Chiều kích khác thường trong 'Đêm nhạc thể nghiệm'

Stolen với chủ đề ô nhiễm môi trường.
Stolen với chủ đề ô nhiễm môi trường.
TP - Tối 17/11/2017 tại quán nhạc Yoko, quận 3, TPHCM, những người đam mê với nghệ thuật thử nghiệm đã phần nào cảm thấy hài lòng với thế giới nghệ thuật pha trộn giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa cảm xúc và lý trí tồn tại trong một chiều kích khác thường trong Đêm nhạc thể nghiệm. Một khán giả Nhật Bản đã nhận xét: “Thật là điên dại (grazy)”.

Ám ảnh môi trường

Stolen gây ấn tượng mạnh với khán giả khi chàng trai Việt Kiều này xuất hiện với một cành củi khô và một chậu thau nước. Thứ âm nhạc chát chúa gợi cho người ta nghĩ tới những thảm họa, nhưng ở đây, thảm họa không phải do môi trường sinh ra mà là do con người sinh ra cho môi trường. Những điệu múa, những động tác và âm nhạc đều muốn cứu lấy cành củi khô, song gần như chậu nước kia lại luôn ở quá xa. Thứ nhạc cụ mà Stolen dùng để thổi không phải là sáo, kèn mà chính là một chai nước. Âm thanh của nước sạch, những dòng nước không ô nhiễm thật là ma mị, thật gần, thật xa, đâu đó nghe như tiếng cười tiếng khóc vậy.

Stolen là nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ hiện đại hiện đang sáng tác các chủ đề gắn với nước thải và ô nhiễm. Stolen cư ngụ tại Brooklyn với nguồn gốc gia đình ở Việt Nam và có thể anh cảm nhận vấn đề môi trường bức thiết hơn những cư dân của chính mảnh đất này.

Hình ảnh về một chậu nước sạch cứ rời xa dần cành củi khô, như một biểu tượng của cuộc đấu tranh sinh tồn của thiên nhiên với chất thải ô nhiễm mà con người đang gây ra. Có một sự hóa thân. Khi nghệ sĩ  Stolen hóa thân làm một cành cây, một cái cây, anh như hiểu rõ hơn cơn khát nước sạch vẫn đang khoắc khoải đến cuồng dại trong từng thớ cây, từng dòng nhựa vậy.

Stolen là một nghệ sĩ hiện đại rất chuyên nghiệp, không chỉ pha trộn nhiều nghệ thuật lại với nhau, như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, hình thể… mà nghệ sĩ trẻ này còn xây dựng một không gian nghệ thuật riêng của mình và sản xuất các nhãn hiệu như Black Truffle, Editions Mego, Ipecac, Erstwhile, Clean Feed, Gaffer Records, 23five, iDEAL và nhãn hiệu Antboy Music của riêng mình. Với nghệ sĩ Việt Kiều này, nghệ thuật của anh không là nghệ thuật “thử nghiệm” theo như quan niệm của các nghệ sĩ Việt Nam, mà nó là một nghệ thuật mới với sản phẩm hoàn thiện và mới lạ và hoàn chỉnh.

Ánh sáng - bóng tối

Tác phẩm ám ảnh không kém là tác phẩm múa của Nguyễn Thành Chung và Nguyễn Hữu Thuận với một chiếc đèn pin, trong bóng tối dày đặc. Có lẽ người xem đã quen với những sân khấu tráng lệ, hệ thống ánh sáng điện tử rực rỡ sẽ “bị sốc nhẹ” với một tác phẩm không cần tới sân khấu mà chỉ cần một chiếc đèn pin bật lên. Hai bóng người quây lấy, đuổi bắt, nắm giữ, tranh giành, xô đẩy, từ chối và tìm kiếm cái đèn pin theo nghĩa đen và họ phải liên tục đuổi bắt thứ ánh sáng sắp cạn kiệt ấy.

Có lẽ là quá dài với một tác phẩm múa chỉ với cái đèn pin với thời lượng 15 phút, nhưng nó cũng phản ánh một cuộc đấu tranh sinh tồn tìm ánh sáng cho bản thân của những người nghệ sĩ hiện đại.

Nguyễn Thành Chung tốt nghiệp trường múa Việt Nam năm 2009 và là một trong những nghệ sĩ đã đạt tầm vóc quốc tế khi anh từng nhận được giải “Giải thưởng Hội nghệ sỹ múa Hàn Quốc”. Năm 2014, anh chuyển tới Singapore để làm việc với T.H.E Dance Company, biểu diễn cùng công ty ở trong nước cũng như các tour diễn tại Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Năm 2016, anh đến Thụy Sĩ và nhận được học bổng từ Cinevox Junior Company, làm việc với các biên đạo múa như Franz Brodmann, Olaf Schmidt, Íhan Rustem, Felix Dumeril.

Cuộc đuổi bắt ánh sáng của Chung và Thuận khiến người xem nghẹt thở, nhưng ít ai biết chính những người nghệ sĩ cũng trải qua những giây phút sáng tạo mà chính họ cũng không biết nó sẽ thất bại hay thành công. Nguyễn Thành Chung nói với tôi: “Chúng tôi không có kịch bản chi tiết. Khi diễn, mình phải cố cảm nhận và nắm bắt được những hình ảnh đang hiện ra trong đầu của mình, hiện ra trong âm nhạc, trong bạn diễn, để phát triển nó. Những tác phẩm như thế này, khác hẳn với các tác phẩm múa được tập trước và có biên đạo chỉ đường”.

Chung hài lòng với những theo đuổi nghệ thuật của mình: “Khi là một nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, anh buộc phải đối diện với một thực tế là khi ra sân khấu, người biên đạo sẽ yêu cầu anh phải làm cái này, không được làm cái kia. Nhiều khi anh không thích, thậm chí rất ghét nó, nhưng anh vẫn cố phải làm cho đúng như thế. Còn với những tác phẩm hiện đại như thế này, người quyết định phải làm gì, không làm gì, đó chính là nghệ sĩ. Mình sẽ phải chịu mọi trách nhiệm trước khán giả về những gì mình sẽ làm, đang làm – Chung tiết lộ - Em thích điều này”.

Khi âm nhạc là phá bỏ âm nhạc

Các tác phẩm trình diễn được nâng đỡ bởi phần nhạc nền của một nhạc sĩ trẻ đeo kính cận. Anh ta ngồi trên sân khấu và thay vì ngồi trước piano lại ngồi trước máy tính và liên tục “sản xuất” ra thứ nhạc- phi âm nhạc truyền thống, để phục vụ cho những nghệ sĩ trình diễn như đang “lên đồng” ngoài kia. Người đó là Phan Hồng Giang.

“Phá bỏ tất cả những gì thuộc về âm nhạc, đó là công việc trong sáng tạo của em với âm nhạc thử nghiệm - Phan Hồng Giang nói với phóng viên - trong âm nhạc này không tồn tại những khái niệm như cao độ, trường độ, hòa âm…”. Nói chung, “âm nhạc” của Giang không có gì liên quan đến những quy luật, thói quen và mỹ học âm nhạc. “Em sử dụng tất cả những gì có thể tạo ra âm thanh, tiếng động để thực hiện các tác phẩm của mình” – Giang nói sau buổi diễn.

Nếu so với nghệ sĩ âm nhạc thể nghiệm là Kim Ngọc ở Hà Nội (Hồng Giang và Kim Ngọc từng có chương trình biểu diễn chung với nhau năm 2009), âm nhạc thể nghiệm của Hồng Giang “cực đoan” hơn rất nhiều khi nó phá bỏ tính giai điệu, sự cân đối trong cấu trúc hay thậm chí là nhạc cụ nữa. Một nghệ sĩ thông thường có lẽ không thể đi biểu diễn mà lại không mang theo một nhạc cụ nào đó. Với Giang thì không, anh không nghĩ tới nhạc cụ. Giang nói: “Điều còn lại cuối cùng trong các tác phẩm của em đó là sự nghe. Những thứ khác với em không phải là quan trọng”. Với Hồng Giang, âm nhạc không phải sử dụng âm thanh để làm công cụ biểu đạt diễn tả điều gì đó mà âm nhạc là sự tôn vinh những âm thanh thuần khiết với vẻ đẹp trong sáng của nó trong tự nhiên và trong cuộc đời.

Rất nhiều khán giả tới xem đêm diễn nhạc thử nghiệm là các bạn trẻ Nhật Bản. Họ hỏi Hồng Giang: “Những âm thanh vừa rồi do bạn làm ra bằng máy tính?”. Giang đáp: “Đúng như vậy. Tôi sản xuất chúng bằng các phần mềm”. Mọi người đều ồ lên tán thưởng.

Đi tìm cộng đồng âm nhạc thử nghiệm

Câu đầu tiên mà Hồng Giang nói với tôi: “Em không ngờ hôm nay nhiều khán giả thế!”. Công việc thường ngày của Giang không liên quan gì đến âm nhạc thử nghiệm, anh phối khí và sản xuất chương trình cho các ca sĩ nổi tiếng trên thị trường, phải rất lâu, có lẽ từ năm 2009, Hồng Giang mới thực sự làm việc với tư cách một nghệ sĩ thử nghiệm. Giang nói: “Cả TPHCM chỉ mình em làm âm nhạc thể nghiệm, nên phải đợi các nghệ sĩ quốc tế tới đây mới có thể làm chương trình được”.

Thế hệ các nghệ sĩ thử nghiệm hiện nay đều xuất thân từ các trường nghệ thuật và được đào tạo rất bài bản. Phan Hồng Giang đã trải qua 11 năm học piano tại Nhạc Viện TPHCM và trở thành nghệ sĩ nhạc thể nghiệm đầu tiên tại Sài Gòn, sản xuất âm nhạc bằng vi tính, thử nghiệm với tiếng ồn, âm thanh thật từ đời sống. Giang nói: “Âm nhạc thử nghiệm tại TPHCM không phát triển được vì cộng đồng thưởng thức và cộng đồng biểu diễn rất ít. Còn ở nước ngoài, họ sản xuất chương trình để bán là việc rất bình thường”.

Chương trình âm nhạc thể nghiệm lần này, Giang kết hợp với Will Gurthie là một tay trống / chơi nhạc sống ở Pháp, ngẫu hứng trống, bộ gõ, đồ vật, rác, khuếch đại bằng điện tử. Anh biểu diễn rất điềm đạm, chỉn chu và cầu kỳ với “nhạc cụ” chính là những chiếc mõ, chuông chùa.

Mọi thứ nghệ thuật, trong đó có âm nhạc thử nghiệm, nếu thiếu khán giả, nó trở thành một nghệ thuật chết, chẳng khác gì những trận đấu thể thao sạch bóng khán giả vậy. Nếu như các nghệ sĩ thử nghiệm quốc tế như Will Gurthie hay Stolen thường xuyên có các chương trình biểu diễn và sản xuất nhiều sản phẩm để tiêu thụ thì các nghệ sĩ Việt Nam lại không có “đất” để sinh tồn. Nguyễn Hữu Thuận tốt nghiệp trường múa và là giảng viên múa đương đại tại trường múa tp Hồ Chí Minh, năm 2012 tham gia cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Hàn Quốc đạt được giải Bạc và lưu diển các nước Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Ý… nhưng anh nói: “Ở Việt Nam, chúng em biểu diễn rất nhiều chương trình đấy chứ, có điều đó không phải là các chương trình nghệ thuật thử nghiệm mà chúng em đam mê! Những chương trình nghệ thuật thử nghiệm tại Việt Nam là rất hiếm”.

Hồng Giang hỏi tôi, một câu hỏi thật khó trả lời: “Kể từ chương trình âm nhạc thử nghiệm với Kim Ngọc (Hà Nội) từ năm 2009 đến bây giờ (2017) em mới có một chương trình âm nhạc thử nghiệm thứ hai của mình. Như vậy có lâu quá không nhỉ?”.              

 Âm nhạc thông thường không đủ làm thỏa mãn

Trần Hoài Anh, người biên tập chương trình Âm nhạc thử nghiệm tại Yoko bar nhận xét: “Qua làm việc, tôi thấy các nghệ sĩ âm nhạc thử nghiệm đều là những người được đào tạo cơ bản, có kỹ năng rất cao trong nghề nghiệp của mình, điển hình như Phan Hồng Giang. Có lẽ họ tìm đến với nghệ thuật thử nghiệm là vì âm nhạc thông thường không đủ làm họ thỏa mãn và họ phải tìm tới, phải sáng tạo ra những âm thanh, âm nhạc mới lạ, tạo ra một không gian nghệ thuật khác để phù hợp với nhu cầu thưởng thức và biểu diễn của chính các nghệ sĩ”.

Nhạc sĩ thể nghiệm Phan Hồng Giang tiết lộ: “Em đang cố gắng tạo ra một cộng đồng những người yêu thích âm nhạc thể nghiệm. Bản thân em đang đi theo con đường sáng tác, sản xuất các sản phẩm rồi phát hành trên internet, ai muốn nghe thì tải về sử dụng”.

Chiều kích khác thường trong 'Đêm nhạc thể nghiệm' ảnh 1 Phan Hồng Giang miệt mài cùng những “nhạc cụ” của mình.
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.