> Tuyên dương mô hình thanh niên tiêu biểu
CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế (Hòa Bình) nhận công trình gây quỹ. |
SN 1976, chiến sĩ công an Trịnh Xuân Chiến vừa là chủ nhiệm CLB Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Ngày 8 giờ hành chính ở trạm công an xã, về nhà Chiến buôn bán nhỏ lẻ giúp cải thiện cuộc sống gia đình.
Anh không yên lòng khi thấy nhiều thanh niên trong xã quanh năm cày cấy vẫn thiếu đói và năm 2003 nảy ý tưởng thành lập CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế.
Hội viên CLB ban đầu chủ yếu là thanh niên làm nông, không có tiền hoạt động. Số tiền quỹ ban đầu mỗi người đóng 100.000 đồng chỉ đủ đi thăm hỏi, ma chay hiếu hỉ.
Sau đó anh Chiến tìm phương án giúp CLB kiếm tiền. Ở trường học, trạm xá, UBND xã có công trình nhỏ nào anh đều đứng ra xin nhận làm gây quỹ. Ban đầu chỉ là xây hàng rào, tường bao thu tiền công được chưa đầy chục triệu đồng, sau đó là công trình lớn, giao khoán cho hội viên có tay nghề.
“Anh em trẻ đều hăng hái, nhiệt tình tham gia mà không sợ thiệt hơn”, anh Chiến nói. Sau một năm, khi tiền quỹ của CLB khấm khá hơn, anh bắt đầu thảo quy chế và cho anh em hội viên vay, đầu tư phát triển kinh tế.
Mỗi tháng CLB họp định kỳ một lần để giao, nhận công trình mới, công khai quỹ và bàn phương pháp làm kinh tế phù hợp cho từng hộ.
Anh Chiến nói, tùy điều kiện của từng gia đình mà CLB thảo luận và phân chia quỹ cho vay hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế. Bạn trẻ có tay nghề, quỹ cho vay cả chục triệu đồng để mở xưởng gỗ, có người lại chỉ cần vay tiền mua đôi lợn giống.
Cũng có thanh niên khi ở thôn xóm chưa bao giờ tham gia hoạt động Đoàn nào, khi vào CLB lại hăng hái, xông xáo.
Có hội viên lập gia đình được bố mẹ cho mỗi sào ruộng, quanh năm thiếu đói được CLB cho vay tiền mua đàn vịt, thầu luôn hồ nước bỏ hoang lâu ngày để nuôi cá. Đến nay, gia đình đó khấm khá.
Hiện CLB có 33 hội viên, trong đó nhiều người thành công khi mở xưởng mộc, có thu nhập từ 200 - 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 - 20 lao động.
Riêng anh Chiến cùng bạn bè góp vốn mở cửa hàng bán ô tô, xe máy nhiều năm nay.
Anh dự định thành lập Cty để mở rộng kinh doanh. Anh chia sẻ: “Mình vừa viết đề án kiến nghị tổ chức Đoàn, Hội khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn mô hình hay cho anh em vay vốn làm ăn”.
Nuôi lợn xuất khẩu Bạn trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cùng góp vốn, xây chuồng trại nuôi lợn với quy mô lên đến hàng nghìn con. Tổng đội trưởng Làng thanh niên lập nghiệp Hoàng Thế Lộc cho biết, dự án triển khai từ cuối năm 2011, được đầu tư hơn 2 tỷ đồng, có hộ gia đình đăng ký chăn nuôi 4.000 con lợn/lứa kết hợp đào ao, thả cá. Đây là dự án chăn nuôi lớn nhất từ trước đến nay tại vùng biên giới Tây Sơn. Anh Lộc cho biết, HTX đã hợp tác với Cty chăn nuôi của Thái Lan để họ lo đầu ra. Khu chuồng trại chăn nuôi được vô trùng, không cho người lạ ra vào thường xuyên nên rủi ro về dịch bệnh rất thấp. |