TPO - Mặc dù Tết ông Công, ông Táo năm nay diễn ra trùng thời điểm làn sóng COVID-19 mới ở nước ta bùng phát khiến nhiều người dân hạn chế ra ngoài nhưng các tiểu thương cho biết lượng cá năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đã thành thông lệ, sát ngày cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời (23 âm lịch), tiểu thương chợ cáYên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) - Chợ thuỷ sản đầu mối lớn nhất Hà Nội - lại tấp nập hơn thường nhật bởi lượng người đến mua cá chép đỏ tăng cao.
Chị Lục Hạnh, chủ sạp cá ở chợ Yên Sở cho biết, từ 5 giờ sáng ngày 20 âm lịch, nhiều tiểu thương đã đến chợ lấy hàng rồi phân phối đi khắp các chợ khác trên địa bàn Hà Nội.
Mặc dù Tết ông Công, ông Táo năm nay diễn ra trùng thời điểm làn sóng COVID-19 mới ở nước ta bùng phát khiến nhiều người dân hạn chế ra ngoài nhưng các tiểu thương cho biết lượng cá năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Khi dịch COVID -19 bùng lại, tôi cũng tưởng không bán được cá, nhưng càng ngày càng “cháy”. So với năm ngoái thì năm nay giá cũng tăng vài lần. Nếu năm ngoái chúng tôi bán 80.000 đồng/kg thì năm nay lên tới 120.000 -150.000/kg. Còn trong ngày 22 âm lịch này (3/2 dương lịch) thì 250.000 đồng/kg cũng không đủ bán”, bà Vũ Thị Cúc (48 tuổi), tiểu thương ở chợ Yên Sở cho biết.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc về một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no. Chính vì thế mà phong tục này vẫn đang được phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ sau này hiểu được về văn hóa dân tộc.
Ngoài ý nghĩa là “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Bởi trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.