Chính quyền đô thị: Chuyển trách nhiệm tập thể sang cá nhân

Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai chính quyền đô thị trong nhiều lĩnh vực Ảnh: N.H
Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai chính quyền đô thị trong nhiều lĩnh vực Ảnh: N.H
TP - Bộ Nội vụ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) trình Ban cán sự Đảng. Và ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... mô hình CQĐT cũng đã sẵn sàng...

> Cần tính tới việc dân bầu trực tiếp người đứng đầu đô thị

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, ngày 30-7 tới, Đề án mô hình CQĐT này sẽ được trình Ban cán sự Đảng xem xét lần thứ nhất.

Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai chính quyền đô thị trong nhiều lĩnh vực Ảnh: N.H
Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng triển khai chính quyền đô thị trong nhiều lĩnh vực.  Ảnh: N.H.

Sẽ đoạn tuyệt với chính quyền nông thôn

Từ cuối năm 2011, Đà Nẵng là địa phương tiên phong trên cả nước trong việc hoàn thành đề án mô hình CQĐT dưới cả góc độ pháp lý, cơ sở thực tiễn, tính khoa học để trình các cấp T.Ư.

Theo đó, chính quyền đô thị là một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm cơ quan quyền lực nhà nước địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương (đổi tên từ UBND thành Ủy ban hành chính - UBHC).

Trong đó, quận và phường là cấp hành chính trung gian và không có HĐND, không được cấp ngân sách, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện một số chức năng quản lý thông suốt của chính quyền cấp trên.

Ủy ban hành chính thành phố do Chủ tịch (Thị trưởng) đứng đầu, UBHC quận, huyện do Quận trưởng đứng đầu, chuyển từ chế độ làm việc tập thể của HĐND hiện nay sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của Quận trưởng.

Các bộ máy sở, ban ngành của UBHC cũng được tổ chức sắp xếp lại tránh tình trạng chồng chéo và thực hiện chức năng giải quyết các lĩnh vực ngành, chuyên môn, quản lý theo ngành dọc.

Một số cơ quan chuyên trách có sự thay đổi, như công an, tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) với các mô hình Cảnh sát đô thị trong chính quyền đô thị; các TAND, VKSND được thành lập theo khu vực, thay vì từng quận, huyện như hiện nay. Có thể 1 TAND phụ trách nhiều địa bàn…

Theo ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, mô hình đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học với các đặc trưng nổi bật: Bộ máy nhanh nhạy, kịp thời, đồng bộ, thông suốt và thống nhất phù hợp với đặc tính của các đô thị để “cởi trói” cho các thành phố lớn thoát khỏi mô hình chính quyền nông thôn hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng: Vấn đề cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để mô hình CQĐT có thể triển khai thực tế.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, kiến nghị: Trung ương nên sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng các cấp phù hợp, ban hanh các văn bản pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, các mô hình, giải pháp kiến nghị từ các địa phương sẽ được Bộ tổng hợp vào đề án, trình Ban cán sự Đảng, Chính phủ xem xét.

Mô hình CQĐT sẽ là một bước chuyển lớn, thay một cách toàn diện bộ máy tổ chức nhà nước, nhân sự từ trung ương đến địa phương. Do đó cần đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, đến hành lang pháp lý phù hợp.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi về quy mô dân số, cơ sở hạ tầng, phân bổ dân cư, công tác quản lý hành chính ở các đô thị đang đặt ra đòi hỏi việc “cởi trói” khỏi mô hình chính quyền nông thôn bằng CQĐT. Bản thân các thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… tồn tại cơ chế đặc thù về đầu tư, ngân sách.

Câu chuyện siết nhập cư ở Đà Nẵng mới đây cho thấy nền tảng manh nha một mô hình quản lý mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, nhấn mạnh: Với đặc thù tốc độ đô thị hoá cao, cải cách đơn vị hành chính tinh gọn, chủ động thay đổi đội ngũ cán bộ công chức về năng lực, trình độ, khả năng ứng dụng CNTT… Đà Nẵng đã sẵn sàng tham gia thí điểm xây dựng mô hình CQĐT.

Ông Ngữ cũng nhận định: Đà Nẵng có đến 80% cư dân đô thị cùng nhiều chính sách phát triển cư dân đô thị như chương trình nhà ở, thành phố môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...

Từ lâu, công tác quản lý được triển khai theo hướng đồng bộ khép kín, bước đầu hình thành các tổ chức chuyên ngành phục vụ công tác đô thị thành phố, như: Ban giải tỏa đền bù, vệ sinh môi trường, Sở cảnh sát PCCC; từng bước hình thành cơ sở hạ tầng đô thị, điều hành theo mô hình chính quyền điện tử.

Cũng theo ông Ngữ: CQĐT được triển khai có lộ trình, từng bước. Đà Nẵng còn nhiều cơ quan hành chính cấp xã tại huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa hiện nay, tương lai không xa sẽ lên cấp quận, phục vụ chung mô hình CQĐT.

Ban đầu có thể vẫn còn chính quyền cấp quận và quận trưởng là người đứng đầu, nhưng một thời gian sau sẽ không còn chính quyền cấp quận nữa. Để tạo sự chuyển tiếp hài hòa, phù hợp và không xáo trộn tổng thể cơ quan hành chính nói chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG