Ngày 25/7/2020, dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, với bệnh nhân đầu tiên mang số hiệu 416. Thì chỉ ngày hôm sau, lần lượt thêm những bệnh nhân 417 và 418. Để rồi gây “tranh cãi”, sau khi báo chí đăng thông tin, rằng “hai ông 416 và 418 lây nhau vì cùng sinh hoạt tổ thơ”(!), cho đến khi Hội Nhà văn Đà Nẵng phải cải chính.
Rồi sững sờ khi hay tin bệnh nhân 418 đã qua đời tại BV TƯ Huế từ hôm 12/8 sau hơn nửa tháng điều trị. Trước đó, ông có thời gian chăm bệnh cho cha già 85 tuổi ở Bệnh viện Đà Nẵng. Đến ngày 28/7, cha ông tử vong (được xác định không phải do dịch bệnh COVID-19). Hai cái tang chồng chất trong vòng nửa tháng…
Nhớ lại, tôi đã từng có lần gặp nhà thơ Giang Hà Vỹ, tại cuộc ra mắt tập thơ của Thầy tôi, nhà giáo, nhà thơ Phong Lệ Ông Văn Khôi. Hồi Tết vừa rồi, nghe Thầy tôi kể về bản thảo truyện thơ “Cho mượn kiếp người” của ông, mà Thầy đang biên tập và viết lời giới thiệu. Cuối tháng 5 mới đây, lễ ra mắt tập truyện thơ này, tôi cũng nhận được giấy mời, nhưng sau không đến dự được.
“Cho mượn kiếp người” là câu chuyện về Kun, chàng tiều phu mồ côi hiền lành chất phác sống một mình giữa đại ngàn bên dòng Tami nơi dãy núi Japilan hùng vĩ. Một lần, chàng cứu sống con Sói xám bị thương. Cảm kích về con người, Sói xám xin chàng Kun được “đổi lốt” cho nhau. Sói muốn thử làm người để hiểu hơn về lòng người. Còn chàng Kun, cũng muốn thử một lần mang lốt thú, để thấu hiểu hơn về đời sống muông thú mà chàng vốn rất thương yêu. Giao kết có thời hạn 3 năm, với sự cho phép và chứng giám của Thổ Địa và Diêm Vương nơi động Vô Hồn…
Mang lốt sói, chàng Kun mới thấu hiểu cuộc đấu tranh sinh tồn quyết liệt, sự bất công “mạnh được, yếu thua” trong đời sống các loài vật. Chàng dũng cảm tử chiến với sói đầu đàn Gou tàn độc, để bênh vực, bảo vệ những đồng loại yếu thế. Rồi sau đó, lòng tốt được đáp đền bằng lòng tốt, chàng lại được bảo vệ bởi những loài vật khổng lồ hơn, như Nhân tinh Laho. Dù thế nào, Kun vẫn mang trong mình một trái tim nhân hậu, một ý thức sống mãnh liệt, một khả năng chiến thắng cái xấu, cái ác để hoàn thiện mình hơn.
Còn Sói xám, khi mang hình dáng cao lớn, đẹp đẽ của chàng Kun cho mượn, với cái tên mới là Đường Vân, ban đầu cũng ít nhiều thể hiện phẩm chất tốt đẹp. Sau lần lao mình xuống suối cứu tiểu thư xinh đẹp Âu Nhiên ái nữ của một viên quan, giữa hai người tình yêu nảy nở. Nhưng khi trở thành chàng rể trong gia đình viên quan ấy, bạc tiền, vật chất, quyền thế đã khiến Đường Vân biến đổi, sống sa đọa, bạc đãi người vợ trẻ. Hòng duy trì mãi lốt người, và đời sống nhung lụa đang hưởng thụ, hắn huy động tay chân vào rừng quyết tìm giết bằng được “sói” Kun.
Nhưng cuối cùng, dù thế nào thì công lý, công bằng vẫn được lập lại. Như là lẽ đời. Sói lại buộc phải về với lốt sói, người vẫn trở lại làm người. Sói xám - Đường Vân sau đó bị chính tay chân của hắn tiêu diệt. Còn chàng tiều Kun, khi nàng Âu Nhiên tìm đến lều cỏ, gặp nhau, nàng dần hiểu ra sự thật. Rằng đây mới chính là người nàng yêu: “Chàng về lại tình thương chưa cởi mở/Nhưng tình yêu thiếp vẫn giữ với chàng”. Hai người sau đó sống hạnh phúc bên nhau nơi lều cỏ giữa đại ngàn trong cuộc sống lao động thanh sạch…
212 trang thơ được chia thành 20 chương, với lối viết tự do, câu ngắn, phóng khoáng, hầu như không theo niêm luật, “Cho mượn kiếp người” là cả một kỳ công, và sự thấu triệt triết lý nhân sinh của tác giả. Truyện thơ gợi không khí của những trường ca Hy Lạp, Ấn Độ cổ đại, lại phảng phất chất sử thi Tây Nguyên. Ở những nét vẽ thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, ở chất ngụ ngôn khoáng đạt, lấp lánh về đời sống con người, đời sống muôn loài, và cả đời sống tâm linh…
Đây là khát vọng, sự mời gọi của đời sống thiên nhiên hoang dã: “Đi mới thấy đời mình ngắn lại/Một trăm năm không so được với trời/…Hãy tự do đi đến cùng trời cuối đất/Thấy bạt ngàn cùng những thú hoang sơ/Cho anh biết thế giới này thật sự/Trong yêu thương cũng có tiếng gầm gừ/Có tiếng hú hòa tiếng gào bạt ngàn gió núi/Có tiếng gầm vang làm rung chuyển sao đêm”…
Đây là cảnh đôi sói hoang bị kẻ thù truy đuổi đến đường cùng:“Những ngày sau khi tuyết tràn xuống núi/Kun, Sila hai con sói xuống đồi/Để những dấu chân dài trên tuyết/Đi cùng nhau xuống đến tận thác reo/Con thác đó trên thượng nguồn Tami chảy/Cuộn tràn về tên gọi thác Rakly/Chảy trắng xóa đổ dồn theo vách đá/Bọt tung như ngồn ngộn áng mây về…”.
Những lời minh triết của Nhân tinh khổng lồ biệt danh Laho Im Lặng: “Ta biết ngươi là người biến dạng/Mượn xác thân để sống với muôn loài/Muốn hòa với những thâm uy hoang dã/Muốn hiểu sâu những huyền bí rừng thiêng…”. Và lời cảnh báo đến những bầy người độc ác săn bắn tận diệt thú rừng để thỏa mãn cơn khát thèm “Thích diệt trừ tình thú giữa rừng hoang/Họ diệt vật thì rừng thiêng trừng trị/Trong hoang dại luôn có cái lạ thường/Ta chỉ ra tay trừng phạt ác nhân/Chúng đến chiếm thì ta là quỷ dữ/Bọn chúng đi ta im lặng ẩn thân”…
Mấy trăm trang, nhưng truyện thơ – một thể loại văn chương mà người viết chỉ còn đếm đầu ngón tay này dễ dàng đọc liền một mạch theo diễn tiến lôi cuốn của câu chuyện, cá tính các nhân vật. Với những vần thơ vừa mộc mạc, chân tình, vừa lãng mạn lóe sáng khơi gợi nhiều bài học nhân sinh.
“Vạn năm trước con người trong lều cỏ/Tự học khôn từ đời sống sinh tồn”.
Giờ thì người thơ ấy đã vội khuất xa, theo một cách thật khó hình dung. Như câu truyện thơ đầy dị thường của ông.
Truyện thơ “Cho mượn kiếp người” của nhà thơ Giang Hà Vỹ
Nhà thơ Giang Hà Vỹ, tên thật là Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1959, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Theo thông báo của Bộ Y tế, sau thời gian điều trị, ông đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, do biến chứng nặng của suy thận, tắc nghẽn phổi mãn tính, nên ông đã không qua khỏi…