Chuyển biến chậm tại nhiều địa phương
Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động ngành Nội chính Đảng năm 2017, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (T.Ư) nêu rõ, trong năm qua, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; các vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan, sai hoặc chưa được xử lý nghiêm. Ban Nội chính T.Ư cũng tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai 8 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại 20 địa phương. Kết quả đã đưa ra 55 nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 157 vụ việc, vụ án.
Bên cạnh đó, ngành nội chính tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; khẩn trương kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số tỉnh vẫn “còn lạnh” chưa chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”.
Đội ngũ trong sạch mới chống được tham nhũng
Về nhiệm vụ năm 2018, ông Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội chính Trung ương sẽ kiểm tra, rà soát kết quả thanh tra, kiểm toán một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt, kịp thời hơn nữa trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, các vụ án có dấu hiệu oan sai, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Ban Nội chính cũng tham gia phối hợp cùng các ngành chỉ rõ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng để loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, kể cả cán bộ hư hỏng trong ngành Nội chính.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị ngành nội chính cần tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và các tỉnh, thành ủy tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; có giải pháp xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt” trong xã hội. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp để thất thoát, thua lỗ kéo dài dư luận xã hội quan tâm, những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ông Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, ngành Nội chính Đảng phải kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. “Xây dựng đội ngũ thực sự trong sạch thì chúng ta mới đấu tranh chống tham nhũng được, mới đấu tranh phòng, chống tội phạm được”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói và đề nghị cần phải hết sức quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính.