Chống sốt giá do tâm lý

Giá cả các mặt hàng rau củ quả tăng khiến người đi chợ lo lắng Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá cả các mặt hàng rau củ quả tăng khiến người đi chợ lo lắng Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh việc chống sốt giá do tâm lý tại cuộc họp trực tuyến sáng 3-12 với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả.
Giá cả các mặt hàng rau củ quả tăng khiến người đi chợ lo lắng Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá cả các mặt hàng rau củ quả tăng khiến người đi chợ lo lắng.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đảm bảo đủ hàng dịp Tết

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn được đảm bảo.

Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng... đã được chuẩn bị đầy đủ cho những tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, lượng gạo dự trữ hiện nay tới trên 1 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Lượng đường cũng sẽ đảm bảo đủ cung cho dịp Tết khi dự trữ đã đạt 39.000 tấn, đó là chưa kể đến lượng nhập khẩu 90.000 tấn theo kế hoạch.

Tuy nhiên, giá rau có thể tăng vì một số nơi sản xuất bị thiệt hại nặng do thiên tai. “Cân đối tổng thể nền kinh tế là không thiếu hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán, thậm chí là sau Tết một vài tháng”- Lãnh đạo Bộ KH&&ĐT cho biết.

Bà Thoa cho biết thêm, hệ thống bán lẻ được mở rộng và nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong kho đã được chuẩn bị chu đáo cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm. Tại các địa phương có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, TPHCM, các chương trình bình ổn thị trường đã được sớm tung ra với mức vốn hỗ trợ lên tới 880 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tại Hà Nội có 360 điểm bán hàng bình ổn giá. Các cửa hàng bình ổn đều có nhận diện riêng và bán giá thấp hơn từ 10- 15% so với giá thị trường cùng thời điểm.

Áp lực tăng giá đối với một số mặt hàng là khó tránh khỏi do ảnh hưởng bởi giá thế giới và biến động tỷ giá. Việc tăng giá thời gian qua chủ yếu do yếu tố đầu vào (nguyên, nhiên, vật liệu) thế giới tăng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là hiện tượng tăng giá cục bộ do một số đối tượng đầu cơ lợi dụng tình hình và yếu tố tâm lý của người tiêu dùng.

Đặc biệt, một số mặt hàng không bị ảnh hưởng nhưng người ta cũng lợi dụng việc giá vàng, USD biến động để tăng giá bất hợp lý. “Không thể lấy lý do giá vàng tăng để đẩy giá bán rau lên”- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, nói.

Chưa có cơ chế kiểm soát độc quyền

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Yếu tố tâm lý có vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá. Bởi, nhiều khi người dân thấy giá vàng tăng cao thì cũng đẩy giá hàng lên theo. Phó Thủ tướng cho rằng, việc triển khai của các cấp, các ngành trong việc bình ổn giá chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về giá bán hàng hóa...

“Số vụ vi phạm về giá được xử lý chiếm tỷ lệ chưa tới 10% tổng số vụ vi phạm về quản lý thị trường. Điều này chứng tỏ kiểm soát giá chưa làm tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế kiểm soát độc quyền và hệ thống phân phối hiệu quả”- Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Chính quyền cơ sở vẫn chưa thể hiện vai trò tương xứng. Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý. Thậm chí, còn có hiện tượng độc quyền như đối với mặt hàng sữa bột ngoại; chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như phân bón, thuốc chữa bệnh, xi măng, sắt thép.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới vẫn là mục tiêu hàng đầu, do vậy các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các địa phương chịu thiệt hại sau bão lụt vừa qua.

Phó Thủ tướng đồng ý hoãn thu lệ phí đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm được quy định tại Thông tư 136 của Bộ Tài chính theo đề nghị của các địa phương. Bộ Công Thương và các địa phương phải theo dõi thường xuyên cung cầu hàng hóa, cân đối nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra sốt giá thị trường. Bộ Tài chính có trách nhiệm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính thị trường giá cả, trình Chính phủ thông qua để có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ liên kết tổ chức kiểm tra, giám sát chống độc quyền tăng giá trục lợi. Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường và các ban quản lý chợ trong kiểm soát giá cả. Nếu để xảy ra tăng giá bất hợp lý trong phạm vi phụ trách phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các trường hợp sốt giá bất hợp lý hoặc thông tin không chính xác gây sốt giá phải được điều tra rõ, xử lý nghiêm khắc và công khai để làm gương.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nguyên nhân tâm lý sở dĩ tác động mạnh đến diễn biến thị trường vì nhiệm vụ kiểm soát, thông tin, định hướng thị trường chưa được các bộ, ngành, địa phương làm tốt, nhất là tháng 11 vừa qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG