Điện thoại có thể khiến cho tình bạn trở nên căng thẳng chỉ bởi sự tò mò không đúng lúc (ảnh minh họa). |
Gọi điện nhờ tới... hết cả tiền
Hồng Thanh (18 tuổi) từng là nạn nhân khi 50.000 tiền thẻ điện thoại vừa mới nạp hôm trước, hôm sau đã hết bay. Vì nể bạn bè nên Thanh không ngại cho mượn điện thoại để gọi điện. Nhưng không ngờ, cuộc điện thoại ấy kéo dài tới... 30 phút.
Khi nhận lại điện thoại trong tay, khẽ bấm kiểm tra tài khoản, Thanh không tin nổi vào mắt mình. Vừa xót tiền lại vừa bực mình khi người bạn đó chẳng những không xin lỗi mà một tiếng cảm ơn cũng không có, nhưng ngại bạn bè nên Thanh không nói gì, chỉ biết ngậm ngùi và lần sau thì cạch những người bạn vô ý vô tứ như vậy.
Hồng Phong (19 tuổi) vốn nổi tiếng là tốt bụng trong lớp, lúc nào cũng sẵn lòng cho bạn bè mượn đồ. Bình thường mọi người ở lớp để quên điện thoại hay điện thoại hết tiền, Phong đều sẵn sàng cho mượn mà không hề tính toán.
Thế nhưng, đến khi Phong chẳng may để quên điện thoại ở nhà thì lại chẳng ai cho mượn. Ai cũng nhìn Phong bằng ánh mắt ái ngại với lý do “điện thoại tớ cũng hết tiền mất rồi”.
Nhắn tin... xem luôn cả hộp thư
Thông thường teen sử dụng điện thoại chủ yếu để nhắn tin và thường có thói quen lưu lại những tin nhắn cũ. Điều này là hoàn toàn bình thường và không có vấn đề gì. Tuy nhiên, những tin nhắn kín đó có thể đem lại rủi ro cho bạn nếu những chúng bị lọt ra ngoài.
Như trường hợp của Thùy Linh (19 tuổi), một lần vì cho bạn bè mượn điện thoại để nhắn tin mà Linh bị... cả lớp tẩy chay. Nguyên nhân là do người bạn đó đã đọc trộm tin nhắn của Linh và phát tán chúng ra ngoài.
Mọi người trong lớp tỏ ra vô cùng bức xúc khi biết được Linh nhắn tin với một người bạn khác để nói xấu một vài bạn trong lớp. Linh cho rằng trong một tập thể chắc chắn sẽ có người mình thích và người mình không thích.
Những tin nhắn đó chỉ là để chia sẻ tâm sự và không hề có ý gì. Mặc dù không ưa nhau nhưng vẫn có thể nói chuyện như bạn bè thông thường ở lớp chứ không tới mức như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, dù thanh minh thế nào thì Linh cũng không thể lấy lại được tình cảm như trước đây, chỉ biết trách số đen và người bạn xấu tính kia.
Bộ sưu tập ảnh cũng không tha
Với những chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh, teen thường dùng để “tự sướng” và lưu lại những hình ảnh đó làm kỷ niệm. Việc cho bạn bè mình mượn để xem ảnh là điều bình thường.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi chủ nhân chiếc điện thoại không cho phép nhưng người mượn vẫn cố tình “đột nhập” để xem trộm là điều không nên. Thậm chí, điều đó còn mang lại nhiều rắc rối về sau.
Chẳng hạn, nhiều bạn có sở thích chụp ảnh trong phòng tắm. Đó là những bức ảnh cá nhân thì hoàn toàn được phép. Thế nhưng, chỉ cần phát tán trên mạng là ngay lập tức sẽ trở thành đề tài “hot” bị bàn tán, “săm soi” ngay lập tức. Nhiều teen từng khốn khổ khi bỗng dưng thấy ảnh mình trên các diễn đàn với những dòng bình luận vô cùng phản cảm mà không hiểu vì sao lại vậy?
Vô vàn những điều bất tiện khác
Nhiều teen vô cùng bức xúc khi cho bạn bè mượn điện thoại mà mãi mới nhận lại được. Nói là mượn một lát nhưng tới nửa buổi mới thấy trả. Hay mượn điện thoại dùng tới khi hết pin mới hoàn lại cho chủ nhân.
Xuân Lan (19 tuổi) vô cùng bức xúc khi cô bạn thân mượn điện thoại và tự động bắn tiền sang máy mình. Mặc dù là bạn thân nhưng ít nhất cũng phải có phép lịch sự tối thiểu.
Lan cho biết: “Mình không quá tiếc tiền vì nó cũng không đáng là bao nhưng làm như vậy rất bất lịch sự. Bạn ấy chỉ cần hỏi mình một câu thôi là được. Tự tiện làm vậy không hay một chút nào”.
Điện thoại di động được coi là đồ dùng cá nhân. Do đó, dù là mượn để làm gì thì bạn cũng không nên truy cập vào những mục khác khi chủ nhân chiếc điện thoại không cho phép. Nó có thể chứa những nội dung thông tin nhạy cảm mà người ngoài không nên biết.
Lịch sự mượn và trả sẽ tạo được lòng tin nơi bạn bè, đồng thời cũng là cách để nâng cao ý thức bản thân. Đừng vì một phút tò mò mà gây hậu quả khôn lường, bạn ạ.