Chọn không gian là sân khấu Nhà hát Lớn vừa thực vừa ảo (do có cả màn hình led rất lớn làm phông nền), không phải sàn catwalk dài thượt như những năm trước, BTC Davines Hair Show 2012 như đã có một gợi ý: Chương trình sẽ là một vở kịch, hoặc cái gì tương tự thế, nhưng chắc chắn, không chỉ là những màn catwalk khô cứng (của người mẫu sau khi đã được cắt tóc).
Cuối cùng, có hẳn dàn nhạc- Rhapsody Philharmonic với phong cách chơi nhạc giao hưởng theo kiểu hiện đại, và người ta đưa cả DJ vào Nhà hát Lớn! Không phải một mà là hai người, Slim V và Bnuts.
Nghệ thuật đương đại hướng đến sự kết hợp, hòa trộn. Thể loại “world music” là công cuộc “mix” các nền âm nhạc dân gian, các nền văn hóa.
Một show thời trang tóc, mà lại là một show có tính chất quảng bá thương hiệu cộng với đề cao giá trị trình diễn, chuyên môn như Davines Hair Show thì mang tham vọng nhỏ hơn, chỉ định “mix” vẻ đẹp của con người với vẻ đẹp của trang phục, âm nhạc, ánh sáng. Và cảm xúc.
Con người, ở đây không chỉ là mái tóc.
Bùi Đức Thịnh, giải nhất Cuộc thi tạo mẫu tóc quốc tế 2007, từng bảo: “Cắt một kiểu tóc là để làm cho con người đẹp hoàn thiện. Có nhiều người lúc mới cắt xong trông kiểu tóc rất đẹp, nhưng khi mở khăn ra lại chẳng liên quan gì đến người, như thế thì rất buồn cười”.
Trong các màn trình diễn của Davines Hair Show, những người mẫu ra mắt khán giả đều trong dáng vẻ: từ cổ đến chân phủ kín tấm khăn đen của thợ cắt tóc. Như thể một bí mật. Khi kiểu tóc hoàn thành, tấm khăn được mở ra, bữa tiệc thời trang mới thực sự bắt đầu.
Tất nhiên đó không phải là kiểu trình diễn duy nhất. Chẳng hạn, trong show thời trang tóc Franck Provost Paris ở Nhật năm 2010, những người mẫu không có khăn che mà mặc nguyên trang phục dạ hội cầu kỳ, ngồi để nhà tạo mẫu thực hiện kiểu tóc. Tóc cứ thế rơi trên những bờ vai trần.
Trong thời gian đó, ống kính của BTC quay cận cảnh từng người mẫu và bộ váy của họ, lướt từ trên xuống dưới, để khán giả thưởng thức trọn vẹn.
Và các người mẫu ở Franck Provost Paris lúc ngồi cắt tóc cũng thoải mái cười duyên, liếc mắt, mặt mày tươi tỉnh chứ không giữ nguyên gương mặt lạnh, ánh mắt tối, đôi môi tô đậm không một lần cong lên, tóm lại là hơi... đơ như người mẫu ở ta.
Trong đêm Davines Việt Nam, các phần đầu gây cảm giác hơi... hình sự. Dàn người mẫu của Minh Tâm và Đức Thịnh- Bửu An ít ai mỉm cười. Ai ai cũng mặt lạnh. Đến phần của Trần Hùng thì không khí thay đổi, tươi tỉnh hẳn. Hình như đây là màn trình diễn khiến khán giả hào hứng nhất.
Tôi đoán có mấy lý do: Một, nhạc nền bài Poker face của Lady Gaga; sự xuất hiện của Lady Gaga bản sao trên sân khấu; trang phục và biểu cảm tươi rói của các người mẫu và có thêm dàn mẫu Tây (cả nam lẫn nữ) quá xinh.
Không kể phần thi của 10 thí sinh, các màn “múa kéo” của những nhà tạo mẫu đã có tên tuổi như Minh Tâm, Trần Hùng, Đức Thịnh, Bửu An trong đêm Davines đều mang tính trình diễn cao, đặc biệt là Trần Hùng. Anh ngồi trên ghế, chả có đồ nghề gì, nàng “Lady Gaga” ngồi trên sàn ngay trước mặt.
Trần Hùng biểu diễn vài động tác tạo mẫu tượng trưng và nhanh chóng kết thúc. Liền đó, các người mẫu khác “đổ bộ” ra trung tâm sân khấu. Khán giả như mê đi bởi sắc màu, âm nhạc (cái này quan trọng), dàn người mẫu như dòng thác, sự quyến rũ chảy theo bước chân. Phải cảm ơn... Lady Gaga.
Bất cứ ngành nghề nào, khi đạt đến độ chuyên nghiệp cao, đều có tính nghệ thuật và khoa học. Nghệ thuật nằm ở cái đẹp và sự truyền cảm. Khi nhà tạo mẫu lên sân khấu, cả quá trình cắt tóc trở thành một điệu múa.
Khi cắt tóc, nhà tạo mẫu sử dụng nhiều động tác giống như trong ba lê, như Đức Thịnh từng tiết lộ với tôi: “Cả cơ thể của nhà tạo mẫu đều phải theo tư thế chuẩn. Chân đứng cũng phải chuẩn. Cánh tay đưa lên chuẩn, chẳng hạn theo góc 90 độ”.
Không phải múa kéo loạn lên để khoe mẽ và che giấu tay nghề, mà vì tư thế chuẩn mới cắt được những nhát kéo chuẩn.
Còn khoa học với nghề cắt tóc? Đừng nghĩ rằng không liên quan. Lúc cầm kéo, đó là hình học (vẫn là ví von của Đức Thịnh). Lúc sử dụng các hóa chất ép uốn nhuộm dưỡng, đó là hóa học và sinh học. Tất cả đều ở trong một guồng máy, phải không?