Chiêu hối lộ quan chức của GSK Trung Quốc

Chiêu hối lộ quan chức của GSK Trung Quốc
TP - Bốn giám đốc điều hành cấp cao của công ty dược phẩm đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) ở Trung Quốc đang bị cảnh sát nước này tạm giam, vì nghi ngờ phạm nhiều tội kinh tế nghiêm trọng, trong đó có hành vi hợp pháp hóa tiền hối lộ quan chức y tế thông qua công ty lữ hành.

> Hãng dược Trung Quốc hối lộ quan chức chính phủ
> Con người làm nên văn hóa khác biệt

GSK (Trung Quốc) bị cáo buộc dùng chiêu hối lộ quan chức chính phủ, chuyên gia y tế và bác sĩ thông qua các công ty lữ hành. Ảnh: Xinhua
GSK (Trung Quốc) bị cáo buộc dùng chiêu hối lộ quan chức chính phủ, chuyên gia y tế và bác sĩ thông qua các công ty lữ hành. Ảnh: Xinhua.

Bộ Công an Trung Quốc thông báo, bốn giám đốc bị cáo buộc đã hối lộ rất nhiều tiền cho nhiều quan chức chính phủ, tổ chức và hiệp hội y học, bệnh viện và bác sĩ, nhằm mở rộng thị phần của GSK tại Trung Quốc và tăng giá bán. Phương thức hối lộ chủ yếu là thông qua các công ty du lịch. Cảnh sát Trung Quốc cũng đang thẩm vấn cả đại diện của các công ty du lịch bị nghi ngờ dính dáng vụ việc.

Bốn giám đốc điều hành đang bị tạm giam có tên Trung Quốc là Phó Chủ tịch Cty Đầu tư GSK (Trung Quốc) Liang Hong, phó chủ tịch kiêm giám đốc nhân sự Zhang Guowei, giám đốc pháp lý Zhao Hongyan, và quản lý phát triển kinh doanh Huang Hong.

Theo Xinhua, ông Liang thừa nhận ông “có liên lạc” với các quan chức cấp cao của chính phủ và chuyên gia y tế. Liang nói rằng, ông được ủy quyền để thông qua khoản ngân sách hằng năm lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ. Ông Liang giám sát khoảng 3.000 trình dược viên khắp Trung Quốc để làm việc với các bệnh viện và bác sĩ.

GSK (có trụ sở chính tại Anh) là hãng dược phẩm lớn thứ tư thế giới xét theo doanh số bán thuốc năm 2009. Hãng dược đa quốc gia này đang cung cấp nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc chữa hen suyễn, ung thư, bệnh tiêu hóa, bệnh tâm thần… ở khoảng 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, vụ việc bị phát giác không phải do nội bộ tố cáo, mà xuất phát từ điều tra của cảnh sát. Trong nửa đầu năm nay, cảnh sát phát hiện nhiều bất thường trong hoạt động của công ty du lịch quốc tế Linjiang Thượng Hải.

“Công ty này chỉ làm ăn với một số doanh nghiệp dược và ít khi có hoạt động du lịch thông thường. Tuy nhiên, doanh thu hằng năm của công ty lại tăng đột biến từ vài triệu nhân dân tệ hồi mới thành lập năm 2006 lên gấp hàng trăm lần trong năm nay”, Xinhua trích lời một cảnh sát điều tra cho biết.

Từ đó, GSK Trung Quốc và một số doanh nghiệp trực thuộc bị cơ quan chức năng phát hiện là dính dáng những bất thường này.

Ông Weng Jianyong, đại diện của công ty lữ hành Linjiang, cho biết hãng này có thỏa thuận ngầm với ông Liang ở GSK (Trung Quốc) rằng, ông Liang sẽ mang lại cơ hội kinh doanh dịch vụ hội nghị, đổi lại ông Liang sẽ nhận lại một khoản “lại quả”.

Từ năm 2010, giá trị của các hóa đơn từ hoạt động này đã lên tới 30 triệu nhân dân tệ (gần 4,9 triệu USD), và ông Liang đã nhận lại khoảng 2 triệu nhân dân tệ. Ông Liang giữ lại một phần tiền, phần còn lại được đưa cho ông Weng để trang trải “các chi phí không thể hoàn lại”.

Ông Weng thừa nhận trước đó đã biết ông Liang dùng “các chi phí không thể hoàn lại” đó để hối lộ nhiều quan chức và chuyên gia y tế. “Đôi khi, ông Liang nói rõ với tôi qua điện thoại về chuyện hối lộ, và tôi phải chuẩn bị tiền để đưa đến những người mà ông ấy bảo”, ông Weng nói.

Ông Weng cũng làm ăn với các bộ phận khác của GSK (Trung Quốc), và khoản lại quả mà hãng Linjiang trả cho các quản lý cấp cao của hãng dược từ năm 2009 đã lên tới khoảng 20 triệu nhân dân tệ, một phần trong số đó được dùng để hối lộ nhiều quan chức, chuyên gia y tế.

Giá thuốc đội thêm 30% vì chi phí hối lộ

GSK (Trung Quốc) có quy định tài chính nội bộ nghiêm ngặt rằng, chi phí để tặng và mua quà vì mục đích kinh doanh không vượt quá 300 nhân dân tệ/người. Vì thế, công ty du lịch và các quản lý của hãng dược thường làm báo cáo láo và hóa đơn khống để hợp thức hóa các khoản tiền.

Ông Weng nói rằng, nhiều công ty lữ hành khác cũng đang có kiểu làm ăn tương tự với GSK (Trung Quốc). Một số hãng lữ hành trước đó cho biết họ đã “hối lộ bằng sex” cho các quản lý cấp cao của hãng dược để duy trì quan hệ làm ăn.

Giá thuốc ở Trung Quốc là do chính phủ quản lý, nên bằng sáng chế không có ảnh hưởng nhiều lên giá của mặt hàng thiết yếu này. “Nếu chúng tôi muốn bán thuốc ở Trung Quốc, chúng tôi phải làm thủ tục với cơ quan quản lý dược phẩm, cơ quan quản lý giá, cơ quan an sinh xã hội, chính quyền địa phương và cả bệnh viện, bác sĩ. Tất cả các quy trình này đều có thể tạo cơ hội cho tham nhũng”, ông Liang giải thích.

Chi phí hối lộ sẽ được tính cả vào giá thuốc, và bệnh nhân là người phải gánh chịu. Theo ông Liang, chi phí phụ có thể làm giá thuốc tăng thêm 30%. Thậm chí, một loại thuốc nào đó chỉ tốn 30 nhân dân tệ để sản xuất, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã tăng 100 lần.

TRÚC QUỲNH
Theo Xinhua, China Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.