Chính quyền day dứt khi người dân quyên sinh

Chính quyền day dứt khi người dân quyên sinh
Chiều 30/4, ông Hồ Trung Việt, chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết bản thân ông thấy rất đau xót trước việc chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (TP Cà Mau) treo cổ quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẫn và bế tắc.

Chính quyền day dứt khi người dân quyên sinh

> Thư tuyệt mệnh của người mẹ tự vẫn vì chồng con
> Người mẹ tự vẫn vì chồng con

Chiều 30/4, ông Hồ Trung Việt, chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết bản thân ông thấy rất đau xót trước việc chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (TP Cà Mau) treo cổ quyên sinh vì cuộc sống quá túng quẫn và bế tắc.

Anh Đinh Hoài Bảo - chồng chị Nhân - giờ chỉ còn một mình gánh vác việc nuôi ba con tiếp tục ăn học theo di nguyện của người vợ xấu số. Ảnh: Tấn Thái
Anh Đinh Hoài Bảo - chồng chị Nhân - giờ chỉ còn một mình gánh vác việc nuôi ba con tiếp tục ăn học theo di nguyện của người vợ xấu số. Ảnh: Tấn Thái.

Đã một tuần trôi qua sau khi chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) treo cổ quyên sinh (ngày 24/4) vì cuộc sống quá túng quẫn và bế tắc. Cách chị Nhân chọn đến cái chết làm nhiều người có trách nhiệm nhận thấy đây là bài học sâu sắc dù đã muộn màng.

Chiều 30/4, ông Hồ Trung Việt - chủ tịch UBND TP Cà Mau - cho biết bản thân ông thấy rất đau xót trước vụ việc xảy ra với gia đình chị Nhân.

Ông Việt chia sẻ: “Chuyện quyên sinh của chị Nhân dù nguyên nhân chính là sức ép từ bệnh tình, tiền học của các con nhưng chính quyền cơ sở có lỗi một phần khi chưa sâu sát, chậm phát hiện để có sự trợ giúp kịp thời. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với chính quyền ấp 5, xã An Xuyên trong điều hành, chăm lo đời sống nhân dân”.

Theo ông Việt, UBND TP Cà Mau đã chỉ đạo Hội khuyến học trợ giúp các con của chị Nhân tiếp tục ăn học. Về lâu dài, phía chính quyền xã An Xuyên cần khẩn trương hoàn tất việc xem xét, đề xuất xét cấp sổ hộ nghèo, cận nghèo cho gia đình chị Nhân theo đúng trình tự quy định.

Chưa sâu sát

Cái chết thương tâm của chị Nhân làm nhiều cán bộ ở ấp 5, xã An Xuyên “giật mình”. Ông Phạm Văn Tươi (trưởng ấp 5) cho biết hiện trên địa bàn ấp 5 có năm hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo.

Theo ông Tươi, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm địa phương công bố số liệu hộ nghèo của ấp. Tuy nhiên, ngày 18/11/2012, khi ấp 5 công bố số liệu hộ nghèo năm 2013 thì gia đình chị Nhân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Tại cuộc họp này, chị Nhân cũng phản ảnh xem xét cho gia đình vào danh sách hộ nghèo. Ấp có ghi nhận và phản ánh về xã xem xét cho chị nhưng không được.

Nguyên nhân là vì nhà chị Nhân có năm người, trong đó có hai lao động chính. Anh Bảo đi làm phụ hồ được 3 triệu đồng/tháng, chị Nhân đi giúp việc nhà khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập gia đình chị Nhân 5 triệu đồng/tháng chia cho năm nhân khẩu thì không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Theo quy định hiện hành, hộ nghèo có thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/tháng/khẩu, hộ cận nghèo thu nhập bình quân 400.000-520.000 đồng/tháng/khẩu. Với quy định này, hộ chị Nhân không đủ tiêu chuẩn.

Khi được hỏi liệu ấp có bị áp lực sợ số hộ nghèo cao nếu đưa gia đình chị Nhân vào diện hộ nghèo, ông Tươi nói: “Chúng tôi thấy hoàn cảnh gia đình thật khó khăn. Nhưng nếu chúng tôi đưa gia đình chị Nhân vào thì sai quy định, khi cấp trên kiểm tra thì chúng tôi khó ăn nói”.

Chia sẻ về cái chết của chị Nhân, ông Nguyễn Tiến Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau - nói: “Qua rà soát bước đầu, thời điểm chị Nhân chưa bị bệnh đúng là không đủ chuẩn để xét hộ nghèo hoặc cận nghèo mặc dù gia cảnh của chị hết sức khó khăn. Dù vậy, nếu chính quyền cơ sở linh hoạt hơn, khéo léo hơn thì kết cục không thê lương như vậy. Chúng tôi cũng thành tâm chia sẻ với gia đình và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát, giúp đỡ các con chị, không để các em bỏ học”.

Theo ông Trương Minh Hoàng - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, dù là trường hợp của chị Nhân hay với bất kỳ trường hợp nào quyên sinh vì sức ép bệnh tật, tiền bạc lo cho con cái ăn học trong khi đã cầu cứu chính quyền mà đoàn thể, chính quyền nơi ấy không có biện pháp giúp đỡ là chưa sâu sát, còn hời hợt trong công tác quản lý và chăm lo cho đời sống người dân.

“Qua chuyện ấy, chúng tôi cũng nhận thấy một số chính sách chăm lo của Nhà nước cần được bổ sung, hoàn thiện để sát thực tế hơn” - ông Hoàng nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Tiến (chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp 5), ba hôm trước khi chị Nhân mất, Hội phụ nữ ấp 5 có xét cho chị Nhân vay tương trợ 1,3 triệu đồng, định đến cuối tháng 4 giao.

“Tôi cũng là chỗ gần gũi thân quen với chị Nhân nên tôi biết gia đình chị thật sự rất khó khăn. Chị có nói muốn các con ăn học vươn lên thoát nghèo, muốn các con đổi đời bằng con đường học tập. Nhưng thật tình hoàn cảnh nhà chị khó khăn quá: không ruộng đất, chỉ làm thuê làm mướn khó lo nổi tiền học cho ba đứa con” - bà Tiến tâm sự.

Không được tư vấn kịp thời

Chiều 30/4, bà Trần Thị Sự - giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau - cho biết ngoài trường hợp hộ nghèo và cận nghèo, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn áp dụng cho học sinh, sinh viên vay tiền đi học trong trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đối chiếu với trường hợp chị Nhân là một trong hai lao động chính của gia đình nhưng bị bệnh, mất sức lao động, tạo thêm gánh nặng cho cả nhà, phương hại đến việc học của các con thì được coi là diện có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Nếu được tư vấn kịp thời tới nơi tới chốn, chị Nhân hiển nhiên được vay vốn cho con đi học.

Trong khi đó, theo lời anh Đinh Hoài Bảo (49 tuổi, chồng chị Nhân), cuộc sống gia đình bắt đầu chật vật khi con trai lớn Đinh Công Bằng đi học ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2011. Dù tiền ăn, tiền ở con tự lo, nhưng học phí thì gia đình phụ giúp (7-8 triệu đồng/năm học).

“Thấy học phí nhiều quá, vợ tôi mới ra ấp và xã xin cấp sổ hộ nghèo để con vay tiền đóng học phí. Trước đó, khi làm giấy xác nhận gia đình khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội không cho vay. Còn vợ tôi xin sổ hộ nghèo không phải vì muốn được hưởng trợ cấp mà muốn được vay tiền cho con đi học nhưng mấy anh chính quyền địa phương chỉ hứa chứ không giải quyết cấp sổ hộ nghèo”.

Anh Đinh Hoài Bảo cho biết từ ngày vợ mất đến giờ anh ở nhà tạm thời lo công việc gia đình, chưa đi làm phụ hồ trở lại. Khi chị Nhân mất, bà con hàng xóm, các hội từ thiện, chính quyền địa phương hỗ trợ hàng, gạo, công sức... lo đám ma nên không để lại nợ nần gì.

Khi được hỏi chị Nhân mất, còn lại mình anh có lo nổi cho ba con đi học, anh Bảo trầm ngâm: “Khi vợ tôi mất, tôi có hứa là sẽ không để các con bỏ học giữa chừng. Vợ chồng tôi làm cực khổ bấy lâu là để nuôi con ăn học đàng hoàng. Tôi sẽ làm hết khả năng mình lo cho các con, tôi muốn các con tôi thoát nghèo bằng con đường học vấn”.

Anh Bảo cũng cho biết hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn: số tiền anh nợ hai ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội) tổng cộng 35 triệu đồng, tiền vay mượn bà con hàng xóm gần 10 triệu đồng.

Ngày 30/4, ông Lê Văn Be (cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội xã An Xuyên) cho biết Đảng ủy, UBND xã An Xuyên vừa họp và chỉ đạo vào ngày 2/5, các đoàn thể xã sẽ họp xem xét lại trường hợp gia đình chị Nhân.

Theo ông Be, hiện gia đình chị Nhân đã mất một lao động chính, anh Bảo cũng đang mất việc vì ở nhà lo cho con. “Xét về thu nhập, hiện nay gia đình anh Bảo có thể thuộc diện hộ nghèo. Chúng tôi sẽ họp bình xét, nếu người dân địa phương, đoàn thể thống nhất đưa gia đình anh Bảo vào diện hộ nghèo thì chúng tôi sẽ làm thủ tục bổ sung gia đình anh Bảo vào diện hộ nghèo đột xuất của xã An Xuyên” - ông Be nói.

Tìm đến cái chết bởi quá túng quẫn

Chúng tôi gặp anh Đinh Hoài Bảo chiều 30/4 lúc anh đang làm mâm cơm cúng tuần cho vợ. Nhìn lên di ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói hương, anh Bảo ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi cưới nhau từ năm 1990, khi cưới cha mẹ cho năm công đất làm ruộng. Cưới nhau chừng ba năm, vợ than hay bị nhức đầu. Tôi đưa vợ lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám, bác sĩ nói do bị ảnh hưởng dây thần kinh. Trị bệnh được một thời gian không chịu nổi tiền nên bỏ ngang. Vì vợ bệnh mà làm ăn khó khăn, đất cha mẹ cho cũng phải bán”.

Sau cơn bão số 5 (năm 1997), gia đình anh Bảo được xét vào diện nghèo của xã An Xuyên. Đến năm 2006, gia đình thoát nghèo.

Theo anh Bảo, tinh thần vợ bị suy sụp nặng cách đây hơn một tháng khi bệnh cũ tái phát. Anh Bảo ngậm ngùi: “Khi qua bệnh viện khám, bác sĩ nói dây thần kinh số 7 đã bị liệt.

Chính vào lúc này vợ tôi cũng mất việc. Tôi đưa vợ đi chích được ba ngày thì nghỉ vì không có tiền. Lúc này vợ có tâm sự với tôi muốn tìm đến cái chết để dành tiền lo con ăn học nhưng tôi đã khuyên ngăn. Không ngờ mấy hôm sau vợ tôi tìm đến cái chết”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân treo cổ quyên sinh tại nhà, để lại cho chồng con bức thư tuyệt mệnh. Bức thư không đề ngày tháng và viết liền một mạch không dấu chấm câu. Nội dung chị Nhân nói hoàn cảnh gia đình quá khổ, bệnh tình nặng không tiền chữa trị và để dành tiền cho con ăn học nên phải tìm đến cái chết. Khi chết chị Nhân cũng xin các cấp chính quyền ấp 5 thương hoàn cảnh gia đình quá khổ không lối thoát, mong giúp cho chồng con được sổ hộ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.