Chọn ai, chủ đầu tư không biết

Dù dự án đang chậm tiến độ, nhưng đi dọc tuyến nhiều kilômét không thấy máy móc của nhà thầu thi công
Dù dự án đang chậm tiến độ, nhưng đi dọc tuyến nhiều kilômét không thấy máy móc của nhà thầu thi công
TP - Dự án có trị giá đầu tư lên tới gần ngàn tỷ đồng, nhưng nhà thầu khởi công dự án trước, tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt chỉ định nhà thầu sau. Nhà thầu được chọn cũng là Cty Cổ phần tập đoàn Xuân Thành (Cty Xuân Thành). Dự án chỉ định thầu với lý do phải làm cấp bách này cũng đang triển khai chậm cả năm trời...

> Bài 2: Chuyện dự án đội vốn 1.200 tỷ đồng

> Bài 1: Ngổn ngang dự án ngàn tỷ

Dự án nghìn tỷ ngổn ngang

Cách đây bốn năm, người dân huyện Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh đón nhận tin vui khi UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt kế hoạch nâng cấp cải tạo đê La Giang.

Theo đó, con đê cũ kỹ tồn tại bao đời, sẽ được nâng cấp hiện đại với mặt đê được mở rộng 6m, được gia cố bằng bê tông, hệ thống kè cống, kênh tiêu úng, đường sá được làm mới, toàn tuyến 19,2km có hệ thống điện cao áp chiếu sáng…

Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên đến 967,4 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí cho xây dựng hơn 750 tỷ đồng, bồi thường GPMB trên 50 tỷ đồng, chi phí tư vấn và các chi phí khác hơn 38 tỷ đồng, rà phá bom mìn gần 2,6 tỷ đồng, nguồn dự phòng 126 tỷ đồng.

Năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng xin phê duyệt dự án cải tạo đê La Giang thuộc dự án cấp bách được áp dụng hình thức chỉ định thầu và được Thủ tướng chấp thuận.

Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định Cty Xuân Thành làm nhà thầu. Dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm. Cuối năm 2009, dự án được khởi công, hàng trăm xe ủi, xe tải ngày đêm hoạt động đào, đắp đất như một đại công trường.

“Cứ nghĩ chịu bụi bẩn hai năm sẽ có đường đi mới sạch sẽ, khang trang. Nào ngờ, gần ba năm nay, dù trời nắng hay mưa phải đóng cửa kín mít”, chị Hoàng Thị Lợi, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh bức xúc.

Thực tế, sau khi bóc lớp cỏ mặt đê, nhà thầu cho đổ đất sét lên cao, nên mỗi khi trời nắng bụi bay vào nhà. Còn trời mưa, từng đống bùn đỏ ngầu ùn ùn theo dòng nước trôi vào sân.

Ông Trần Văn Lan, trú tại thôn 4, xã Yên Hồ, Đức Thọ cho biết, trong gần ba năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây rất vất vả mỗi khi đến mùa gặt lúa. “Đường qua đê cũ bị xoá, trong khi đó mặt đê mới chưa xong nên trơn trượt, hàng tấn lúa gặt xong không biết đưa về nhà bằng cách nào”, ông Lan nói.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, hiện nhà thầu bóc xong mặt đê và đang tiến hành đắp đất. Tuy nhiên, nhiều đoạn của mặt đê đã xuất hiện vết nứt kéo dài giữa phần đất đắp bổ sung mới và đê cũ.

Nhiều nơi thân đê bị mưa làm xói mòn, đất bị kéo xuống mép đê thành những rãnh nước lớn.

Khác với không khí tấp nập như lúc mới khởi công, nay trên toàn tuyến đê La Giang chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một vài xe của nhà thầu qua lại. Còn người dân hai bên triền đê cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà cửa luôn trong tình trạng đóng kín mít, bên ngoài được phủ nhiều lớp ni lông chống bụi.

“Chọn nhà thầu nhiều vấn đề lắm”

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư, ông Đặng Phi Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự án nâng cấp sửa chữa đê La Giang có ba gói thầu, trong đó phần đê có 2 gói gồm: Gói 1 từ km14 đến km19 và gói 2 từ km0 đến km14. Gói số 3 là xây dựng 2 nhà quản lý, điều hành.

Sau gần ba năm triển khai, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu 220 tỷ đồng. Theo ông Hùng, dự án nâng cấp đê La Giang được coi là trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh, có nhiệm vụ bảo vệ hơn 35 nghìn ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, bảo vệ an toàn tính mạng cho gần 30 vạn dân.

Trả lời PV Tiền Phong về sự chậm trễ của dự án, đại điện chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do thiếu vốn.

“Hiện khối lượng công trình đạt gần 40%, trong khi đó số tiền giải ngân đạt khoảng 1/4 tổng mức đầu tư”, ông Hùng giải thích.

Nói về lý do vì sao chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu là Cty Xuân Thành mà không phải là nhà thầu khác, tại sao dự án cấp bách nhưng thời gian thi công kéo dài, đại điện chủ đầu tư nói: “Việc chỉ định nhà thầu nào liên quan nhiều vấn đề lắm. Cty Xuân Thành có quan hệ rộng, cái đó phụ thuộc ngoài bộ, tỉnh, chủ đầu tư không biết. Dự án kéo dài do tổng mức đầu tư lớn, liên quan nhiều vấn đề như kỹ thuật, thủ tục”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc lựa chọn nhà thầu trong dự án nâng cấp đê La Giang của chủ đầu tư khá bất thường. Bởi ngày 23-12-2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành quyết định số 4159 phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Nhưng trước đó 6 ngày, ngày 17-12-2009, Cty Xuân Thành đã tổ chức lễ khởi công hoành tráng với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Thật lạ, công trình liên quan đến tính mạng của hàng chục vạn dân, với tổng mức đầu tư lên cả nghìn tỷ đồng nhưng đang làm khổ người dân.

Trong khi đó, chủ đầu tư tỏ ra vô can khi đề cập đến trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu.

Cty Xuân Thành được chỉ định thầu nhiều dự án ngàn tỷ

Ngoài dự án đê La Giang, Cty Xuân Thành còn được tỉnh Hà Tĩnh chỉ định thầu 6 công trình khác trên địa bàn Hà Tĩnh. Tổng vốn đầu tư 7 dự án chỉ định thầu tại Hà Tĩnh mà Cty Xuân Thành nhận được, trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp khoảng 4.130 tỷ đồng. Cả bảy công trình trên hiện chưa có công trình nào hoàn thiện, một số công trình còn chưa triển khai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.