Chợ 'lạ' giữa đường rừng

Khung cảnh nhộn nhịp người bán, người mua của phiên “chợ giữa rừng”. Ảnh: Tr. Định
Khung cảnh nhộn nhịp người bán, người mua của phiên “chợ giữa rừng”. Ảnh: Tr. Định
TPO - Đó là một cái chợ di động đặc biệt của đồng bào miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định). Chợ không họp theo phiên, theo tháng mà chợ họp bất cứ lúc nào, nơi nào giữa vùng rừng núi mỗi khi có dịp.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một cái chợ “thập cẩm” được thu nhỏ trên những chiếc xe máy cà tàng giữa một vùng rừng núi. Chủ chợ đa phần là phụ nữ, lúc nào trên gương mặt họ cũng nhễ nhại mồ hôi, khoác bên ngoài chiếc áo dài tay cũ mèm, đôi tay gân guốc, phải oằn lưng vượt hàng chục cây số đem hàng hóa tới bán cho người dân mặc cho mưa, nắng.

Những bó rau, miếng thịt, cá, tôm, muối, mắm, dầu ăn, xoong chảo, quần áo... được đèo gánh trên chiếc xe máy đi đến con đường duy nhất tiếp giáp với vùng sâu, vùng xa và bán cho người dân nơi đây. Đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của người dân huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định).

Chợ không rao bán ồn ào, những người bán dừng xe lại là có người hỏi mua hàng ngay. Không phải là một mà là hàng chục người, vây thành lớp để mua cho kịp hàng. “Mấy ngày trước nghe tin sẽ có đoàn từ dưới thành phố lên tặng quà cho bà con nên mới lấy ít hàng đem lên đây để bán, chứ ít khi có dịp bà con tập trung xuống đông như thế này lắm. Trước kia cũng hay mang đồ lên tận làng O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh) để bán nhưng đi riết rồi cũng mỏi tại đường lên làng xa quá, đồi dốc nên lâu lâu mới lên một lần, tìm hiểu bà con đồng bào họ cần những gì thì mới mang lên đó bán cho họ”, tiểu thương chia sẻ.

Để đến được làng O2, phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng đi bộ, vượt qua những con dốc dựng đứng mới tới được ngôi làng. Trong câu chuyện của người dân làng O2 với bất cứ người khách nào, chuyện về một con đường để giao thương luôn là phần mở đầu và cũng là lời nhắn gửi khi tạm biệt nơi đây. Đời sống của dân tại làng O2 luôn gặp rất nhiều khó khăn, nông sản làm ra chủ yếu là để phục vụ cho đời sống của người dân.

Những phiên “chợ giữa rừng”, không hẹn trước luôn là một điều gì đó thật gần, như sợi dây gắn kết giữa miền xuôi và miền ngược. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà nó còn là một hình ảnh thân thuộc, là địa chỉ tìm đến và dừng chân của bà con đồng bào Ba Na hàng chục năm qua mỗi khi có dịp.

Cuộc sống của người dân ở đây lâu nay chủ yếu là tự cung, tự cấp. Cái gì thật sự cần thiết thì người dân trong làng mới xuống dưới xuôi cõng lên nhưng đường đi vất vả. Trước kia người dưới xuôi cũng hay đem đồ lên đây buôn bán, trao đổi nhưng rồi cũng thưa dần. Những phiên chợ không hẹn trước như thế này bà con vui lắm, bữa ăn cũng được cải thiện lâu nay bà con trồng được cây gì, săn được con gì thì ăn chứ mấy món đây trên làng làm sao có, ông Đinh Văn Lời – Trưởng thôn O2, chia sẻ.

Giá bán các mặt hàng ở “chợ giữa rừng” như rau, củ quả, thịt heo, cá… chênh lệch chỉ vài nghìn đồng so với giá bán tại các chợ dưới xuôi. Thế nhưng, với những người dân vùng cao thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) quanh năm gắn bó với nương rẫy thì những giỏ hàng như thế là cả một “siêu thị” không dễ gì gặp.

 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 1 Một cái chợ “thập cẩm” được thu nhỏ trên những chiếc xe máy cà tàng giữa một vùng rừng núi. Ảnh: Tr. Định
 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 2 Những món hàng hiếm gặp của bà con đồng bào tại đây. Ảnh: Tr.Định
 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 3 Người dân tập trung, vây thành vòng để mua cho kịp hàng. Ảnh: Tr.Định
 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 4 Một phiên chợ không quá ồn ào, người bán lẫn người mua đều vui vẻ không trả giá. Ảnh: Tr.Định
 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 5 Những gói bánh luôn là món quà yêu thích dành tặng các con ở nhà. Ảnh: Tr. Định
 Chợ 'lạ' giữa đường rừng ảnh 6 Với đồng bào dân tộc nơi đây, chợ di động giữa đường rừng đã giúp giải quyết những nhu cầu thiết thân hàng ngày. Ảnh: Tr.Định
MỚI - NÓNG