vĩnh viễn nằm lại quê hương trong đại dịch.

Cách đây vài hôm, tôi ghé Công viên Tao Đàn xem mọi người tập thể thao khi thành phố dần bình thường trở lại. Công viên những ngày giãn cách chỉ có chim chóc, nay đã thấp thoáng từng nhóm người giữ cự ly hai mét đi bộ tập thể dục. Cuộc sống trong thành phố đã hồi sinh, bắt đầu từ những công viên.

Bất giác, tôi thấy sau lùm cây, một chị cắt cỏ là nhân viên của Công ty Công viên cây xanh đang làm đẹp cho Công viên Tao Đàn. Thấy nhà báo, chị cũng gượng cười, nhưng lại bảo: “Chúng tôi ăn ở trong công viên, thực hiện 3 tại chỗ để giữ gìn làm đẹp công viên cả tháng nay. Mọi người đều vui khỏe trở lại công viên, đó là điều ai cũng mừng”.

Lặng thinh một phút, người công nhân môi trường với màu áo xanh bạc màu nói: “Tôi quê ở Cần Thơ. Tháng trước mẹ tôi qua đời vì bệnh già. Tôi nghe tin buồn lắm, nhớ thương mẹ vô cùng, nhưng vì giãn cách xã hội, không có xe cộ đi lại, mà nếu về thì phải cách ly 14 ngày, việc tang cũng xong cả rồi. Tôi không về chịu tang được, lòng dạ vẫn còn ngẩn ngơ”. Chị lại bảo: “Bây giờ lo phục vụ mọi người tới tập thể dục trong công viên trước đã! Công việc thư thả, tình hình dịch bệnh tại đồng bằng được kiểm soát, tôi sẽ xin nghỉ phép công ty để về quê ra mộ thắp hương cho mẹ”.

Chị Th. là cựu tuyển thủ bóng đá nữ, hiện là huấn luyện viên cho bóng đá nữ TPHCM. Những ngày giãn cách xã hội, mẹ chị bị bệnh, nhưng không báo cho con, hẳn bà cụ sợ con lo lắng vả lại giãn cách đi lại cũng khó khăn.

Chị Th. nghe tin báo mẹ mất như sét đánh ngang tai. Chị viết: “Mẹ không cho chúng con biết mẹ bệnh, mẹ đã làm cho chúng con trở thành kẻ bất hiếu, một kẻ tội đồ. Mẹ hạnh phúc rồi đó vì mẹ đã về với ba, bỏ lại chúng con bơ vơ mẹ ơi... Trước hương hồn của mẹ con xin nói lời xin lỗi...”.

Chị Th. biết tin mẹ mất quá đỗi bất ngờ, tới nỗi gia đình cũng không có được một tấm ảnh thờ vì các hiệu ảnh đều đóng cửa cả! Sau cái lư hương chỉ có một tấm giấy học trò viết tên bà cụ. Lúc mất, quanh cụ không có ai.

Thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh, đi lại đã dễ dàng hơn. Chị Th. bấy giờ mới chia sẻ dòng tâm trạng: “Sau 59 ngày mẹ mất, giờ con đã về mẹ ơi!”.

Chị Th. về để thắp hương cho mẹ, rồi vội trở lại tập trung cùng đội bóng đá nữ. Vì giờ chị Th. cũng như là người chị, người mẹ của các nữ cầu thủ trẻ. Họ không thể thiếu chị trên sân cỏ cũng như trong đời thường.

Dịch bệnh được khống chế, các trận đấu bóng đá sẽ sớm quay trở lại và chị Th. lại tần tảo trùm kín khăn chống nắng, chạy khắp trên sân cỏ dìu dắt đám em nhỏ tập luyện bóng đá trong thành phố đang hồi sinh.

MỚI - NÓNG