Chống địch đổ bộ bờ biển, chiếm đảo thế nào?

Chống địch đổ bộ bờ biển, chiếm đảo thế nào?
TPO - Trong giai đoạn hiện nay, khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh có giới hạn nhằm thôn tính chiếm đoạt một số các khu vực biển có tiềm năng kinh tế, chính trị rất lớn.

Chống địch đổ bộ bờ biển, chiếm đảo thế nào?

> Cận cảnh lính đặc công đổ bộ đường không

> Trở về từ hải chiến Trường Sa: Vật lộn mưu sinh 

TPO - Trong giai đoạn hiện nay, khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh có giới hạn nhằm thôn tính chiếm đoạt một số các khu vực biển có tiềm năng kinh tế, chính trị rất lớn.

Tiền Phong trân trọng giới thiệu kinh nghiệm của lực lượng phòng thủ bờ biển và hải đảo được hình thành trong biên chế cơ cấu tổ chức lực lượng của hải quân Nga, có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ vùng biển, lãnh hải, hải đảo và những khu vực, vùng nước thuộc chủ quyền quốc gia.

Cơ cấu biên chế tổ chức của lực lượng phòng thủ bờ biển và hải đảo của hải quân Nga bao gồm: Lực lượng pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển, Lực lượng lính thủy đánh bộ, Các đơn vị phòng thủ bờ biển và hải đảo.

Những tính chất chiến thuật chủ yếu của lực lượng phòng thủ bờ biển:

Năng động và linh hoạt cao độ trong tác chiến, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao độ trong cà thời bình và thời chiến, có khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác quân chủng khi chiến đấu từ hướng biển.

Tính chiến đấu kiên định, vững chắc bền vững, hỏa lực mạnh; Tính cơ động linh hoạt cao độ; Không quá lệ thuộc vào hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến của hải quân, hạm đội và hệ thống phòng thủ quốc gia.

Điểm yếu của lực lượng phòng thủ bờ biển là: Cần có hệ thống đảm bảo C4I2 được tự động hóa cao độ và hệ thống hậu cần kỹ thuật ổn định, khoa học để có khả năng tác chiến dài ngày, ổn định và tăng cường sức mạnh, đặc biệt quan trọng là hệ thống thông tin trinh sát, tình báo, chỉ thị mục tiêu.

Lực lượng pháo tên lửa phòng thủ bờ biển – hải đảo

Yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng pháo binh –tên lửa phòng thủ bờ biển, hải đảo bao gồm:

Tiêu diệt các chiến hạm, các đoàn tầu vận tải, congvoa quân sự, các đơn vị lực lượng đổ bộ đường biển của đối phương; Hỏa lực yểm trợ, bảo vệ các khu vực bờ biển và hải đảo, các căn cứ quân sự các hải cảng ven biển của hải quân và hạm đội, bảo vệ các tuyến đường vận tải ven bờ và các tập đoàn quân binh chủng hợp thành tác chiến trên đảo hoặc ven biển, phòng thủ từ hướng biển, chiến đấu với các chiến hạm nổi của đối phương;

Tấn công phá hủy, tiêu diệt các căn cứ hải quân, các hải cảng của đối phương; Tiêu diệt và đè bẹp chế áp binh lực và các phương tiện hỏa lực của đối phương trên bờ biển lục địa và hải đảo.

Lực lượng lính thủy đánh bộ: Là lực lượng bộ binh có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ, đánh chiếm các khu vực bờ biển hoặc đảo, quần đảo. Lực lượng lính thủy đánh bộ có thể tác chiến độc lập hoặc nằm trong đội hình tác chiến tập đoàn quân binh chủng hợp thành của lục quân hoặc lực lượng đổ bộ đường không.

Mục tiêu chiến đấu của lính thủy đánh bộ trong tác chiến đổ bộ đường biển là: Đánh chiếm khu vực bàn đạp đầu cầu, là lực lượng chủ lực đột phá thế đội 1 đánh chiếm lại các căn cứ hải quân, đảo, quần đảo; Hiệp đồng tác chiến cùng với lực lượng lục quân, tấn công trên hành lang công kích từ hướng biển; Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt bảo vệ các lực lượng hải quân hạm đội khi neo đậu..

Nhiệm vụ của lính thủy đánh bộ

Đánh chiếm các khu vực đổ bộ, triển khai và giữ vững các bãi đổ bộ đầu cầu, bảo vệ chắc chắn khu vực đổ bộ. Đánh chiếm các tuyến chiến đấu và các hỏa điểm, mục tiêu quan trọng trên bờ biển và hải đảo, bảo vệ chắc chắn và đợi lực lượng chủ yếu của hải quân và lục quân tiếp chiến, đánh chiếm cầu tầu, bến cảng, khu căn cứ hải quân của đối phương, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng trên bờ biển, hải đảo như (đài radar trinh sát, đài điều khiển, hệ thống sở chỉ huy đối phương dọc ven biển, các trận địa vũ khí công nghệ hiện đại, vũ khí chính xác, vũ khí có tầm bắn xa, sức hủy diệt lớn, các trận địa tên lửa phòng không, tên lửa đánh chặn tên lửa, các sân bay ven biển của đối phương.

Phối hợp với các lực lượng vũ trang khác (biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng lục quân) tiến hành các chiến dịch chống đổ bộ đường biển trên mọi hướng, tiến hành các hoạt động đổ bộ từ phía biển tấn công vào đội hình đổ bộ của đối phương trên đảo hoặc ven biển;

Các đơn vị binh chủng hợp thành của lính thủy đánh bộ: Lữ đoàn, sư đoàn. Các phân đội lính thủy đánh bộ: trung đoàn, tiểu đoàn.

Lực lượng pháo binh - tên lửa phòng thủ bờ biển - hải đảo

Các phân đội cơ bản của lực lượng pháo binh – tên lửa bảo vệ bờ biển là các trung đoàn tên lửa bờ biển, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ độc lập tác chiến đến 300 km theo chiều rộng tuyến phòng thủ và chiều sâu..

Trung đoàn tên lửa bờ biển có cơ cấu biên chế: Phân đội chỉ huy tham mưu tác chiến, các đơn vị tên lửa, đơn vị bảo đảm hậu cần kỹ thuật. Phụ thuộc vào vũ khí trang bị, biên chế tổ chức, trung đoàn tên lửa bờ biển có thể là trung đoàn chiến đấu cơ động hoặc cố định tại chỗ, tầm xa, tầm trung hoặc tầm gần.

Đơn vị tác chiến cơ bản của lực lượng pháo binh phòng thủ bờ biển là các Tiểu đoàn pháo binh: bao gồm các phân đội chỉ huy, điều khiển hỏa lực, từ 2 đến 4 khẩu đội pháo binh, phân đội đảm bảo hậu cần và phân đội đảm bảo kỹ thuật pháo binh.

Một đơn vị tên lửa phòng thủ bờ biển
Một đơn vị tên lửa phòng thủ bờ biển.
 

Các hoạt động tác chiến của lực lượng pháo binh, tên lửa phòng thủ bờ biển là tổ hợp các hoạt động theo khả năng cơ động của các phân đội, sơ đồ bố trí hỏa lực của các phân đội trên các trận địa hỏa lực và các khu vực hỏa lực của lực lượng. Mục tiêu và nhiệm vụ hoạt động tác chiến của lực lượng được thể hiện trong nhiệm vụ chiến đấu được giao kể cả thời bình và thời chiến. Trên cơ sở nhiệm vụ chiến đấu được giao, người chỉ huy lên quyết tâm chiến đấu, chỉ huy các phân đội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấy, triển khai các hoạt động điều hành tác chiến trong trận đánh, tổ chức đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho các hoạt động tác chiến.

Khi nhận được nhiệm vụ triển khai khu vực hỏa lực, người chỉ huy tiến hành các hoạt động chiến thuật: triển khai đội hình chiến đấu (cơ động vào khu vực trận địa, triển khai đội hình trận địa hỏa lực và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (cấp độ sẵn sàng chiến đấu), (thường xuyên; tăng cường; cảnh giới sẵn sàng chiến đấu cao nhất; toàn bộ sẵn sàng chiến đấu).

Tiến hành các hoạt động trinh sát, rà quét và tiếp nhận thông tin trinh sát từ các cấp nhằm phát hiện mục tiêu, xác định và xử lý thông tin phần tử bắn, khai hỏa phóng tên lửa – nổ súng tấn công vào thời gian - (H); (H);+(H) theo mệnh lệnh cấp trên hoặc thời gian dự kiến theo những kịch bản có sẵn được xây dựng và nguồn thông tin trinh sát nắm bắt được (trong trường hợp độc lập tác chiến trên đảo, quần đảo hoặc bờ biển mà không nhận được mệnh lệnh trực tiếp – (do đối phương phá hoại, chế áp điện tử - thông tin).

Sơ đồ pháo tự hành SY - 130 phòng thủ bờ biển
Sơ đồ pháo tự hành phòng thủ bờ biển.
 

Sau khi đòn tấn công thứ nhất được thực hiện, người chỉ huy ra mệnh lệnh đưa lực lượng (pháo binh – tên lửa) ra khỏi khu vực trận địa trước đòn phản công của đối phương và đưa các đơn vị thuộc quyền về trạng thái sẵn sàng phóng đạn – nổ súng đợt 2.

Đội hình chiến đấu của trung đoàn là sự bố trí trong mối quan hệ liên kết chặt chẽ các phân đội trên địa bàn tác chiến, xác định hướng phóng đạn và hướng tiến của đối phương. Định hướng trong quan hệ liên kết phối hợp giữa các phân đội trên cơ sở hướng phóng đạn và dự kiến tọa độ mục tiêu, khả năng đảm bảo tốt nhất khi phóng đạn, khả năng ngụy trang, khả năng che chắn phòng thủ. Đồng thời phải tính toán kỹ càng vị trí của sở chỉ huy và đơn vị hậu cần kỹ thuật cũng như các tuyến đường cơ động. Đội hình chiến đấu bao gồm có sở chỉ huy đơn vị, đội hình chiến đấu của các phân đội hỏa lực và các phân đội hậu cần kỹ thuật.

Theo điều lệnh: Trung đoàn bố trí trong khu vực hỏa lực được phân công, các tiểu đoàn tên lửa – trên các trận địa phóng đạn, phía sau là tiểu đoàn hậu cần kỹ thuật. Với tiểu đoàn pháo binh: cũng tương tự như trên, bao gồm trận địa pháo của tiểu đoàn, sở chỉ huy tác chiến, các khẩu đội pháo – trên các vị trí hỏa lực.

Trong tác chiến hiện đại, một phân đội tên lửa có thể quản lý nhiều mục tiêu khác nhau được giao, đồng thời, nhiều trận địa tên lửa có thể quản lý theo dõi một mục tiêu.

Pháo binh bảo vệ bờ biển thông thường bảo vệ một hướng phòng thủ chủ yếu và các hướng tăng cường. Hỏa lực một đơn vị pháo binh trên một trận địa phảo quản lý một nhóm mục tiêu cụ thể. Khi có mệnh lệnh cấp trên sẽ chuyển hướng hỏa lực vào sâu theo hành lang tân công của đối phương, hoặc chuyển hướng bắn chi viện, che phủ hoặc tiêu diệt tầu, xuồng đổ bộ.

Các phân đội tên lửa thông thường có nhiều trận địa thay thế: sau loạt đạn đầu tiên, các phân đội tên lửa cơ động di chuyển nhằm thoát khỏi hỏa lực phản kích của đối phương, các khẩu đội pháo trong giai đoạn ngày nay, được thiết kế có khả năng tự hành, sẽ di chuyển theo mệnh lệnh người chỉ huy cấp trực tiệp trong trường hợp có nguy cơ bị phản kích từ hòa lực đối phương, lệnh cơ động di chuyển thường được cập nhật sau khi hoàn thành các loạt bắn tập trung (dồn dập 1; dồn dập 2…).

Lực lượng lính thủy đánh bộ

Sư đoàn lính thủy đánh bộ bao gồm: Các đơn vị chiến đấu, các đơn vị bảo đảm chiến đấu, các phân đội hậu cần, kỹ thuật, các phân đội tham mưu tác chiến, điều hành tác chiến, trinh sát đa năng.

Đổ bộ đường biển của xe thiết giáp
Đổ bộ đường biển của xe thiết giáp.
 

Các đơn vị chiến đấu: Là các trung đoàn lính thủy đánh bộ, được tăng cường các trung đoàn xe tăng, xe thiết giáp, trung đoàn pháo binh, trong các trường hợp đặc biệt có thể tăng cường trung đoàn tên lửa phòng không.
Những phân đội chiến đấu trong trung đoàn lính thủy đánh bộ gồm:
Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cơ giới trên các xe BTR và BMP với một khẩu đội pháo tự hành; Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ công kích; Tiểu đoàn xe tăng; Khẩu đội pháo phản lực; Khẩu đội tên lửa chống tăng có điều khiển, khẩu đội tên lửa phòng không.

Đơn vị lính thủy đánh bộ binh chủng hợp thành có nhiệm vụ tiến hành các các hoạt động tác chiến đổ bộ ở cấp chiến dịch đổ bộ, đơn vị có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các đơn vị lục quân trong các hoạt động tác chiến phòng thủ bờ biển hoặc hải đảo.

Sơ đồ đổ bộ đánh chiếm khu vực đầu cầu và mở rộng bàn đạp tiêu diệt địch
Sơ đồ đổ bộ đánh chiếm khu vực đầu cầu và mở rộng bàn đạp tiêu diệt địch.
 

Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ trong một trận đánh đổ bộ độc lập có nhiệm vụ tiêu diệt binh lực, sinh lực địch, xe tăng thiết giáp, pháo binh và các cụm hỏa lực chống tăng của đối phương, tiêu diệt các phương tiện vũ khí hủy diệt lớn, tấn công sân bay, phá hủy máy bay chiến đấu của đối phương, chiếm giữ căn cứ, bàn đạp đổ bộ hoặc tuyến phòng ngự cho đến khi lực lượng chủ lực tiếp cận giải quyết chiến trường.

Đổ bộ cấp chiến thuật được sử dụng trong phòng thủ biển đảo:

- Chọc thủng tuyến phòng thủ của đối phương trên bờ biển, kết hợp với các lực lượng khác (lục quân) tấn công trên hướng biển với mục đích bao vây chia cắt, tiêu diệt lực lượng địch trên bờ biển.;

- Đánh chiếm lại và phòng thủ mục tiêu quan trọng (hải cảng, sân bay, các hòn đảo vừa và nhỏ, các khu vực quan trọng trên bờ biển cho đến khi lực lượng chính tiếp cận mục tiêu; phá hủy hệ thống điều hành tác chiến của đối phương và những hoạt động hậu cần kỹ thuật của đối phương.

Sau khi nhận nhiệm vụ đổ bộ tác chiến, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cần nắm chắc:

- Nhiệm vụ đổ bộ đường biển của đơn vị và của tiểu đoàn, quy trình đảm bảo công tác đổ bộ.

- Đánh giá tình hình phòng thủ chống tấn công đổ bộ đường biển của đối phương và tính chất, điều kiện địa hình trong khu vực đổ bộ và chiến đấu, hệ thống hàng rào vật cản, bãi mìn, thủy lôi dưới nước và trên bờ.

- Xác định chính xác, trình tự tiến hành các hoạt động đổ bộ, các phương án chiến đấu đánh chiếm vị trí đổ bộ và tính toán, sắp xếp các đợt đổ bộ.

- Điều kiện địa hình thời tiết, thủy văn môi trường khi cơ động vượt biển và trong khu vực đổ bộ.

Trong quá trình chuẩn bị đổ bộ, tiểu đoàn trưởng cần bổ xung các quyết định sau::

- Nhiệm vụ của từng phân đội (đại đội) tiêu diệt các mục tiêu cụ thể tại khu vực đổ bộ và khu vực được chỉ lệnh tấn công đánh chiếm trên bờ biển;

- Phân phối các đơn vị theo các phương tiện đổ bộ (tầu đổ bộ) và các phương tiện đổ bộ cao tốc (xuồng đổ bộ) cũng như các phương tiện tăng cường.;

- Thứ tự lên tầu đổ bộ và thứ tự đổ bộ xuống tầu.

Khi tổ chức liên kết phối hợp tiểu đoàn trưởng sẽ thống nhất với các chỉ huy trưởng:

- Hoạt động tác chiến của các phân đội khi chiếm lĩnh của mở, bàn đạp tấn công khi đổ bộ, phương pháp vượt vật cản chướng ngại vật chống đổ bộ.

- Liên kết phối hợp với hỏa lực của pháo hạm, hỏa lực của không quân và hoạt động tấn công của đổ bộ đường không (nếu sử dụng đổ bộ thẳng đứng).

Trong các phân đội lính thủy đánh bộ, cơ số vật chất được tăng cường. Trạm y tế của tiểu đoàn cũng được tăng cường các cơ số y tế thuốc và bông băng cứu thương, đồng thời cũng tăng cường quân số.

Trình tự tiến hành các hoạt động đổ bộ đánh chiếm mục tiêu:

Trước khi xuống tầu đổ bộ, các phân đội của tiểu đoàn lính thủy đánh bộ tập kết tại khu vực đợi tầu và kết thúc các công tác chuẩn bị cho đổ bộ. Để đưa phân đội lên tầu đổ bộ, tiểu đoàn được chỉ định khu vực tập kết. Cơ động di chuyển đến khu vực cầu cảng xuống tầu theo thứ tự quy định của nhiệm vụ chiến đấu theo từng tầu đổ bộ và mệnh lệnh người chỉ huy.

Khi các phân đội xuống tầu, trước hết đưa xuống tầu cơ sở vật chất phương tiện chiến đấu, vũ khí trang bị, đạn và vật chất chiến đấu, xăng dầu và các vật chất trang thiết bị khác với tính toán thời gian tiến độ và mức độ sử dụng cũng như tiêu hao phương tiện, cơ sở vật chất, đồng thời tính toán khả năng đổ bộ nhanh nhất lên bờ biển. Thứ tự đưa phương tiện chiến đấu xuống tầu ngược lại với thứ tự đổ bộ phương tiện chiến tranh và cơ sở vật chất, vũ khí trang bị lên bờ. Binhlực của phân đội xuống tầu sau khi trang bị, phương tiện chiến đấu đã hoàn tất.

Từ thời điểm nhận được nhiệm vụ của xuống tầu đổ bộ cho đến khi kết thúc việc đưa binh lực xuống tầu, tiểu đoàn lính thủy đánh bộ nằm dưới quyền chỉ huy của chỉ huy trưởng đội tầu đổ bộ, trên các tầu đó tiểu đoàn cơ động vượt biển.

Trong quá trình hành tiến chuẩn bị đổ bộ, hạm đội hình thành cụm lực lượng tấn công chủ lực, bao gồm có các chiến hạm nổi, tầu ngầm, tầu phóng tên lửa và máy bay cường kích hải quân. Cụm tầu tấn công chủ lực có nhiệm vụ tấn công, yểm trợ hỏa lực chuẩn bị bãi đổ bộ, dọn sạch vật cản, chướng ngại vật và các bãi mìn chống đổ bộ trên bờ biển.

Đồng thời, hạm đội cũng hình thành lực lượng chống ngầm, bao gồm các tầu hộ tống, tầu chống ngầm và phương tiện chống ngầm trên không, có nhiệm vụ đảm bảo đánh chặn, tấn công và tiêu diệt tất cả các tầu ngầm đối phương trong phạm vi hành lang đổ bộ của lực lượng đổ bộ đường biển.
Trước giờ tấn công đổ bộ (H) - Toàn bộ lực lượng pháo binh - tên lửa phòng thủ bờ biển, pháo hạm, tên lửa tầm trung và tầm xa, máy bay cường kích tập trung hỏa lực tấn công dọn bãi đổ bộ.

Khi các tầu đổ bộ đến địa điểm tập kết dưới sự yểm trợ của hỏa lực quân binh chủng, dưới sự yểm trợ của các cụm tầu tấn công chủ lực, triển khai đội hình đổ bộ tấn công.

Đánh chiếm khu vực đầu cầu bàn đạp
Đánh chiếm khu vực đầu cầu bàn đạp
 

Các xe tăng lội nước, xe bộ binh cơ giới BMP, xe thiết giáp chở quân BTR đổ bộ xuống biển trước khi tầu đổ bộ tiến đến điểm đổ quân và đổ bộ vào bờ. Sau khi các xe tăng bơi, xe bộ binh cơ giới cập bờ là các tầu đổ bộ, với tốc độ cao cập bờ và đổ bộ trực tiếp lực lượng lính thủy đánh bộ lên bờ. Các phân đội công kích của tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, dưới sự yểm hộ của hỏa lực pháo binh chiến hạm và máy bay chiến đấu, hỏa lực của các phân đội và các đòn tấn công trực tiếp trên các xe bộ binh cơ giới, thiết giáp và các phương tiện đổ bộ tốc độ cao đánh chiếm bàn đạp tấn công.

Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đổ bộ tiếp theo và triển khai đội hình chiến đấu, vừa triển khai đội hình các phân đội của tiểu đoàn vừa tiêu diệt địch vừa công kích đánh chiếm khu vực đầu cầu, đánh chiếm bàn đạp và mở rộng khu vực bàn đạp tấn công theo chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo cho đợt đổ bộ tiếp theo của lực lượng chính. Khi các lực lượng của thê đội I đổ bộ lên bờ, tiểu đoàn lính thủy đánh bộ liên kết phối hợp theo nhiệm vụ tác chiến, củng cố vị trí đánh chiếm được và trong điều kiện thuận lợi, mở rộng phạm vi hoạt động theo hướng hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo trên bờ biển.

Các phân đội đổ bổ theo hướng có lực lượng đổ bộ đường không (từ máy bay trực thăng hoặc nhảy dù) nhanh chóng đột phá tuyến phòng ngự của đối phương, hợp quân với lực lượng đổ bộ đường không nhằm bao vây chia cắt địch, không cho đối phương co cụm hoặc phòng thủ chờ sự chi viện của hỏa lực tầm xa của địch, đồng thời vây hãm tiêu diệt địch trong tác chiến hỏa lực tầm gần.

Trong những trường hợp gặp khó khăn do lực lượng địch mạnh, điều kiện địa hình phức tạp hoặc hỏa lực tầm xa, hỏa lực không quân yểm trở của địch mạnh, các lực lượng đổ bộ cần kiến quyết bám sát địch, tạo thế đánh cận chiến kéo dài thời gian, buộc đối phương tiêu hao lực lượng và chờ lực lượng chủ yếu tiếp cận tiêu diệt địch.

Lực lượng phòng thủ bờ biển

Thông thường, lực lượng phòng thủ biển đảo được giao cho các đơn vị thuộc lực lượng lục quân, nằm trong các quân khu trên địa bàn phòng thủ. Các đơn vị lục quân tuyến duyên hải và hải đảo tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ, đồng thời xây dựng trận địa phòng thủ bờ biển và hải đảo. Bố trí các tuyến phòng thủ vững chắc tại những địa điểm quan trọng, xung yếu hoặc thuận tiện cho đối phương có thể đổ bộ đường không và đường biển, đồng thời tổ chức bảo vệ các mục tiêu quan trọng, khu vực sân bay, bến cảng, tuyến hành lang giao thông.

Các đơn vị lục quân phòng thủ bờ biển tuyến duyên hải phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, dân quân tự vệ và các lực lượng kiểm soát các hoạt động trên vùng biển được giao, đồng thời giữ hiệp đồng chặt chẽ với Bộ tư lệnh Hải quân, tiếp nhận thường xuyên các thông tin (hàng ngày, hàng giờ) về tình hình các hoạt động trên biển, theo dõi chặt chẽ khu vực được giao, phối kết hợp với các đơn vị kỹ chiến thuật của hải quân xây dựng các tuyến phòng thủ chống đổ bộ trong khu vực.

Với các đảo nhỏ, khu vực đặc quyền kinh tế, khu vực đang khai thác kinh tế nằm trong nền kinh tế hải dương và chủ quyền liên bang, nhiệm vụ bảo vệ được giao cho lực lượng Hải quân, thông thường là Lính thủy đánh bộ và các hạm đội trực chiến.

Khi xảy ra tình huống: Địch tiến hành đổ bộ quy mô lớn, hoặc tập kích, đánh chiểm đảo hoặc quần đảo….các đơn vị phòng thủ dựa trên tuyến phòng ngự xây dựng vững chắc có nhiệm vụ kiên quyết đánh chặn địch, kìm chân và tiêu hao tiêu diệt binh lực sinh lực địch.

Đồng thời, tiến hành trinh sát địch tình trên các tuyến phòng thủ bờ biển, hải đảo, nắm bắt chặt chẽ lực lượng địch, dẫn bắn, chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực phòng thủ bờ biển, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất khi tấn công phối hợp với lực lượng lính thủy đánh bộ đổ bộ đường biển hoặc đường không nhằm bao vây chia cắt, tiêu diệt lực lượng đổ bộ của địch. Kiên quyết không cho đối phương rút lui hoặc kéo dài thời gian xung đột.

Hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến

Trong giai đoạn hiện nay, khả năng xảy ra xung đột, chiến tranh có giới hạn nhằm thôn tính chiếm đoạt một số các khu vực biển có tiềm năng kinh tế, chính trị rất lớn. Do tính chất phức tạp của các mối quan hệ quốc tế đồng thời với sự trỗi dậy của những cường quốc biển, các xung đột có thể xảy ra bất ngờ, với lực lượng tham chiến không lớn và quy mô nhỏ, nhưng tạo ra những khu vực tranh chấp và những vùng tranh chấp hoặc có thể là một cuộc xung đột quy mô lớn, trên các phạm vi trên không, trên biển và trên đất liền (biên giới – Bờ biển – Hải đảo). Nhiệm vụ của lực lượng phỏng thủ bờ biển – hải đảo là: Dập tắt và tiêu diệt ngay tức khắc mọi âm mưu tranh chấp chủ quyền, xung đột trên biển, hải đảo. Nhanh chóng tiêu diệt trong thời gian ngắn nhất (giới hạn thời gian được tính bằng giờ và ngày) nhằm bảo vệ vững chắc và không thể tranh cãi chủ quyền biển – đảo trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Bản đồ dự kiến đổ bộ của lực lượng thù địch trong cuộc diễn tập Lá chắn đồng minh - 2011 của Nga và Khazastan năm 2011
Bản đồ dự kiến đổ bộ của lực lượng thù địch trong cuộc diễn tập Lá chắn đồng minh - 2011 của Nga và Khazastan năm 2011.
 

Để thực hiện được điều đó, Bộ quốc phòng và lực lượng hải quân nói chung, lực lượng phòng thủ biển đảo nói riêng, xét trên góc độ phức tạp về mặt địa hình, vùng biển - bờ biển và không gian tác chiến, tính đa dạng trong sử dụng lực lượng bảo vệ, cần có một hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến liên quân của 4 lực lượng: Lục quân, hải quân, không quân và phòng thủ vũ trụ - phòng không. Hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến hoạt động theo phương châm: Tự động hóa – công nghệ thông tin hóa, quản lý tập trung, tổ chức phân tán. Sử dụng triệt để những thành quả công nghệ truyền thông và công nghệ thông tin nhằm cập nhật nhanh chóng, kịp thời mọi tình huống trên biển, bờ biển và hải đảo trong thời gian ngắn nhất, cho phép các lực lượng phản ứng tập trung, linh hoạt và nhanh chóng khi tình huống xảy ra.

Với ứng dụng của hệ thống quản lý tự động hóa với những kịch bản tương đương được lập trình xây dựng sẵn sàng, trong thời gian ngắn, mọi kế hoạch tác chiến sẽ tiếp cận đến những phân đội tác chiến trực tiếp, đồng thời theo phương thức lan truyền, cập nhật đến mọi lực lượng có quan hệ tác chiến liên kết phối hợp, đến các ban tham mưu và chỉ huy trưởng các đơn vị binh chủng hợp thành, tư lệnh trưởng lực lượng liên quân, các đơn vị theo kịch bản nhiệm vụ chủ động, linh hoạt thực hiện theo kế hoạch tác chiến dự kiến đồng thời kết nối liên lạc phản hồi nhằm đồng bộ hóa đa chiều công tác chỉ huy điều hành tác chiến trên không gian chiến trường dự kiến.

Trong phương thức "quản lý tập trung, tổ chức phân tán trên nền tảng công nghệ thông tin và tự động hóa”. Yêu cầu quan trọng nằm trong tính độc lập, linh hoạt và sáng tạo của chỉ huy các cấp trước tình huống đặt ra, phản ứng nhanh chóng và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của các đơn vị thuộc quyền. Đồng thời, cũng trong thời gian ngắn nhất, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý hoặc sự mở rộng của không gian chiến trường. Mọi phương tiện hỏa lực phải được tập trung ở mức độ cao nhất. Mỗi điểm tác chiến có thể được quản lý bởi nhiều phương tiện hỏa lực, đồng thời, mỗi phương tiện hỏa lực trên khả năng của vũ khí trang bị, phải quản lý nhiều mục tiêu tác chiến.

Bản đồ chiến dịch trong diễn tập Lá chắn đồng minh - 2011( click xem toàn bộ bản đồ)
Bản đồ chiến dịch trong diễn tập Lá chắn đồng minh - 2011
 

Với phương thức quản lý trên, mọi tình huống bất ngờ (đối phương bất ngờ tập kích cường độ thấp nhằm tạo ra tranh chấp, hoặc tập kích với quy mô lớn trên không, trên biển và trên đất liền theo nhiều hướng, chiến tranh không tuyên bố hoặc xung đột khu vực) sẽ có giải pháp tức thời nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, hoặc tiêu diệt triệt để mọi hành vi xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích đất nước.

Trịnh Thái Bằng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.