Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn:

Chiến thắng nhờ hướng tới lợi ích của những đối tượng cụ thể

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn
TP - Ngày 01/10/2018, tại Luân Đôn, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn -  Chủ tịch HĐQT  kiêm TGĐ  AIC & Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) đã giành được giải thưởng “Ý tưởng và Mô hình Quốc gia Thông minh xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Cuộc thi toàn cầu về ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh. Nhân dịp này, chị đã trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel… đã đi trước chúng ta khá xa về phát triển các hệ thống thông minh. Khi quyết định tham gia cuộc thi toàn cầu về ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh, chị và AIC có nghĩ là mình có cơ hội đoạt giải không hay như người ta vẫn thường nói là “tham dự để học tập”?

Tôi cũng không nghĩ là mình đoạt giải cao như vậy nhưng tôi đã nghiên cứu các mô hình khác đã triển khai trên thế giới thì tôi tự tin rằng mô hình mà tôi tham dự có đầy đủ những gì họ có và có thêm rất nhiều tính năng mới hơn.

Ý tưởng của mô hình quốc gia thông minh mà chị mang đến cuộc thi đã ra đời thế nào?

Khi tôi dự nhiều hội thảo về thành phố thông minh hay quốc gia thông minh, tôi nhận thấy nhiều người không hiểu rõ thành phố thông minh là gì, đặc biệt là các đối tượng khác nhau trong xã hội sẽ được hưởng lợi gì từ thành phố thông minh hay quốc gia thông minh hoặc có nhưng không đầy đủ. Ngoài ra, làm thế nào để triển khai thành công mô hình thành phố thông minh tại các nơi thì không có nơi nào hướng dẫn cụ thể cả.

Chính vì vậy mà tôi đã xây dựng mô hình quốc gia thông minh trên cơ sở cụ thể hoá các tính năng hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như thế nào, đồng thời có phân tích các giải pháp đồng bộ để có thể triển khai, hiện thực hoá mô hình quốc gia thông minh.

Vậy những điểm cốt lõi trong mô hình của chị là gì và có phần nào trong nó đã được áp dụng trong thực tế hay chưa?

Điểm cốt lõi trong mô hình quốc gia thông minh mà tôi xây dựng đó chính là hướng tới các đối tượng hưởng lợi và tính khả thi của nó để có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Hệ thống mà tôi xây dựng có nhiều phần riêng biệt dựa trên kinh nghiệm những chương trình đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới như Israel, một số nước châu Âu, Hàn Quốc, Singapore... Ở Việt Nam cũng đã có nơi áp dụng một số mô hình quản lý thông minh về Giao thông, Y tế, Giáo dục..., nhưng hệ thống đồng bộ và tích hợp lại như tôi báo cáo thì chưa có.

Chiến thắng nhờ hướng tới lợi ích của những đối tượng cụ thể ảnh 1 Màn hình buổi lễ tại Luân Đôn thông báo người chiến thắng cuộc thi quốc tế về mô hình quốc gia thông minh là Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Chị và tập đoàn AIC có định  phát triển bài thi để ứng dụng trong thực tiễn không và khả năng đó thế nào trong bối cảnh và điều kiện nước ta hiện nay?

Tôi rất mong muốn triển khai hiện thực hoá mô hình này tại Việt Nam. Tôi yêu đất nước Việt Nam và mong muốn Việt Nam sẽ sớm phát triển thành công mô hình quốc gia thông minh để có thể theo kịp và tiến bộ hơn nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này,nhất là việc xây dựng các hành lang pháp lý, từ các nghị quyết của BCH T.Ư Đảng, của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi học tập nhiều mô hình thành công của thế giới, ông lại trực tiếp là trưởng ban chỉ đạo điều hành chương trình này. Rồi nhiều địa phương, bộ ngành có quyết tâm cao. Đó là những tiền đề rất quan trọng trong việc triển khai chương trình quốc gia thông minh.

Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng một thành phố thông minh hoàn toàn mới với mức đầu tư 40 tỷ đô la. Chị và AIC có mơ ước đến lúc nào đó được tham gia vào xây dựng một thành phố như thế ở Việt Nam không và triển vọng đó như thế nào?

Với hoàn cảnh của Việt Nam chúng ta cần phải biết liệu cơm gắp mắm, làm thế nào đầu tư hợp lý nhất mà vẫn đạt mục đích và huy động các nguồn lực khác nhau trong xã hội cùng góp sức xây dựng quốc gia thông minh. Đó là điều mà tôi và AIC mong ước. 

Doanh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là viện sĩ Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống LB Nga (Viện IASS) .Chị đã đạt được nhiều danh hiệu và giải thưởng quốc tế và Việt Nam có giá trị như : Viện sỹ có thành tựu xuất sắc trong 10 năm từ 2005 đến 2015 của Viện IASS, LB Nga; Giải thưởng doanh nghiệp Asean tiêu biểu; Được tạp chí Forbes phiên bản Việt bình chọn vào danh sách 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017; Giải thưởng Bông hồng vàng; Giải thưởng Sao đỏ; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2004 ...Ngoài ra, chị  cũng đạt nhiều thành tựu trong kết nối và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và một số nước. Chị cũng có nhiều đóng góp trong việc kết nối để mời các chuyên gia quốc tế đến để khảo sát, tư vấn khắc phục sự cố môi trường Formosa.

MỚI - NÓNG