Tiếp bài “Dân kêu trời vì ô nhiễm từ cụm công nghiệp: Vòng vo trách nhiệm”:

Chủ đầu tư chưa đủ khả năng xử lý hết nước thải

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Nguyên Khê hiện đã quá tải Ảnh: P.V
Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Nguyên Khê hiện đã quá tải Ảnh: P.V
TP - Liên quan đến bài viết “Dân kêu trời vì ô nhiễm từ cụm công nghiệp: Vòng vo trách nhiệm” (đăng ngày 24/11/2018), chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội thừa nhận chưa đủ khả năng xử lý hết nước thải, đang phải đầu tư mở rộng hệ thống xử lý.

Ông Tô Văn Năm, đại diện Liên danh Cty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam và Cty Cổ phần Đông Thành Hà Nội (chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) xác nhận việc nước thải từ trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp có màu đen như Tiền Phong phản ánh là đúng. Theo ông này, nguyên nhân do lượng nước thải đổ về lớn hơn công suất của trạm xử lý nước thải. “Công suất thiết kế của trạm xử lý nước thải tập trung là 1.000 m3/ngày. Chúng tôi đã hoạt động hết công suất suốt ngày đêm nhưng vẫn chưa xử lý hết”, ông Năm nói.

Trong đó, Cty Cổ phần sản xuất giấy Miza, doanh nghiệp có lượng nước thải lớn nhất cụm công nghiệp này tăng công suất vào dịp cuối năm nên lượng nước thải lớn hơn so với những ngày trước đó. Ông Lê Văn Hiệp, Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần giấy Miza cho biết, công ty đã chấp hành việc đấu nối toàn bộ nước thải vào trạm xử lý nước thải tập trung, chi phí khoảng 300 triệu đồng/tháng, việc giải quyết nước thải phụ thuộc vào trạm xử lý nước thải của cụm công nghiệp Nguyên Khê.

Ông Tô Văn Năm cho biết, để khắc phục, chủ đầu tư cụm công nghiệp đã đề nghị Cty Cổ phần giấy Miza tạm thời giảm xả thải, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước thải như đã ký kết (Có thời điểm, chủ đầu tư còn yêu cầu Cty giấy Miza tạm dừng sản xuất để xử lý toàn bộ nước thải tồn đọng - PV). Ngoài ra, chủ đầu tư Cụm công nghiệp này đang xây dựng trạm xử lý nước thải mới có công suất khoảng 2.500 m3/ngày, đến đầu năm 2019 mới hoàn thành. Ông Năm cũng đề nghị huyện Đông Anh tách đường cống xả thải của cụm công nghiệp với cống nước thải sinh hoạt của người dân để phát hiện và xử lý vi phạm trong xả thải sau này.     

Ông Ngô Đăng Dũng, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh đánh giá, hồ Gạch Bun rộng khoảng 5ha (nơi tiếp nhận nước thải từ Cụm Công nghiệp Nguyên Khê) đã trở thành “điểm đen” về ô nhiễm. Hiện UBND xã Nguyên Khê đã đào một hệ thống mương tránh để khoanh vùng ô nhiễm hồ này. Thời gian tới, huyện Đông Anh đề xuất TP Hà Nội phương án làm sạch hồ Gạch Bun, tránh ảnh hưởng đến các ao, hồ lân cận.

MỚI - NÓNG