Chống chọi triều cường: Đường trăm tỷ vẫn ngập

Người dân TPHCM khổ vì triều cường
Người dân TPHCM khổ vì triều cường
TP - Ngày 30/9, triều cường sông Sài Gòn đạt đỉnh 1,68m khiến nước từ các con kênh tràn lên mặt đường, gây ngập nặng nhiều nơi, làm cuộc sống người dân xáo trộn, tài sản hư hỏng.

Triều cường trên sông Sài Gòn liên tục đạt đỉnh, vượt mức báo động 3 khiến hàng loạt tuyến đường ở nhiều quận huyện như quận 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh ngập nặng. Không chỉ ngập ngoài đường, nước tràn cả vào nhà dân có nơi ngập sâu cả mét khiến người lớn, trẻ nhỏ phải bì bõm lội nước từ trong nhà ra đường. Đặc biệt, tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ để nâng cao nhưng vẫn ngập lênh láng.

Dân khổ trăm bề

Tối 30/9, hàng trăm hộ dân ngụ hai bên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 hì hục tát nước từ trong nhà ra ngoài, thậm chí có gia đình sử dụng đến 3 chiếc máy bơm nhưng vẫn không thể bơm kịp. Theo người dân, từ khi tuyến đường này được đầu tư nâng nền, nhà dân trở thành điểm chứa nước mỗi khi trời mưa, triều cường vì nền nhà thấp hơn mặt đường có nơi gần nửa mét.

Khi triều cường đạt 1,68m, mặt đường Huỳnh Tấn Phát ngập sâu từ 20-40cm, nhiều phương tiện qua đây chết máy. Nhiều gia đình phải kê cao tủ lạnh, máy giặt để hạn chế thiệt hại. Bà Mai Thị Mai (ngụ phường Tân Thuận, quận 7) cho biết: Con đường này đã được nâng lên nhưng cứ triều cường là nước lại ngập đường rồi tràn vào nhà.

Gia đình ông Nguyễn Phước Tâm, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát đã mua 3 chiếc máy bơm để chống chọi với triều cường vì nước tràn vào nhà quá nhanh và kéo dài nhiều giờ đồng hồ nên sức người không thể tát hết nước ra ngoài. “Ngày nào triều lên cũng ngập. Mới nâng đường nhưng khi mặt đường cao thì nước từ ngoài đường lại tràn vào nhà. Nước ngập như vậy dân chúng khổ lắm, không làm ăn được gì cả", ông Tâm nói.

Còn ông Lê Văn Thành (ngụ phường Tân Thuận) đi làm về thấy nệm, quạt máy, nồi cơm điện nổi lềnh bềnh trong nhà.

Nhiều hộ dân sống ở khu dân cư Jamona trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7 không thể trở về nhà, phải đứng đợi triều cường xuống.

Giải pháp nào?

Chiều tối 30/9, trên đường Mễ Cốc (phường 15, quận 8, TPHCM) trở nên hỗn loạn khi nước dâng cao ngập cả một đoạn đường, cộng với tình trạng vỡ bờ kè trên kênh Lò Gốm vào tối hôm trước càng khiến người dân xung quanh lo lắng. Trong khi lực lượng chức năng khắc phục sự cố, người dân sống dọc kênh vội vã làm “bờ bao” chắn nước tràn vào nhà. Ông Nguyễn Đình Phê (74 tuổi, ngụ phường 15, quận 8) cho hay: “Hôm qua bờ kè vỡ nước tràn vào nhà quá nhanh, không phản ứng kịp nên đồ đạc trong nhà ngập ướt hết. Hôm nay, cha con tôi mua mấy chục bao cát về chắn trước cửa nhà, hi vọng nước không tràn vào như hôm trước”.

Lão nông Nguyễn Trọng Thạch (71 tuổi, ngụ phường 15) buồn bã nói: “Vỡ bờ kè làm mấy luống cải bị ngập úng hết. Sáng nay tôi ra xem mà đứt ruột. Bao nhiêu vốn liếng giờ mất sạch”.

Căn nhà của ông Thạch thấp hơn mặt đường, khi nước tràn vào như một cái hầm chứa. Dù ông Thạch huy động 5 máy bơm (vốn dùng để bơm nước tưới rau) để bơm nhưng không xuể. Nước tràn vào nhà nhanh quá, may mà ông kịp bê đồ đạc lên chỗ cao ráo không thì hỏng hết.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Triều cường làm sạt lở bờ đê, gây ngập ở một số nơi, nguyên nhân là do một số bờ kè đã cũ, các cửa xả làm chưa xong gây áp lực làm sụp đổ các bờ kè. Đặc biệt, trong những đợt thủy triều lớn ở mức báo động 3 như vừa qua. Lãnh đạo TPHCM cho biết, đã có phương án xử lý cụ thể trong trường hợp thủy triều lên cao.

Về lâu dài, theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM sẽ có thêm các phương án xử lý cụ thể cho từng tuyến kênh trên địa bàn thành phố. Những vùng lõi đô thị, khu dân cư phải tập trung làm đê kè và cải tạo hạ tầng. TPHCM sẽ chọn những dự án, đoạn tuyến cụ thể để đầu tư, kêu gọi cả tư nhân tham gia.

Chờ dự án 10.000 tỷ đồng hoàn thành

Bên lề hội nghị giao ban thường trực Thành ủy, UBND TPHCM với các quận, huyện ngày 1/10, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cho hay: Triều cường có xu hướng ngày càng dâng cao. Lãnh đạo thành phố rất xót xa khi bà con mình bị đảo lộn cuộc sống, mưu sinh nhưng tình trạng này đã được dự báo trước. Các giải pháp chống ngập ngắn hạn không thể giải quyết. Chỉ còn chờ các giải pháp trung hạn, dài hạn như dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) mới giải quyết được.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trong số 6 cống kiểm soát triều nhà đầu tư đang xây dựng thì còn 2 cống đều tập trung ở huyện Nhà Bè chưa bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. “6 quận,  huyện cam kết với thành phố bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6. Hiện nay, 5 quận đã hoàn thành, chỉ còn huyện Nhà Bè. Cần cố gắng bàn giao mặt bằng thi công để công trình sớm hoàn thành, đưa vào vận hành chống ngập. TPHCM phấn đấu trong 10 năm tới phải xóa ngập trong nội thành”, ông Nhân cho biết.Huy Thịnh

Chống chọi triều cường: Đường trăm tỷ vẫn ngập ảnh 1 Triều cường khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.