Chơi tem 'Kỳ thứ sáu Đông Dương'

Các nhà sưu tầm tem Việt Nam đang tìm tem Quảng Châu Loan tại chợ tem TPHCM (sau lưng là nhà sưu tầm tem Trung Quốc cũng có mặt)
Các nhà sưu tầm tem Việt Nam đang tìm tem Quảng Châu Loan tại chợ tem TPHCM (sau lưng là nhà sưu tầm tem Trung Quốc cũng có mặt)
TP - Quảng Châu Loan (Kouang-Tchéou-Wan) thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc,  là vùng đất thuộc địa của chính quyền Đông Dương từ năm 1898 cho đến năm 1946. Ngày nay, người chơi tem vẫn sưu tầm tem bưu chính của Liên bang Đông Dương (tem INDOCHINE) phát hành tại vùng đất này.

Dấu ấn Quảng Châu Loan

Bác Tuấn, một nhà sưu tầm tem tại TPHCM, là người sưu tầm hàng ngàn con tem Quảng Châu Loan cho biết: “Chúng ta thường nói tới ba kỳ thuộc Pháp là Bắc Kỳ, Trung, Kỳ, Nam Kỳ, nhưng các tài liệu đầy đủ đều ghi Liên bang Đông Dương gồm có sáu kỳ, gồm thêm Lào, Campuchia và Quảng Châu Loan. Bởi vậy, tem thời kỳ Đông Dương luôn có tem Quảng Châu Loan vốn là một vùng nhượng địa nằm tại Trung Quốc”.

Các tài liệu của Hội tem Việt Nam đều ghi nhận sự phong phú trong tem nhượng địa, là các vùng đất thuộc chính quyền Đông Dương, được phát hành tem riêng hoặc được đóng dấu địa danh đè lên tem. Các bức ảnh tư liệu cũng cho thấy Quảng Châu Loan thời kỳ phồn thịnh có bưu điện trung tâm rất lớn, không thua kém gì bưu điện Sài Gòn - Gia Định. Thư từ được gửi đi khắp các xứ, tới Pháp, Mỹ. 

Bác Tuấn nói: “Nhượng địa là cách gọi về các vùng đất được nhượng lại cho chính quyền Đông Dương, trong đó có vùng Quảng Châu Loan. Người chơi tem hiện nay rất thích chơi tem nhượng địa, là những vùng đất cũ, nay không còn thuộc về địa giới Đông Dương nữa, nhưng những con tem vẫn phản ánh lịch sử năm xưa”.

Quảng Châu Loan (tiếng Pháp: Kouang-Tchéou-Wan hay Kouang-Tchéou-Ouan), thuộc tỉnh Quảng Đông, đất rộng 1.300 km2 vốn là thuộc địa của Pháp. Tại đây Pháp đã tổ chức bộ máy chính quyền, xây dựng thương cảnh, phố xá, doanh trại quân đội.

Là một trong sáu xứ trong Liên bang Đông Dương, Quảng Châu Loan  trực thuộc thống sứ Bắc Kỳ nhưng hưởng quy chế riêng. Năm 1943 phát xít Nhật đã đánh chiếm  Quảng Châu Loan từ tay Pháp, nhưng sau đó Pháp đã chiếm lại được. Pháp chỉ bàn giao Quảng Châu Loan cho Trung Quốc năm 1946, theo hiệp ước ký kết ở Trùng Khánh.

Tem Quảng Châu Loan (tem Kouang – Tchéou) được sưu tập từ Trung Quốc, Việt Nam và cả Pháp, Mỹ. Tem thư được phát hành, đóng dấu gửi đi, cũng có cả những con tem chưa sử dụng vẫn còn rất đẹp.

Chơi tem 'Kỳ thứ sáu Đông Dương' ảnh 1

Anh Tuấn vui mừng khi đấu giá thành công bộ tem Kouang – Tchéou

Mê tem nhượng địa

Bác Hùng là một người chơi tem kỳ cựu tại Sài Gòn từ trước 1975. Hầu như bác không bao giờ vắng mặt ở chợ tem cũng như các hội tem. Dáng vẻ khá gầy gò, nhưng phía sau cặp kính là một niềm đam mê bất tận. Bác tâm sự với mọi người: “Nhà tôi có lần bị cháy, tôi tiếc những con tem tới mức chẳng thiết sống!”. Nói vậy, nhưng bác vẫn lạc quan đi tìm kiếm những con tem cũ mới mỗi ngày.

Bác Hùng nghiên cứu về tem Liên bang Đông Dương rất tỷ mỷ. Bác có thể nhớ tất cả các bộ tem của Đông Dương. Theo bác, khoảng năm 1900, Pháp sáp nhập vùng Quảng Châu Loan đã chiếm được của Trung Quốc vào Liên bang Đông Dương, khiến cho Liên bang Đông Dương có tới 6 xứ trực thuộc. Lịch sử ấy, theo năm tháng qua đi,  có nhiều người quên, nhưng nhân chứng là những con tem vẫn lưu giữ sẽ nói lên tất cả.

Gặp bác Hùng tại một phiên chợ tem, tôi thấy bác quan tâm đến tem Kouang – Tchéou. Bác Hùng nói: “Những con tem vùng lãnh thổ nhượng địa khá hiếm”. Bác còn nói thêm với những người bán tem: “Nếu có tem nhượng địa đẹp, hãy để cho tôi”. Nhìn từng con tem, bác Hùng có thể nói một hồi dài về thời điểm ra đời, thuộc bộ tem nào, có giá trị ra sao, giá cả trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Những bạn chơi tem ở TPHCM tâm đắc: “Bác Hùng là người không giấu nghề. Bác mua được con tem Quảng Châu Loan quý, thường nói với mọi người vì sao nó quý. Bởi vậy, mọi người biết để cùng chú ý sưu tập”.

Trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ cũng tò mò tìm hiểu vì sao lại có những con tem Indochine lại phát hành ở Trung Quốc! Giá trị của chúng như thế nào? Sinh động nhất là những chiếc bì thư được gửi từ Sài Gòn đi Quảng Châu Loan được dán những con tem nhượng địa bé xíu được cất công sưu tập.

Chơi tem 'Kỳ thứ sáu Đông Dương' ảnh 2

Tem in hình trẻ em thời đó

Đấu giá

Tem Quảng Châu Loan chia làm nhiều loại.

Đầu tiên là tem lính, trong đó có in hình  những người lính Pháp cầm vũ khí với chữ Kouang – Tchéou được in thẳng lên tem. Ngoài ra còn có hình lính Pháp cầm súng, phía sau là những dãy nhà của người Hoa, chữ Kouang – Tchéou được in đè lên tem.  Có tem in hình lính bản địa, đội nón, tay cầm súng trường, đeo túi ngang hông. Theo các sử liệu thì Pháp đánh giá cao vị trí quân sự của Quảng Châu Loan nên đặt nhiều lính Pháp đồn trú tại đây để bảo vệ Đông Dương từ xa.

Tem Kouang – Tchéou còn có tem sinh hoạt, mô tả cảnh chị bồng em (màu đỏ), mẹ cho con bú (màu xanh). Những con tem này được đóng dấu Kouang – Tchéou đè lên tem, cho phép sử dụng tại khu vực Quảng Châu Loan.

Tem phong cảnh đền đài Indochine (đỏ và xanh) cũng được đóng dấu Kouang – Tchéou đè lên để sử dụng cho vùng đất thuộc địa. Ngoài ra còn có tem hình thiếu nữ Pháp (xanh) khổ lớn…

Bác Hùng nhận xét: “Những con tem Quảng Châu Loan đẹp có thể giá hàng triệu đồng nhưng không có để mua”. Hiểu thế nào là một con tem đẹp cũng tùy nhận định từng người. Tuy vậy theo bác Hùng, tem  Đông Dương Indochine chủ đề nhượng địa luôn thú vị và khó kiếm.

“Tôi phải săn lùng trên mạng để đấu giá tem nhượng địa, trong đó có tem Kouang – Tchéou – Anh Tuấn nói – nhờ có internet nên tôi có thể kết nối được với người chơi tem Quàng Châu Loan toàn thế giới”. Mới đây, anh Tuấn đã đấu giá thắng một bộ tem Quảng Châu Loan và đưa về Việt Nam với sự hân hoan của mọi người. Tuy vậy, tem lẻ khá nhiều nên việc các nhà sưu tầm kiếm được đủ một bộ tem Kouang – Tchéou không dễ.

Nhà sưu tầm Trần Trọng Khải kêu: “Internet giúp mọi người hiểu thêm về các loại tem Đông Dương nhưng cũng khiến việc chơi tem ngày càng trở nên đắt đỏ. Giá các loại tem đều tăng, nhất là tem kèm phong bì nguyên gốc”. Tem rõ, mới, nếu kèm cả phong bì người gửi có thể có giá hàng ngàn USD.

Không chỉ người Việt Nam sưu tầm

Có mặt tại chợ tem TPHCM vào cuối tuần, chúng tôi gặp một số vị khách nước ngoài, trong đó nhiều vị khác đến từ Trung Quốc. Họ cũng sưu tầm mua tem Kouang – Tchéou.

Anh Tuấn giới thiệu: “Khách nước ngoài cung cấp tem cho chúng tôi cũng có, mua của chúng tôi cũng có. Chợ tem mở cửa hôm nào thì hôm đó đều có khách nước ngoài tới săn tem”.

Nhà sưu tầm Trần Trọng Khải tâm sự với phóng viên bên lề chợ tem: “Người Việt ta mua bán tem nhiều hơn chơi tem. Được giá, người sưu tập sẽ bán đi kiếm lời mà không nghĩ rằng sau này có nhiều tiền hơn cũng không thể mua lại được. Điểm mặt lại những con tem quý hiếm, phần nhiều đều rơi vào tình trạng chảy máu tem ra nước ngoài mất rồi”.

Viết Vĩnh, một tay chơi tem công phu từng được giải thưởng quốc tế cho bộ sưu tập tem Đông Dương của mình cũng nói: “Giới chơi tem ngày nay không còn hùng hậu như xưa. Các bác lớn tuổi đã nghỉ ngơi, không đủ sức theo nghề chơi. Lớp trẻ giờ không biết thói quen gửi thư tay, chẳng biết về tem. Để có một bộ tem Đông Dương đầy đủ, tôi phải bỏ ra khoảng chục năm trời, không phải chuyện mốt sớm một chiều!”.  Một bộ tem Đông Dương đầy đủ, chắc chắn phải có tem Quảng Châu Loan. Vì người bán không xé lẻ, lắm khi chỉ vì một con tem còn thiếu mà người ta phải mua cả bộ tem lớn.

Trao đổi cùng phóng viên, anh Tuấn, chuyên gia đấu gia tem trên mạng vui vẻ kể: “Tôi lại vừa đấu thắng một bộ tem Kouang – Tchéou. Ngày càng nhiều người thích sưu tầm tem các vùng thuộc Liên bang Đông Dương xưa kia, trong đó tất nhiên không thể thiếu tem Quảng Châu Loan, một vùng đất nửa thế kỷ liền trực thuộc Liên bang Đông Dương nên rất nhiều thư từ, bưu ảnh và tem các loại”. 

Chơi tem 'Kỳ thứ sáu Đông Dương' ảnh 3

Tem lính Liên bang Đông Dương phát hành ở bưu cục Quảng Châu Loan

MỚI - NÓNG